Cuối tháng 7/2022, xã Hải Xuân (TP Móng Cái) tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có thể nói, thành tích này là sự ghi nhận cho tinh thần quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Xuân trong thực hiện nhiệm vụ lớn. Sau khi hoàn thành xây dựng xã NTM vào năm 2018, đến nay đời sống của nhân dân Hải Xuân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn được đổi mới rõ rệt. Cùng với đó, hệ thống chính trị nông thôn luôn ổn định, dân chủ cơ sở được phát huy, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hiện toàn bộ 19 tiêu chí xã NTM nâng cao đều được Hải Xuân hoàn thành trọn vẹn, không nợ tiêu chí; 4/13 thôn trong xã đã đạt chuẩn thôn NTM nâng cao. Theo ông Phạm Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thành công lớn nhất là Hải Xuân đã huy động sự vào cuộc rất tích cực, trách nhiệm của người dân. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con rất ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương mà địa phương triển khai, đồng thuận tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, đóng góp nguồn lực xã hội hóa để cùng với xã hoàn thành đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng, đường dân sinh, kênh mương tưới tiêu, thu gom rác thải sinh hoạt...
Đến nay, TP Móng Cái có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt NTM nâng cao, 7 xã còn lại cũng đều đã đạt NTM. Ngoài ra còn có 41 vườn NTM, gần 900 hộ gia đình kiểu mẫu và xã Vạn Ninh đang trong lộ trình phấn đấu lên phường. Kết quả này đã phần nào cho thấy những nỗ lực của Móng Cái trong việc thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng NTM nâng cao theo hướng chuyển từ "lượng" sang "chất".
Năm 2022, nhiệm vụ này được thành phố gắn liền với triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các cơ quan, ban ngành của TP Móng Cái và từng xã, phường đều rất chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 06 đề ra. Công tác quán triệt, tuyên truyền các nội dung nghị quyết được triển khai sâu rộng, đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, TP Móng Cái tập trung huy động các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đồng thời tập trung tạo sinh kế cho người dân, thông qua các chính sách giao đất, giao rừng, tạo việc làm. Nổi bật như việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo đề án phát triển sản phẩm OCOP của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược phát triển “3 con, 2 cây, 1 điểm đến” đã được cụ thể hóa thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Vùng nuôi tôm tại các xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Vạn Ninh, Hải Xuân và phường Ninh Dương; vùng nuôi bò tại xã Quảng Nghĩa; vùng nuôi lợn Móng Cái theo công nghệ cao tại các xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa; vùng trồng dược liệu tại các xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Hải Tiến, Hải Đông, Quảng Nghĩa; vùng trồng khoai lang tại các xã Hải Tiến, Hải Đông, Vạn Ninh, Hải Xuân và phường Bình Ngọc. Tiềm năng về cảnh quan thiên thiên và văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi, biên giới cũng đã được quan tâm phát huy gắn với phát triển du lịch...
Ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đề ra mục tiêu phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với chỉ tiêu ít nhất 70% xã có HTX, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số… |