Thành phố Móng Cái: Ba trụ cột, một cửa ngõ

20/12/2014 02:07
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái hiện đã và đang được xác định là một trong những cửa ngõ chủ lực, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh nói riêng và VN nói chung. Với ba trụ chính đó là dịch vụ thương mại biên giới, du lịch, hậu cần cảng biển, công nghiệp sạch công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển nông nghiệp sinh thái.

 

Từ năm 2008 - 2013, tổng giá trị hàng hoá hai chiều qua cửa khẩu Móng Cái đạt trên 18.070 triệu USD, chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá và 28% tổng thu xuất nhập khẩu qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.

Móng Cái là cửa khẩu quốc tế duy nhất vừa trên biển và trên bộ kết nối Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Với lợi thế chung đường biên giới trên bộ và trên biển; đường bờ biển dài, cộng với lợi thế lạch nước sâu đã tạo cho Móng Cái có đủ điều kiện để xây dựng cầu cảng tiếp nhận tàu cỡ lớn có trọng tải lên tới 150.000 DWT, nối liền với các trung tâm kinh tế lớn như: Bắc Hải, Nam Ninh, Hải Nam, Thâm Quyến, Ma Cao, Hồng Kông, Nhật Bản…

Tiên phong hội nhập

Là khu thí điểm kinh tế sớm nhất của VN từ năm 1996, với lợi thế đường biên dài giáp ranh với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã giúp cho hoạt động giao thương qua cửa khẩu Móng Cái luôn chiếm tỷ lệ cao. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, từ năm 2008 đến năm 2013, tổng giá trị hàng hoá hai chiều quacửa khẩu Móng Cái đạt trên 18.070 triệu USD, chiếm 95,7% tổng kim ngạch hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền của tỉnh và chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá và 28% tổng thu xuất nhập khẩu qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc.

Để có được những kết quả tích cực trên, bên cạnh những lợi thế riêng biệt về vị trí địa lý, tỉnh Quảng Ninh cùng các sở ngành và thành phố Móng Cái đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho DN, tạo các điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách từ xuất nhập khẩu, thương mại cho đến du lịch, đối ngoại. Đồng thời có sự quan tâm, đầu tư kịp thời về cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái để thu hút các nhà đầu tư: như xúc tiến đầu tư xây dựng cầu Bắc Luân II, giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Hải Yên.

Hoạt động biên mậu góp phần làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế Móng Cái

Đặc biệt, từ ngày 10/4/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã tiếp tục mở ra hướng phát triển mới cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Việc hình thành Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm thành phố Móng Cái, khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và 9 xã, thị trấn có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng; Hình thành một khu vực vừa là cửa khẩu biên giới quốc tế, vừa có cảng biển nước sâu để phát triển tổng hợp các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp nặng và an ninh quốc phòng. Quan trọng hơn, kết nối giữa Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái với TP Hạ Long và Vân Đồn sẽ tạo cho tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế so sánh của các khu vực này. Đồng thời, sẽ tập hợp sức mạnh liên hoàn từ việc phát huy tiềm năng và lợi thế riêng của từng địa bàn, tạo sức mạnh cạnh tranh với các khu kinh tế khác của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Thành phố năng động

Hiện nay, cùng với việc tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu, Móng Cái là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trong cả nước được Chính Phủ chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trong đó, ưu tiên tập trung hoàn thành các quy hoạch, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện các quy hoạch. Cùng với đó, phải tạo mối liên kết phát triển với các trung tâm kinh tế khác của tỉnh, nhất là với Hạ Long, Vân Đồn và các tỉnh phía nam Trung Quốc. TP Móng Cái và tỉnh cần huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Theo ông Dương Văn Cơ - Chủ tịch UBND TP Móng Cái: Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của Móng Cái là xây dựng TP cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thành đô thị loại II biên giới, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại, là đô thị xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện tốt chức năng đảm bảo quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. TP cũng phấn đấu đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 60 đến 65 triệu đồng; Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đến năm 2020 khoảng 11,0- 12,0%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 5,0- 6,0%/năm, khu vực công nghiệp- xây dựng 14,0- 16,0%/năm và khu vực dịch vụ 12,0- 14,0%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14,0%/năm.

Để biến chủ trương thành hiện thực, ngay từ năm 2008, Móng Cái đã tập trung phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, ven biển và vùng biển đảo để phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng nhanh các ngành kinh tế: thương mại, du lịch, dịch vụ cảng biển, vận tải biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, đồng thời hình thành các trung tâm kinh tế phát triển hướng ra biển; gắn kết chặt chẽ với các hệ thống cảng biển trong tỉnh.

Bằng nguồn vốn đầu tư như: ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố, vốn chương trình biển Đông - hải đảo; các xã bãi ngang, các chương trình hỗ trợ mục tiêu khác và vốn huy động từ các thành phần kinh tế, trong những năm qua, Móng Cái đã thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 1.200 công trình với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó có 7 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 11 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm soát hàng hoá xuất khẩu và nhiều công trình phục vụ cho các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng.

Ông Dương Văn Cơ - Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: Về định hướng ngành nghề thì khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ phát triển trên 3 trụ đó là dịch vụ thương mại biên giới, du lịch, hậu cần cảng biển, công nghiệp sạch công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển nông nghiệp sinh thái. Để phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường khả năng tự chủ, cơ cấu 3 trụ cột cũng sẽ được phân bổ lại theo hướng tăng tỉ trọng du lịch, hậu cần cảng biển, công nghiệp sạch công nghệ cao. Hiện TP Móng Cái đang thuê tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch chiến lược về phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng đối với khu kinh tế cửa khẩu và thực hiện mục tiêu để từng bước đề xuất với Trung ương và tỉnh xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành khu kinh tế cửa khẩu tự do, hướng ngoại có độ mở cao, được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt để phát triển đột phá, nhất là những cơ chế chính sách liên quan đến thương mại, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, đất đai, tài chính, phương tiện di chuyển…”

Theo ông Cơ, Móng Cái phát triển không chỉ đem lại thịnh vượng cho địa phương mà còn tạo sự phát triển lan toả đến các tỉnh, thành phố khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng Sông Hồng, cả nước và cả khu vực quốc tế lân cận. Chính vì vậy, để Móng Cái phát triển đột phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sớm trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng thì cần giao quyền hạn quản lý Khu khu kinh tế cửa khẩu cho địa phương để tránh sự chồng chéo trong công tác quản lý.

 

 Đài Móng Cá

i

Trung tâm TT và VH
Loading...