Theo thông tin từ Bộ Y tế Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia. Cùng với đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu. Trong nước, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Ngoài ra, bệnh sởi hiện có xu hướng giảm so với tháng 12/2024 nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Bộ Y tế cũng cho biết, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Phòng Y tế TP Móng Cái cho biết, thời điểm giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm, virus cúm, sởi, bệnh lây truyền qua đường hô hấp...lây lan. Do đó, người dân cần chủ động một số biện pháp để nâng cao sức khỏe, tránh bị lây lan virus cúm trong tình hình dịch cúm đang bùng phát ở nhiều nơi.
Trong đó, cúm A và cúm B đều có biến chứng viêm, tử vong do suy hô hấp hoặc viêm phổi. Thông thường, bệnh cúm A có một số các dấu hiệu đặc trưng điển hình như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi... Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải. Một số trẻ thậm chí còn có dấu hiệu co giật. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch...thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Ngoài ra, một số các dấu hiệu đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi và ho. Những trường hợp cúm A trong thời gian kéo dài, diễn biến bệnh nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.
Trong khi đó, cúm loại B sẽ khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường như: Sốt, ớn lạnh, viêm họng, ho, sổ mũi và hắt hơi, mệt mỏi, đau nhức cơ khắp cơ thể, viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp;, suy thận, viêm cơ tim hoặc viêm tim, nhiễm trùng huyết....
Khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp. Các biện pháp điều trị triệu chứng cúm có thể là: Dùng thuốc hạ sốt; dùng dịch đường uống; thuốc giảm ho; dinh dưỡng đầy đủ và cách ly tại nhà...
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Phòng Y tế TP Móng Cái khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung, trong đó đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Hạn chế tiếp xúc hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, UBND Thành phố đã yêu cầu các phòng, ban, cơ quan, đơn vị UBND các xã, phường tiếp tục chỉ đạo quán triệt việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch bệnh sởi theo Kế hoạch ban hành tại Quyết định số 3526/QĐ-BYT ngày 22/11/224 và Quyết định số 271/QĐ-BYT ngày 22/01/2025, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình; Công điện số 185/SYT-NVY ngày 14/01/2025 của sở Y tế về tăng cường công tác truyền thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội Xuân và phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân 2025.
Trong đó, phòng Y tế Thành phố chịu trách nhiệm thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình dịch bệnh trong tỉnh và trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm Y tế tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đáp ứng các tình huống dịch bệnh phù hợp với điều kiện thức tế trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn phối hợp với Trạm Y tế trên địa bàn trong công tác thu thập thông tin, báo cáo các ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định. Khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm; tiêm vắc xin có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Đối với Trung tâm Y tế Thành phố, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm chẩn đoán và báo cáo trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩnt bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cự, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…Thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bênh truyền nhiễm.
TP Móng Cái cũng chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn khuyến cáo cho học sinh thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng vói nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại vắc xin phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cộng đồng. Chỉ đạo các xã, phường chủ động, tăng cường chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đẩy mạnh truyền thông, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các dịch bệnh truyền nhiễm mùa Xuân - Hè, chủ động tiêm vắc xin phòng cúm; tiêm vắc xin có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương; chủ động các biện pháp chống dịch “từ sớm, từ xa, từ cơ sở”; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình cũng như công tác dự báo để có biện pháp hiệu quả, phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng.
Với nhiều giải pháp, TP Móng Cái chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn, không để lây lan, bùng phát dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.