Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021)

Tháng Năm, Móng Cái nhớ những lần Bác về thăm…

19/05/2021 01:02
Sự kiện Bác Hồ hai lần về thăm Móng Cái, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân dân các dân tộc Móng Cái là động lực lớn lao, là nguồn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Móng Cái luôn luôn đoàn kết phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ của địa phương qua các thời kỳ.

 

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với thầy trò trường Lê Văn Tám (Móng Cái) trong lần đầu tiên về thăm Móng Cái

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội. Bác sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào, Người đã sớm nung nấu ý chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, anh hùng dân tộc kiệt xuất. Người - Vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 2 lần về thăm nhân dân Móng Cái. Lần đầu tiên là vào ngày 19/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm tỉnh Hải Ninh. Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống khu vực sân bay đất (xã Hải Xuân, Móng Cái ngày nay), Người đã trực tiếp yêu cầu được đến thăm trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân và sang thăm thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc). Khi đi qua trạm Hải quan, Bác đã dừng lại, vỗ tay vào túi áo ngực và vui vẻ nói: “Bác không có hàng hóa gì đâu nhé”. Lời nói, cử chỉ của Bác vừa thể hiện sự tôn trọng pháp luật vừa tràn đầy tình thân ái đối với các chiến sỹ hải quan.

Trong bộ trang phục kaki trắng quen thuộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu một đoàn cán bộ đi qua cầu Bắc Luân, tiến thẳng tới trạm Hải quan cửa khẩu Trung Quốc để sang thăm nhân dân Đông Hưng. Khi gặp anh lính gác người Trung Quốc, Bác hỏi: “Tôi là Hồ Chí Minh, hôm nay tôi đến đây vừa không có tiền vừa không có giấy tờ, có thể nhập cảnh hay không?”. Anh lính trả lời: “Dạ được, bác là Chủ tịch Hồ Chí Minh ạ!”. Bác Hồ lại hỏi: “Sao cháu lại biết bác?”. Anh lính trả lời: “Ở Trung Quốc đâu đâu cũng thấy hình ảnh Bác, làm sao mà không nhận ra được ạ!”. Nói rồi anh nhiệt tình đón tiếp và dẫn đoàn đến phòng khách của Trạm biên phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cửa khẩu Bắc Luân thăm Đông Hưng (Trung Quốc)

Biết Đông Hưng có một trường mầm non, Người liền tới thăm và mua kẹo để tặng các cháu học sinh và thầy cô. Bác bước vào trường, các cháu học sinh vây lấy Bác, đồng thanh “Chào Bác Hồ ạ”. Người trò chuyện bằng tiếng Trung, cùng hát những bài ca quen thuộc của nước bạn. Chuyến thăm bất ngờ và sự giản dị, khiêm nhường của Người đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người dân Đông Hưng lúc bấy giờ. Sự kiện này là dấu ấn văn hóa nơi biên ải ghi dấu mối quan hệ hợp tác bền vững do Bác là người kết nối và làm trường tồn những giá trị, tình cảm thiêng liêng mà nhân dân hai nước đã dày công vun đắp. Để ghi nhớ sự kiện này, chính quyền và nhân dân Đông Hưng - Trung Quốc đã xây dựng ngôi đình tưởng niệm Bác Hồ, nằm cách bờ sông biên giới chỉ khoảng 30m. Đình nhỏ bé nhưng kiên cố, được trang trí bằng ngói lưu ly, cạnh đó là tấm bia bằng đá hoa cương ghi lại câu chuyện năm nào. Cho đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nhà lãnh đạo nước ngoài cao cấp nhất và duy nhất tới Đông Hưng. Chuyến thăm có ý nghĩa tăng cường hơn nữa sự giao lưu chính trị, kinh tế, văn hoá của nhân dân hai bên biên giới trong suốt những năm về sau.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm một số địa điểm của Móng Cái lúc ấy: Hợp tác xã nông nghiệp Soáy Nguồn; Trại trồng cây xã Đoan Tĩnh; Xưởng gốm Móng Cái..v.v. Trong chuyến công tác này Bác đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với nhân dân trong tỉnh cũng như đi thăm hỏi, động viên các em học sinh, các thầy cô giáo cùng con em công nhân Lò Bát (Móng Cái), Hợp tác xã Đoan Tĩnh và xưởng Cơ khí ở Hải Ninh. Tại buổi nói chuyện với nhân dân trong tỉnh Bác căn dặn: Cán bộ phải dân chủ, khéo quản lý, xã viên phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Tỉnh Hải Ninh có nhiều dân tộc, đã sẵn có truyền thống đoàn kết, nay càng phải đoàn kết hơn nữa: Đoàn kết dân tộc, đoàn kết Việt - Trung, đoàn kết lương giáo, đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành công.

Di tích nơi Bác Hồ đến thăm Trà Cổ (Móng Cái)

Lần thứ hai là vào năm 1961, Đảng bộ và nhân dân Móng Cái lại vinh dự được đón Bác về thăm. Đó là khoảng thời gian bước vào giai đoạn 1961-1965, từ những thành tựu của ba năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước phát triển đã tạo tiền đề thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân Móng Cái bước vào triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Với vị trí là cửa ngõ tuyến biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, là điểm đầu tiên trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc, Trà Cổ có vị trí kinh tế - chính trị - an ninh quốc phòng quan trọng của thành phố Móng Cái nói riêng, của cả nước nói chung. Chính vì vậy, Trà Cổ là một trong những địa phương của tỉnh ta, lúc sinh thời được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Và một trong những vinh dự lớn lao của cán bộ, nhân dân Trà Cổ là đã được đón Bác kính yêu về thăm vào ngày 8 tháng 5 năm 1961.

Theo nhiều tài liệu, trong chuyến đi thăm vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc, sau khi thăm bộ đội trung đoàn 248 đóng tại Tiên Yên vào buổi sáng 8 tháng 5 năm 1961, chiều cùng ngày Bác Hồ đã ra thăm Trà Cổ. Các nhân chứng đã chứng kiến sự kiện Bác Hồ về thăm Trà Cổ, cho biết: Vào đầu buổi chiều ngày hôm đó, mọi người dân Trà Cổ đều nghe có tiếng máy bay trực thăng đang bay về phía xã mình. Nhiều người nhìn thấy máy bay trực thăng lượn mấy vòng xung quanh khu vực xã Trà Cổ, rồi hạ cánh xuống một bãi đất bằng phẳng gần sát bờ biển. Bãi đất đó nằm ở phía Đông Bắc của khách sạn Trà Cổ (nay là trường mầm non Trà Cổ). Sau khi xuống máy bay, Bác và các đồng chí trong đoàn cùng đi với Bác đi xuống bãi biển phía dưới bãi đất máy bay đỗ. Lúc đó nhân dân trong xã người đang kéo lưới ngoài bãi biển, người đang làm công việc trong gia đình, người đang chăm bón hoa màu, các em học sinh  đang trong giờ học...Khi nghe tin Bác về thăm, nhân dân hai xã Trà Cổ và Bình Ngọc truyền tin cho nhau và hò reo Bác Hồ đến thăm. Tất cả bỏ dở công việc và chạy đi đón Bác. Hình ảnh đầu tiên trong mắt nhân dân hai xã khi nhìn thấy Bác, đó là một cụ già bình dị đầu đội chiếc mũ cát bọc vải kaki, mình mặc chiếc áo bà ba may bằng lụa Hà Đông màu hạt dẻ, chiếc quần và áo khoác ngoài bằng vải kaki màu vàng, chân đi đôi dép cao su màu đen. Ai cũng vui mừng xúc động!

Hàng trăm cán bộ, nhân dân, giáo  viên, học sinh, thiếu niên của xã Trà Cổ và Bình Ngọc có mặt lúc đó, ai cũng muốn được đến gần Bác, ai cũng muốn được ngắm nhìn Bác thật lâu, thật kỹ. Thấy không khí ồn ào, Bác cất tiếng hỏi to: Ai có thể ra giữ trật tự để Bác nói chuyện? Mọi người đồng thanh thưa với Bác: Dạ thưa Bác, Ông giáo Trấn ạ. Thấy vậy Bác lại hỏi: Ông giáo Trấn đâu, ông ra giữ trật tự để cho Bác nói chuyện với mọi người. Thấy Bác gọi và giao nhiệm vụ cho mình, ông Đoàn Văn Trấn (lúc đó là giáo viên trường phổ thông cấp 1 Trà Cổ) vội thưa và nhanh nhẹn làm nhiệm vụ Bác giao. 

Trong lúc nói chuyện với nhân dân, Bác hỏi từng người về tình hình làm ăn và đời sống. Bác nói đất nước còn nghèo, đời sống bà con trong xã còn nhiều khó khăn, nên bà con phải tích cực tăng gia sản xuất thì vài ba năm nữa cuộc sống sẽ khấm khá, no đủ hơn. Trong cuộc nói chuyện, Bác ân cần hỏi han, giảng giải cho bà con việc có lợi khi vào Hợp tác xã và bảo ban cán bộ, nhân dân về việc củng cố Hợp tác xã. Bằng những câu nói mộc mạc dễ hiểu, Bác giải thích cho bà con Hợp tác xã có nghĩa là hợp sức lại cùng làm, cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng hưởng no ấm. Bác nhắc nhở bà con đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề cá và trồng cây chắn gió. Bác căn dặn cán bộ, phải gương mẫu trong lao động và công tác, gương mẫu trong việc đoàn kết Việt - Hoa, đoàn kết lương - giáo. Đồng thời Bác còn phát động nhân dân trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ để dệt lưới đánh cá, dệt vải mặc.

Gặp gỡ xã viên hợp tác xã ngư nghiệp Ba Thu Bác ân cần hỏi thăm cuộc sống và công việc sản xuất của các ngư dân. Đồng thời, cũng không quên nhắc nhở ngư dân phải hăng hái tham gia sản xuất, bảo vệ vùng biển nơi địa đầu của Tổ quốc. Sau đó Bác đi thăm đình Trà Cổ, một công trình kiến trúc nổi tiếng của vùng Đông Bắc Quảng Ninh. Trong khi thăm đình, Bác căn dặn cán bộ và nhân dân Trà Cổ cũng như Móng Cái phải bảo vệ, giữ gìn di tích thật tốt để con cháu sau này hiểu và biết cũng như ghi nhớ công ơn của tổ tiên và noi theo tổ tiên trong việc bảo vệ, gìn giữ phát triển quê hương đất nước.

Buổi tối cùng ngày Bác đã thân mật nói chuyện với đoàn học sinh đến thăm Bác. Bác kể cho các em nghe về những gương người tốt việc tốt, những gương thiếu niên dũng cảm trong kháng chiến chống Pháp như Kim Đồng, Võ Thị Sáu…Bác căn dặn các cháu thiếu niên, học sinh phải chăm chỉ học hành và giúp  đỡ bố mẹ để trở thành con ngoan, trò giỏi. Sau khi gặp gỡ các cháu học sinh, Bác trở vào khách sạn Trà Cổ làm việc với các đồng chí trong đoàn và các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Hải Ninh để bàn kế hoạch đi thăm Cô Tô vào sáng hôm sau (9/5/1961). Lúc đó Bác sang phòng đồng chí Hoàng Chính và đồng chí Đỗ Mẫn. Bác ra hiệu cho mọi người ngồi, rồi nói: Sao có bãi biển đẹp thế này, các cô các chú không trồng cây? Đồng chí Hoàng Chính Bí thư tỉnh ủy lúng túng đáp: “Thưa Bác, chúng tôi đang tập trung trồng rừng nên chưa nghĩ tới trồng cây ở đây.”

Bác nhẹ nhàng giải thích về cái lợi của việc trồng cây ven biển, rồi lấy tờ giấy và chiếc bút chì, Bác vừa vẽ trên giấy vừa bảo đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch tỉnh: Các chú trồng cây chống gió chống cát đừng quên quả ăn và hoa đẹp, nhất là vào dịp hè có nhiều người ra đây nghỉ mát lại có các cháu đi theo. Các chú nên trồng cây dừa, cây phượng. Cây dừa có quả ăn, nước uống mát, phượng có hoa đẹp, các cháu lại lấy hoa phượng chơi chọi gà nữa. Sáng ngày 9 tháng 5, Bác rời Trà Cổ đi thăm Cô Tô; sáng 10 tháng 5, Bác trở về Hà Nội. Trước khi đi, Bác còn gửi kẹo lại cho các em thiếu nhi của Trà Cổ.

Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Trà Cổ đã hăng hái phát động phong trào trồng phi lao chắn gió, giữ  cát.  Đến năm 1962, Trà  Cổ  đã  trồng  rừng ven biển và hàng chục ngàn cây xanh trên các trục đường giao thông, trường học, trạm xá. Nếu tính sau mười năm ngày Bác về thăm (1962-1972), Trà Cổ đã trồng được trên hai triệu cây phi lao suốt chiều dài bãi biển, trở thành một đơn vị tiêu biểu của Móng Cái trong phong trào trồng cây. Hàng năm, hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây đã trở thành một  hoạt  động truyền  thống, thường niên của Trà Cổ, sau đó được nhân rộng ra trên địa bàn toàn thị xã Móng Cái và được nhân dân hăng hái, tích cực hưởng ứng, tham gia.

Chuyến thăm của Bác tới Trà Cổ không chỉ tạo ra những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế, mà còn đem đến những thay đổi lớn lao về mặt xã hội. Thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Chính phủ và những lời căn dặn của Bác, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng giáo dân và đồng bào các dân tộc thiểu số, đoàn kết lương giáo trong cộng đồng. Nhờ vậy, công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đã có sự tham gia tích cực của đồng bào giáo dân. Năm 1962, xã  Trà  Cổ  đã  tiến  hành  thành  lập  hợp  tác  xã  nông nghiệp ở thôn công giáo Tràng Lộ lấy tên là hợp tác xã Tân Thành.

Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Móng Cái ngày nay

Sự quan tâm sâu sắc của Người đối với Trà Cổ nói riêng và Móng Cái nói chung không chỉ trên cương vị của một vị Chủ tịch nước đối với nhân dân, mà đó còn là sự quan tâm sâu sắc, tình cảm nồng ấm, đôn hậu của một người ông, người cha đối với con cháu ruột thịt của mình. Những cử chỉ, hành động và những lời dạy bảo ân cần của Bác trong lần về thăm Móng Cái đã thể hiện đạo đức cao đẹp, tác phong nhanh nhẹn, tình cảm nồng ấm của Người trong cuộc sống đời thường, trong lãnh đạo đất nước. Đồng thời để lại những tình cảm không thể nào quên đối với cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Ninh. Những lời căn dặn của Người là bài học sâu sắc về lòng nhân ái, tình yêu thương con người vô bờ bến, bài học về đạo đức, nhân cách làm người; về đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xây dựng, giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của con người.

Ngày 19/5/2004, nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh của Bác Hồ, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã Móng Cái (nay là thành phố Móng Cái) và Sở Văn hóa Thông Tin Quảng Ninh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Ninh) đã tiến hành xây dựng nhà bia lưu niệm trong di tích tại Trà Cổ. Nhà bia được xây phía trước khuôn viên khách sạn Trà Cổ (là nơi Bác Hồ nghỉ lại và có buổi trò chuyện với cán bộ, nhân dân Trà Cổ), trên một khu đất có diện tích 200m2. Nhà bia nhìn ra hướng Đông Nam, ngay dưới chân nhà bia là biển Trà Cổ.

Còn tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, UBND Thành phố Móng Cái đã triển khai thi công xây dựng công trình “Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ” từ tháng 6/2018. Công trình được khánh thành vào dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác (ngày 19/5/2019) để ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm Móng Cái năm 1960.

Hai di tích trên đều là địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa của TP.Móng Cái, là nơi giáo dục, nhắc nhớ thế hệ đi sau về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi để giới thiệu với du khách quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam - Vị lãnh tụ duy nhất của phong trào cộng sản quốc tế được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Vào những ngày tháng Năm lịch sử, nhân dân Móng Cái lại có dịp ôn lại sự kiện Bác Hồ về thăm. Dường như vẫn còn đó hình ảnh Bác Hồ đang mỉm cười trìu mến, mái đầu phơ bạc, trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su giản dị, đi dưới bãi biển lộng gió năm nào…

(Tư liệu hình ảnh và thông tin: Do phòng Văn hóa Thông tin thành phố cung cấp)

Hải Ninh
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...