Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi có 5 bài thi tương ứng với 4 buổi thi. Mỗi thí sinh sẽ dự thi 4 bài gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên) để xét tốt nghiệp.
Riêng thí sinh học giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài gồm: Toán, Ngữ văn và một trong 2 bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên có thể đăng ký thi thêm ngoại ngữ nếu có nhu cầu sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 26/6, làm bài thi Toán và Ngữ văn hôm 27/6. Ngày 28/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp năm trước. Về nội dung, đề thi có độ phân hóa cao hơn, giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác.
Để nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành giáo dục các địa phương tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có). Cùng với đó đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; làm tốt công tác lựa chọn chuẩn bị nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi…
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để học sinh tự tin “vượt vũ môn” thì ngoài thời gian dạy học chính khóa, các trường có cấp THPT trên địa bàn tỉnh dành trọng tâm cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT theo hướng bám sát năng lực của từng học sinh. Trong quá trình ôn tập, nhà trường chú trọng phân chia học sinh theo năng lực, mục tiêu nguyện vọng đăng ký thi, từ đó giảng dạy theo hướng phân hóa. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá, khảo sát kết quả học tập của học sinh cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm để có thêm cơ sở cho việc chỉ đạo dạy, ôn luyện hiệu quả hơn.
Kỳ thi năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 17.964 thí sinh, tăng 1.940 thí sinh so với năm trước. Toàn tỉnh tổ chức 1 hội đồng thi, dự kiến bố trí 38 điểm thi (tăng 1 điểm thi so với năm 2023) đặt tại các cơ sở giáo dục đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi, đảm bảo đúng Quy chế thi, thuận tiện cho thí sinh và an toàn cho công tác tổ chức của kỳ thi. Mỗi địa phương bố trí từ 1 đến 8 điểm thi (Hạ Long: 8 điểm thi; Cẩm Phả, Quảng Yên: 5 điểm thi; Uông Bí, Đông Triều: 4 điểm thi; Móng Cái: 3 điểm thi; Hải Hà, Vân Đồn: 2 điểm thi; các địa phương còn lại bố trí 1 điểm thi).
Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ GD&ĐT cùng việc tích cực vào cuộc trong việc chuẩn bị cho kỳ thi, việc ôn luyện cho học sinh lớp 12, tin tưởng rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Được biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng dành cho thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006. Những thí sinh không đỗ tốt nghiệp, đại học năm nay có thể phải tham dự chung Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với lứa học sinh theo chương trình phổ thông mới.