Tạo điều kiện để xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản thuận lợi

02/03/2021 16:00
TP Móng Cái có vị trí địa lý kinh tế và địa chính trị chiến lược, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với Asean và Đông Bắc Á. Theo đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng thương mại biên giới, đưa khu vực này từng bước trở thành cửa ngõ giao thương Việt Nam - Trung Quốc - Asean.

Doanh nghiệp đã chuẩn bị mặt bằng sạch tại khu vực Km3+4 (sông Ka Long, TP Móng Cái), sẵn sàng triển khai dự án Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương khi được Chính phủ phê duyệt.

Trong những năm gần đây, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái tăng nhanh, nhất là hàng tạm nhập tái xuất bằng container. Trong đó, giá trị XNK một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì mức tăng trưởng, trung bình đạt khoảng 1 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động thương mại biên giới thông qua cửa khẩu Móng Cái vẫn còn đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế chưa tương xứng. Do đích cảng thông thường là cảng Hải Phòng nên các doanh nghiệp phải về làm thủ tục hải quan ở Hải Phòng và thuê phương tiện vận tải thủy hoặc bộ đưa ra Móng Cái, từ đó mới xuất hàng đi Trung Quốc. Việc này đã gây tốn kém nhiều thời gian đi lại và công sức, chi phí cũng như rủi ro cho doanh nghiệp. Nhất là trong những thời gian gần đây, tại các cảng biển Hải Phòng thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa do hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông bị quá tải.

Đối với hệ thống chợ biên giới nói chung và tại TP Móng Cái nói riêng phần lớn được xây dựng từ rất nhiều năm trước, đến nay chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nên hoạt động thương mại của cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên vẫn chưa thực sự sôi động, phong phú. Trong khi đó, toàn tỉnh cũng vẫn chưa có một trung tâm cung ứng nông sản nào đặt tại vị trí đường biên đủ quy mô và năng lực để thúc đẩy thương mại biên giới và tiến hành các dịch vụ giá trị gia tăng cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản nhập khẩu. Việc có một trung tâm cung ứng nông sản tập trung sẽ giúp bảo quản tốt hàng nông sản trong thời gian chờ đợi hoàn tất thủ tục hải quan. Nếu giá bị xuống thấp, doanh nghiệp có thể tiến hành lưu kho bãi, chờ giá mua hàng từ phía Trung Quốc tăng mới bán.

Lãnh đạo UBND TP Móng Cái khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương tại Km3+4 (TP Móng Cái)

Để thúc đẩy XNK nông sản bền vững, tháng 12/2019 UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT chấp thuận đưa Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương vào danh mục hoạt động tham gia dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay WB (Ngân hàng thế giới). Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương trong Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Km3+4 (sông Ka Long, TP Móng Cái). Dự án bao gồm 3 hợp phần: Xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương; xây dựng năng lực thể chế về an toàn thực phẩm; quản lý dự án. Tổng kinh phí xây dựng là 2.700 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp là 1.884 tỷ đồng; ngân sách Trung ương khoảng 816 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh đánh giá: Các kho ngoại quan nằm rải rác trên địa bàn TP Móng Cái, thậm chí nằm xen kẽ trong các khu dân cư như hiện nay đã gây ảnh hưởng đến việc kiểm tra, giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái. Việc quy hoạch duy nhất một khu vực để tập kết và kiểm soát hàng hóa XNK sẽ khắc phục bất cập trên, đảm bảo cho công tác quản lý được kịp thời. Đặc biệt là sẽ đảm bảo hàng hóa đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách thống nhất theo quy định của Hải quan Trung Quốc. Điều này giúp tăng uy tín về chất lượng và nâng cao giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cũng rất mong Trung tâm này sớm được  bộ, ngành thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động.

Được biết, tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi được Chính phủ chấp thuận cho triển khai đề án là có thể bắt tay thực hiện ngay. Ông Hoàng Quang Thái, đại diện Công ty CP Thành Đạt cho biết: Được sự chấp thuận của tỉnh, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phần vốn đối ứng của doanh nghiệp và toàn bộ phần diện tích 95ha phục vụ xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á Thái Bình Dương. Nếu dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty sẽ lập tức tiến hành các bước xây dựng Trung tâm tại Km3+4 với đầy đủ các hạng mục sau: Nhà biên mậu, khu bãi kiểm hàng hóa, kiểm tra liên ngành giao thông, ki ốt giao dịch, kho khô, kho lạnh, kho chế biến nông sản, kho ngoại quan tập trung, sân bãi tập kết container, bãi đỗ xe container... Qua đó, đảm bảo sớm đưa Trung tâm này vào vận hành, phục vụ việc đẩy nhanh XNK nông, lâm, thủy sản.

baoquangninh.com.vn
Loading...