Tài liệu tuyên truyền Nông thôn mới năm 2011 (Phát đến hộ gia đình)

12/12/2011 18:54
Xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là chương trình xây dựng phát triển nông thôn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; là cơ sở để xây dựng Thành phố Móng Cái trở thành Thành phố cửa khẩu Quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/07/2009.

            Câu hỏi 1: Hiểu như thế nào là Nông thôn? Nông thôn mới (NTM) thời kỳ Công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) giai đoạn 2010-2020 có những đặc điểm cơ bản gì?

Trả lời:

Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

- Những đặc điểm cơ bản của Nông thôn mới thời kỳ CNH-HĐH, giai đoạn 2010-2020 bao gồm:

          + Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao;

          + Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ;

          + Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy;

          + An ninh tốt, quản lý dân chủ;

          + Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao./.

           Câu hỏi 2: Quan điểm, mục tiêu tổng quát xây dựng Nông thôn mới của Thành phố Móng Cái?

Trả lời:

*) Quan điểm xây dựng NTM:

1. Xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là chương trình xây dựng phát triển nông thôn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; là cơ sở để xây dựng Thành phố Móng Cái trở thành Thành phố cửa khẩu Quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/07/2009.

          2. Chủ thể chính xây dựng NTM là nông hộ và cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực nông thôn; xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm “Dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư”, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi.

          3. Thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu; triển khai đến đâu phải hoàn thành dứt điểm đến đó, nhằm phát huy hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

          4. Tiến hành đồng thời ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện tốt về các tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn.

          *) Mục tiêu tổng quát xây dựng NTM:

Xây dựng nông thôn mới Thành phố Móng Cái là kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, con người, xây dựng cơ cở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn nông nghiệp phát triển nhanh với dịch vụ, công nghiệp, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ vững, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường./.

 Câu hỏi 3: Mục tiêu cụ thể chương trình xây dựng NTM của Thành phố Móng Cái đến năm 2015 là đạt được những gì? Đến năm 2020 đạt được những gì?

Trả lời:

*) Mục tiêu cụ thể chương trình xây dựng NTM của Thành phố Móng Cái đến năm 2015:

Toàn Thành phố có 07 - 08 xã/09 xã (77,8 - 88,9% số xã), bao gồm: Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Hải Tiến, Hải Xuân, Vạn Ninh và phấn đấu 09/09 xã (bằng 100%) đạt chỉ tiêu NTM; Thành phố đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (cơ bản đạt các tiêu chí NTM). Cơ bản đạt các chỉ tiêu về NTM về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội, môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất ở nông thôn; phấn đấu kinh tế khu vực nông thôn đóng góp từ 15% - 20% tổng sản phẩm (GDP) của Thành phố, trong đó nông - lâm - ngư nghiệp chiếm dưới 10% trong cơ cấu GDP của Thành phố; thu nhập gấp 1,5 - 2,0 lần so với thu nhập đầu người khu vực nông thôn của Thành phố năm 2010. Chất lượng của hệ thống chính trị được nâng cao; có 90% số cán bộ xã đạt chuẩn; hàng năm 80% Đảng bộ, MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã trong sạch, vững mạnh; 100% các xã không có khiếu kiện đông người, vượt cấp.

          *) Mục tiêu cụ thể chương trình xây dựng NTM của Thành phố Móng Cái đến năm 2020:

Đạt 100% số xã có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đạt tiêu chí NTM; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm dưới 8% trong cơ cấu GDP của Thành phố; thu nhập gấp 2 lần so với thu nhập đầu người khu vực của Thành phố năm 2015; tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ rừng che phủ ổn định ở mức trên 41%; có 09/09 xã (100% số xã) đạt tiêu chuẩn NTM./.

 Câu hỏi 4: Theo quan điểm chỉ đạo xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm “Dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư”. Vậy, “nội lực cộng đồng dân cư” bao gồm những gì?

          Trả lời:

          Nội lực cộng đồng dân cư bao gồm:

- Công sức và tiền của do người dân và cộng đồng tự bỏ ra để chỉnh trang nơi ở của gia đình mình như: xây dựng, nâng cấp nhà ở; xây dựng đủ 3 công trình vệ sinh; cải tạo, bố trí lại các công trình phục vụ khu chăn nuôi hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn NTM; cải tạo lại vườn ao để có thu nhập và cảnh quan sạch đẹp; sửa sang đường ngõ, tường rào đẹp đẽ, khang trang,…

- Đầu tư cho sản xuất ngoài đồng ruộng hoặc cơ sở sản xuất tiểu thu công nghiệp, dịch vụ để có thu nhập cao.

- Đóng góp xây dựng các công trình công cộng của làng, xã như giao thông thôn, xóm; kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh công cộng,… Hình thức đóng góp của người dân có thể là tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất giải phóng mặt bằng, nguyên liệu phục vụ công trình,… để xây dựng các công trình./.

           Câu hỏi 5: Cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách cho Chương trình xây dựng NTM như thế nào?

Trả lời:

          Cơ chế hộ trợ đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước: Hỗ trợ đầu tư tối thiểu bằng cơ chế hiện hành của tỉnh Quảng Ninh.

          - Đầu tư 100% công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã; kênh mương loại 1, loại 2, hồ, đập.

          - Hỗ trợ một phần cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt phân tán, thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông thôn, xóm; kênh mương loại 3; điện hạ áp sinh hoạt nông thôn; phát triển sản xuất và dịch vụ; công trình thể thao thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp và thủy sản./.

 Câu hỏi 6: Nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM bao gồm những gì?

Trả lời:

          Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

          - Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia; chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm:

          + Vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

          + Vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của chương trình này, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ.

          - Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho Chương trình NTM. Huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình xây dựng NTM.

          - Huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, được hưởng ngân sách hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật. Huy động đầu tư từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn xã.

          - Huy động đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án cụ thể, do HĐND xã thông qua.

          - Các khoản viện trợ không hoàn lại của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư.

          - Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng.

          - Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác./.

 Câu hỏi 7: Chương trình xây dựng NTM hiện nay có gì khác so với các Chương trình xây dựng nông thôn đã từng triển khai nhiều năm trước đây?

Trả lời:

          Công cuộc xây dựng nông thôn đã được Đảng và Nhà nước tiến hành từ lâu; đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách để xây dựng nông thôn. Rút kinh nhiệm từ những thành công và cả thất bại của các chương trình trước, kết hợp học tập kinh nghiệm nước ngoài, Chương trình xây dựng NTM lần này có nhiều điểm mới so với các chương trình xây dựng nông thôn đã từng triển khai nhiều năm trước đây, cụ thể là:

          1. Xây dựng NTM thực hiện trên địa bàn xã theo Bộ tiêu chí Quốc gia Nông thôn mới (đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM để các địa phương thực hiện mà trước đây chưa có).

          2. Trước đây xây dựng nông thôn cấp huyện, có thời kỳ cấp thôn, nay trên địa bàn cấp xã và trên phạm vi toàn quốc.

          3. Cộng động dân cư trong xã là chủ thể xây dựng NTM. Nhà nước chỉ định hướng thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách hỗ trợ.

          4. Chương trình mục tiêu Quốc gia là chương trình khung về phát triển nông thôn đã bao gồm các nội dung cần thực hiện cho 19 tiêu chí. Để thực hiện, sẽ cần có nhiều chương trình, dự án thành phần do các Bộ, Ngành chỉ đạo, hướng dẫn. Các đề án đều phải hướng vào thực hiện các tiêu chí NTM. Nội dung các đề án không trùng lặp nhau. Đây là chương trình tổng thể, bao trùm các mục tiêu xây dựng và phát triển nông thôn nước ta./.

        Câu hỏi 8: Chương trình xây dựng NTM đặt vai trò của người nông dân làm chủ thể, vậy vai trò đó được thể hiện trên lĩnh vực nào? Và làm thế nào để phát huy được vai trò đó?

Trả lời:

          1. Ngay từ đầu, người dân được tham gia ý kiến vào bản quy hoạch và đề án xây dựng NTM của xã.

          2. Cộng đồng dân cư sẽ quyết định việc gì làm trước, việc gì làm sau nếu xét thấy thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã nhưng vẫn đảm bảo quy hoạch, kế hoạch đã duyệt và theo các quy chuẩn của Nhà nước.

          3. Quyết định mức đóng góp công sức, tiền của vào xây dựng các công trình công cộng của địa phương.

          4. Tự giác, chủ động thực hiện chỉnh trang nơi ăn, ở của mình theo tiêu chuẩn NTM như: Xây dựng đủ các công trình vệ sinh, bố trí khu chăn nuôi hợp vệ sinh, cải tạo ngõ xóm, tường rào để có cảnh quan đẹp, …

          5. Tất cả các công việc trong xây dựng NTM, việc gì dân làm được thì giao cho dân làm, việc gì dân không làm được thì mới thuê; người dân cử đại diện (Ban giám sát cộng đồng) để tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã.

          6. Để nâng cao thu nhập, người dân phải chủ động tìm đến khoa học - kĩ thuật trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; phải học hành, quyết định đầu tư, chọn hướng sản xuất và thâm canh trên ruộng, vườn nhà mình để có năng suất cao./.

           Câu hỏi 9: Một xã, một huyện, một tỉnh như thế nào thì được coi là đạt tiêu chuẩn NTM?

          Trả lời:

          - Một xã đạt tiêu chuẩn NTM khi đạt đủ 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia được quy định tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Các tiêu chí cụ thể là: (1) Quy hoạch, (2) Giao thông, (3) Thủy lợi, (4) Điện, (5) Trường học, (6) Cơ sở vật chất văn hóa, (7) Chợ, (8) Bưu điện, (9) Nhà ở dân cư, (10) Thu nhập, (11) Tỷ lệ hộ nghèo, (12) Cơ cấu lao động, (13) Hình thức tổ chức sản xuất, (14) Giáo dục, (15) Y tế, (16) Văn hóa, (17) Môi trường, (18) Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, (19) An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, ổn định.

          - Một huyện đạt tiêu chí NTM khi có 75% số xã trong huyện đạt tiêu chí NTM.

          - Một tỉnh đạt tiêu chí NTM khi có 80% số huyện trong tỉnh đạt tiêu chí NTM./.

           Câu hỏi 10: Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Thành phố Móng Cái giai đoạn 2010-2020 được tổ chức như thế nào?

          Trả lời:

          Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Thành phố Móng Cái giai đoạn 2010-2020 được chia thành 3 cấp.

1. Cấp Thành phố:

*) Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới:

- Trưởng ban chỉ đạo: Đồng chí Bí thư Thành ủy.

- Các Phó Trưởng Ban chỉ đạo: gồm 06 đồng chí

+ Đ/c Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP;

+ Đ/c Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP;

+ Đ/c Phó Chủ tịch HĐND Thành phố;

+ Đ/c Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố;

+ Đ/c Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP;

+ Đ/c Trưởng phòng Kinh tế Thành phố.

- Các ủy viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy, Thường trực HĐND, Ban Kinh tế - xã hội và Ban pháp chế HĐND Thành phố, Văn phòng HĐND - UBND Thành phố, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin, Công an Thành phố, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố, Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố; Ban điều hành xây dựng Nông thôn mới.

*) Ban Điều hành dự án xây dựng nông thôn mới:

- Trưởng ban: Đ/c Vũ Văn Kinh – Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

- Các Phó Trưởng ban:

+ Phó Trưởng ban thường trực: Đ/c Nguyễn Thanh Xuân – Phó Giám đốc BQL Dự án công trình Thành phố

+ Trưởng Phòng Kinh tế;

+ Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch.

- Các thành viên chủ chốt:

+ Đ/c Nguyễn Thị Hải: Cán bộ phụ trách Chương trình Nông thôn mới (0904.626.801)

+  Phòng Kinh tế: Đ/c Nguyễn Hữu Toàn (0912.568.896)

+  BQL Dự án công trình Thành phố: Đ/c Hà Thanh Việt (0919.010.114);

+  Phòng Tài chính – Kế hoạch: Đ/c Nguyễn Thị Hậu (0904.842.088);

+  Phòng Quản lý đô thị: Đ/c Nguyễn Đức Việt (0903.408068);

+ Phòng Giáo dục - Đào tạo: Đ/c Nguyễn Thu Hương (0904.089.068)

+  Phòng Lao động TBXH: Đ/c Nguyễn Thị Phương (01668.994.168)

+  Phòng Tài nguyên – Môi trường: Đ/c Nguyễn Văn Chiều (0903.224.878)

+  Công an Thành phố: Đ/c Nguyễn Trịnh Đông (0913.264.161).

*) Ban quản lý dự án xây dựng Nông thôn mới:

- Chức năng, nhiệm vụ: Trực tiếp giúp UBND thành phố Móng Cái (Chủ đầu tư) tổ chức quản lý thực hiện dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới theo các quy định của Nhà nước về công tác quản lý dự án đầu tư và xây dựng và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và pháp luật theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Trưởng ban: Đ/c Nguyễn Thanh Xuân

- Phó ban: Đ/c Đỗ Văn Thắng.

- Các chuyên viên: gồm 08 đồng chí.

TT

Họ và tên

Công việc được giao

Điện thoại

1

Nguyễn Thanh Xuân

Phụ trách chung

0904.028.507

2

Đỗ Văn Thắng

Phụ trách XD cơ bản

0912.638.872

3

Hoàng Quang Hiệp

Kế toán

0169.633.5868

4

Nguyễn Trọng Sâm

CB nghiệp vụ điều phối chương trình NTM

0987.691.666

5

Chu Đức Tâm

CB nghiệp vụ điều phối chương trình NTM

0984.562.888

6

Hà Thanh Việt

CB kỹ thuật phụ trách xây dựng cơ bản

0919.010.114

7

Ngô Văn Thắng

CB kỹ thuật phụ trách xây dựng cơ bản.

0982.754.969

8

Lê Trọng Phúc

CB kỹ thuật phụ trách xây dựng cơ bản.

0169.688.1728

9

Trần Trường Doanh

CB bộ kỹ thuật phụ trách xây dựng cơ bản.

0936.231.668

10

Nguyễn Thành Trung

CB hành chính - thủ quỹ

0915.934.936

 

          2. Cấp xã:

- Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban; Phó Trưởng Ban chỉ đạo và các thành viên trong Ban chỉ đạo tùy theo điều kiện các xã để phân công cụ thể.

- Thành lập Ban quản lý xây dựng NTM do UBND cấp xã thành lập, Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban, thành viên là một số công chức xã, đại diện các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã và trưởng thôn.

3. Cấp thôn:

Thành lập Tiểu Ban xây dựng NTM, gồm có:

- Trưởng tiểu ban: Bí thư Chi bộ thôn.

- Phó Trưởng Tiểu ban: Trưởng thôn.

- Các ủy viên: Đại diện các ban, ngành thôn (Mặt trận Tổ quốc, Nông dân, Cựu Chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên,…)

--- *** ---

Ban quản lý dự án xây dựng Nông thôn mới

Thành phố Móng Cái

Địa chỉ: 23 Võ Thị Sáu - P. Hòa Lạc - TP. Móng Cái

E-mail: bannongthonmongcai@gmail.com

 

 

Loading...