Thành phố Móng Cái: Tổ chức lễ tế Xã Tắc

06/03/2018 10:18
Năm 2018, TP Móng Cái đã quyết định phục dựng lại lễ tế và đàn Xã Tắc nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ tế đàn Xã Tắc và di tích lịch sử văn hóa đền Xã Tắc. Đây là lễ tế thể hiện ước vọng của những cư dân nông nghiệp về thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống yên bình, no đủ.

 

Nghi thức tế lễ Xã Tắc

Người xưa quan niệm: "Phi thổ bất lập, phi cốc bất thực, vương giả dĩ thổ vi trọng vi thiên hạ cầu phúc báo công", có nghĩa: "Không có đất thì không thể trồng trọt, không có ngũ cốc thì không có cái ăn. Người làm vua lấy đất làm trọng vì thiên hạ cầu thần đất cho phúc lộc, may mắn". Vì thế mà các vua khi lên ngôi thường lập đàn Xã Tắc để tế thần đất và thần ngũ cốc cầu mong cho dân giàu nước mạnh, khích lệ muôn dân chăm lo cấy cày và cũng là cách để thể hiện cái đức hiếu sinh của nhà vua.  

Xã được hiểu là đàn thờ thần thổ địa, “Tắc” là đàn thờ thần ngũ cốc. Sự sùng bái đối với Xã thần là bước phát triển của sùng bái đất trong sùng bái tự nhiên của người nguyên thủy. Đất sinh ra cây trái, ngũ cốc để nuôi sống con người nên được coi là bậc thần linh có sức sống mãnh liệt. Con người phải nhờ đất mà ở, nhờ thóc để ăn, nên ngày xưa từ Thiên tử cho đến thần dân đều coi trọng tế thần Xã Tắc.

Vào năm Minh Mạng năm thứ 13 (1832), nhà vua xuống dụ cho hay ở các địa phương phải đặt đàn Xã Tắc để tỏ lòng vì dân cầu phúc. Theo chỉ dụ vua ban, năm sau, đàn Xã Tắc của tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) đã được đặt tại Móng Cái để tiến hành nghi thức.

Lễ vật tế lễ Xã Tắc

Đàn Xã Tắc là nơi tổ chức lễ tế thần Xã (đất) và thần Tắc (lúa), đây là 2 vị thần tiêu biểu cho 5 loại thổ thần và ngũ cốc thần theo tư duy của cư dân nông nghiệp. Hai vị thần này luôn gắn bó với nhau, không tách rời nhau như bản thân đất và lúa trong đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước. Trong Quốc triều chánh biên toát yếu có viết: “Tắc mà không có Xã không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc thì không thành hiệu gì hết, cho nên hiệp tế Xã Tắc vì công lợi ngang nhau”. Đất đai và lúa gạo là 2 yếu tố rất quan trọng trong đời sống nông nghiệp, và nó tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nước nhà. Chính vì ý nghĩa đó nên quan niệm Xã Tắc có nghĩa như là Quốc Gia. Trong từ điển Bách khoa Đào Duy Anh có viết: “Thuở dựng nước rất quý trọng nhân dân. Dân cần có đất để ở nên lập nền Xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế thần Nông. Mất nước là mất Xã Tắc nên Xã Tắc cũng có nghĩa là Quốc Gia”.

Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy, Đàn Xã Tắc hình vuông gồm 2 tầng chồng lên nhau: Tầng thứ nhất hình vuông chu vi: 4 trượng 2 thước 3 tấc, cao 2 thước 5 tấc, trên có hàng lan can cao 9 tấc bao bọc; tầng thứ 2 có chu vi 10 trượng 4 thước 4 tấc, cao 1 thước 3 tấc, đều xây gạch. Phía trước, sau và 2 hướng tả hữu của 2 tầng ấy đều có thềm bậc; bên tả, về phía Bắc có đào một cái hố để chôn đồ lễ. Dưới phần thứ 2 có nền vuông 21 trượng 6 thước, chung quanh trồng tre xanh và các loại cây khác. Trước mặt và hai bên tả hữu, mỗi phía đều có 1 cửa, hai bên cửa đều xây cột đồng trụ, cao 6 thước 2 tấc.

Lễ tế thần đất và thần lúa được tái hiện tại đàn Xã Tắc (TP Huế)

Lễ tế Xã Tắc thể hiện ước vọng của những cư dân nông nghiệp về thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống yên bình, no đủ. Yên bình và thịnh vượng là ước vọng muôn đời của con người (và có lẽ của tất cả mọi sinh vật). Ước vọng ấy vĩnh hằng tồn tại bất kể thời gian và không gian, khiến đời sống được sinh sôi, nảy nở. Đối với cư dân nông nghiệp, ước vọng này có thực hiện được hay không phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, thời tiết. Thời tiết mưa thuận gió hòa tất đem lại mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, lễ tế Xã Tắc được cử hành hàng năm cầu xin Trời ban mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đem lại sự phồn vinh, an lành cho toàn dân tộc.

Để bảo tồn đàn Xã Tắc và lễ tế đàn Xã Tắc, bắt đầu từ năm 2018, Thành phố Móng Cái sẽ phục hồi lễ tế đàn Xã Tắc tại đền (miếu) Xã Tắc. Theo đó, 14h00’ ngày 16/3/2018 đến 22h00’ ngày 17/3/2018 (Tức từ 14h00’ngày 29/1/2018 âm lịch đến 22h00’ ngày 01/2/2018 âm lịch năm Mậu Tuất lễ tế Xã Tắc sẽ được cử hành. Lễ tế bao gồm: Lễ Cấp thủy (lấy nước) tại Khu vực ngã ba Soáy nguồn – sông Ka Long; Lễ Mộc dục tại đền Xã Tắc; Lễ Nghinh Thần (Rước thần Xã -  thần Tắc du hương); Lễ tế đàn Xã Tắc trong đó có nghi thức Nghênh thần, Tế tại đàn và nghi lễ Tống thần. Bên cạnh phần lễ, là các trò chơi dân gian như cờ người, thi chọi chim, chọi gà... Quy mô tổ chức thành phố với dự kiến trên 1.000 người tham gia.

Đây là một trong những hoạt động nhằm phát huy gìn giữ giá trị nhân văn của dân tộc, góp phần để các hình thức diễn xướng dân gian truyền thống được bảo tồn và tôn vinh.

Bá Khang
Trung tâm TT&VH
Loading...