Thành phố Móng Cái có trên 50km bờ biển, trên 19,9 nghìn ha biển và đất bãi triều cùng hơn 2.700 ha ao đầm nuôi trồng thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát huy lợi thế trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân, doanh nghiệp.
Trong những năm qua, ngành thủy sản Móng Cái đóng vai trò quan trọng, là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Thành phố luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, ngày thủy sản của Thành phố đã từng bước được quan tâm đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào trong sản xuất, nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và các hoạt động dịch vụ thủy sản, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của địa phương. Để phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua Thành phố đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản. Do đó, tình hình phát triển kinh tế thủy sản luôn ổn định và có bước phát triển rõ rệt. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi, dịch vụ hậu cần phục vụ cho sản xuất ngày càng phát triển cả quy mô, công nghệ, chất lượng.
Riêng năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, thời tiết khí hậu diễn biến không thuận lợi, song ngành thủy sản của Thành phố đã đạt được kết quả tích cực. Tổng sản lượng thủy sản đạt 25.472 tấn, bằng 109,5% so CK; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 14.451 đạt 120,6% KH, bằng 113,5%; sản lượng khai thác đạt 11.020 tấn đạt 112% KH và bằng 113% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2021 đạt 1.019,906 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Tổng sản lượng thủy sản quý I năm 2022 đạt 1.508,4 tấn đạt 8,2%KH, bằng 104,9% CK. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản quý I đạt 370 ha, đạt 21,3% KH, bằng 105,7% CK.
Đây là kết quả của quá trình phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh và sự đầu tư nghiêm túc, lâu dài, bài bản cho ngành thủy sản. Nhân ngày truyền thống ngành thủy sản 1/4/2022, TP Móng Cái cũng đã huy động nguồn lực xã hội hóa, thả hai mươi ngàn con cá vược, cá chép giống chất lượng cao vào đầu nguồn, bổ sung nguồn lợi thủy sản giá trị, đồng thời truyền thông điệp tới toàn thể nhân dân, ngư dân về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, khí thế thi đua lao động sản xuất, làm giàu từ biển.
Đặc biệt, thành phố cũng nhận định rõ những tồn tại, hạn chế, để từ đó từng bước có giải pháp khắc phục, đó là: Việc cụ thể hóa chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm về lĩnh vực phát triển kinh tế thủy sản của một số xã, phường, đơn vị chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Một số vùng nuôi cơ sở hạ tầng chưa đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng điều kiện về nuôi công nghiệp, tiêu chuẩn an toàn, bền vững dẫn đến hiệu quả trong sản xuất chưa cao, ý thức cộng đồng của người nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; việc chấp hành các quy định về luật đất đai của người dân thực hiện chưa tốt, vẫn còn tình trạng tự ý lấn chiếm mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép. Trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn việc sử dụng ngư cụ hủy diệt (kích điện, lồng bát quái, lặn,) để khai thác thủy sản gây bức xúc trong nhân dân; ý thức người dân về bảo vệ nguồn giống tự nhiên còn hạn chế...
Trên thực tế, TP Móng Cái đã vào cuộc tích cực để xử lý các trường hợp vi phạm. Năm 2021 các đơn vị chức năng đã xử lý 62 vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đã xử phạt VPHC 47 vụ, phạt hành chính 632.000.000 đồng.
Theo đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái, để tiếp tục phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt, tiếp tục khai thác lợi thế kinh tế thủy sản gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh - quốc phòng, biên giới biển đảo, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, quán triệt để nhân dân, ngư dân biết và thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định 26/ND-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuỷ sản; Quyết định số 2393/2012/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh; Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 12/02/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định các nghề cấm khai thác thủy sản,...; Quyết định số 3818/2016/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh về quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác trong vùng sá sùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các văn bản chỉ đạo có liên quan của TW, Tỉnh và Thành phố.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thực hiện tốt Chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 05/9/2014 của Thành ủy Móng Cái về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 06/5/2014 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 22-CT/TU ngày 29/10/2021 của BTV Thành ủy; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 23/02/2022 của UBND Thành phố về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh; giai đoạn 2021 – 2025; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai không để tình trạng người dân tự ý lấn chiếm bãi triều, mặt nước để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Về hiện tại cũng như lâu dài, thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản cả về nuôi trồng và khai thác. Quan tâm thu hút các nhà đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thủy sản mới theo hướng hiện đại, chế biến sâu, gắn với chương trình OCOP của Thành phố. Tiếp tục chuyển dịch cơ cầu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng nuôi thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất. Xây dựng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp phụ trợ và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản; tăng cường quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt tận diệt để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Trong định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi công nghệ cao, công nghệ mới; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản của khu vực phía Bắc. Sự nỗ lực của TP Móng Cái trong nâng cao giá trị ngành thủy sản sẽ góp phần quan trọng kiến tạo thành công bền vững của ngành thủy sản Tỉnh Quảng Ninh.