Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 tại hội nghị ngày 10/01/2022

11/01/2022 15:36
Ngày 11/1, Tỉnh uỷ Quảng Ninh ban hành Thông báo số 492- TB/TU thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 tại hội nghị ngày 10/01/2022.

Trong tuần qua,Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ứng phó kịp thời với các diễn biễn hết sức phức tạp của dịch bệnh, nhất là với biến chủng Omicron; đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở việc sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp ở mức độ cao của các địa bàn khó khăn về y tế. Tuy nhiên, việc kiềm chế và giảm tốc độ lây nhiễm chưa đạt yêu cầu đề ra; số ca mắc mới ghi nhận trên 300 ca/ngày, cao hơn so với trung bình cả nước, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả.Việc triển khai thực hiện một số nội dung công việc theo chỉ đạo của Tỉnh ở một số sở, ngành, địa phương, cơ sở chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Khâu tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở ở một số nơi vẫn là khâu yếu, mặc dù một số việc đã có chủ trương từ rất sớm, gắn trách nhiệm cụ thể cho từngcơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm người đứng đầu. (2) Nhiều nơi có biểu hiện chủ quan lơ là, thiếu sâu sát, thiếu linh hoạt; chưa áp dụng thực hiện triệt để, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng theo cấp độ dịch; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, chưa nghiêm. (3) Ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận người dân trong chấp hành và triển khai công tác phòng, chống dịch chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Sau khi thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại báo cáo ngày 10/01/2022. Trong đó lưu ý:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 11/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mục tiêu cao nhất là khống chế kịp thời các ổ dịch, giảm tốc độ lây lan, phát sinh các ca F0 hằng ngày trên địa bàn tỉnh, kéo giảm dưới mức trung bình của cả nước; ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của biến thể Omicron vào địa bàn tỉnh; giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” theo phương châm tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Các địa phương cấp huyện, cấp xã khẩn trương kích hoạt, vận hành cao nhất cơ chế Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bảo đảm kết nối chặt chẽ, liên thông, tổng thể từ tỉnh tới cơ sở với các phương án sẵn sàng ứng phó nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả với mọi cấp độ diễn biến dịch bệnh; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên Đán.

2. Chủ động quản lý chặt chẽ, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, tăng cường điều trị, giảm số ca trở nặng và ca tử vong do COVID-19 gây ra, nhất là đối với người thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương (gồm người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ngoại tỉnh vào làm việc tại tỉnh chưa được tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19,…).

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách chính xác tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khoẻ đang có nhu cầu hỗ trợ để thực hiện phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tuyệt đối không để người thuộc nhóm có nguy cơ cao cần được hỗ trợ mà không được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ cơ sở. Tăng cường việc điều trị F0 tại nhà hoặc tại cơ sở phù hợp với tình trạng, mức độ bệnh và điều kiện thực tiễn, có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn chuyên môn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế.

Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, triển khai nội dung công việc này.

3. “Thần tốc” hơn nữa thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương tổ chức tiêm vét vắc xin lưu động ngay tại nhà đối với các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương, đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không thể đến nơi tiêm tập trung.

Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 (mũi tăng cường) cho người dân từ 18 tuổi trở lên, cơ bản hoàn thành xong trước ngày 17/01/2022; tiếp tục rà soát thường xuyên, tổ chức tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm. Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Giám đốc Sở Y tế, người đứng đầu các cơ sở y tế, Trạm trưởng trạm y tế phải chủ động chỉ đạo sâu sát, tổ chức thực hiện quyết liệt, dứt điểm, đến cùng nội dung nêu trên và chịu trách nhiệm toàn diện trước các cấp có thẩm quyền nếu để xảy ra tình trạng nhiều người trở nặng, nhập viện và tử vong do chưa được tiêm vắc xin khi dịch bùng phát trên diện rộng.

4. Kiểm soát chặt chẽ hơn nữa sự lây lan của dịch COVID-19 trên địa bàn. Hằng ngày, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để chủ động và tự chịu trách nhiệm quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng, phù hợp theo cấp độ dịch, thực hiện ở phạm vi hẹp nhất; tăng cường truyền thông tích cực, chủ động về nhận diện ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên thông báo bản tin cảnh báo kịp thời về các nguy cơ tiềm ẩn, hiện hữu, tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân biết và tự bảo vệ mình trong việc điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, hạn chế di chuyển, tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, người đứng đầu các cơ sở giáo dục đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, đặc biệt trong điều kiện vẫn còn có trẻ em chưa được tiêm vắc xin;theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh để tổ chức tốt công tác dạy và học theo hình thức phù hợp (trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến) bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả.

5. Tập trung nâng cao thực chất năng lực y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các địa phương khẩn trương rà soát, điều phối và thực hiện đầu tư mua sắm theo quy địnhcác hóa chất, vật tư, sinh phẩm, thuốc men, kit xét nghiệm, trang thiết bị y tế (trong đó bảo đảm có đủ ô xy, máy thở) để sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là trong trường hợp có nhiều trường hợp F0 trở nặng, có nguy cơ cao và rất cao theo phương châm “4 tại chỗ”.

6. Tiếp tục thông tin, truyền thông chủ động, minh bạch để củng cố lòng tin, nâng cao ý thức của Nhân dân bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình mình và cộng đồng, tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là biện pháp 5K. Yêu cầu tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… từ quy mô nhỏ nhất đều phải sử dụng mã QR để quản lý, kiểm soát thông tin người ra vào; mọi người dân đều phải sử dụng các công cụ công nghệ thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng để thực hiện phòng, chống dịch.

baoquangninh.com.vn
Loading...