Thông tin sinh hoạt Chi bộ tháng 03/2013

18/02/2013 18:46
Để cung cấp tài liệu tuyên truyền, thông tin sinh hoạt Chi bộ tháng 03/2013, đồng thời để tuyên truyền kỷ niệm 58 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái biên soạn “Thông tin tuyên truyền và sinh soạt chi bộ tháng 3 năm 2013” với các nội dung như sau:

              KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH THÁNG 02/2013; MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 03/2013

           I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH THÁNG 02/2013:

1. Phát triển kinh tế - xã hội:

1.1. Kinh tế:

- Thương mại - Xuất nhập khẩu: Tình hình hàng hóa xuất nhập khẩu tăng so với tháng trước do doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp trước tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đến ngày 15/2/2013 đạt 300,5 triệu USD, lũy kế 556,05 triệu USD, bằng 113,9%CK.

- Tình hình thương mại nội địa: Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp trước và sau tết tăng cao, giá cả hàng hóa tăng nhẹ từ 10%-15% so với các tháng trước; hàng hóa trước và sau tết đa số là hàng Việt Nam; hàng Trung Quốc vẫn còn xuất hiện nhưng không nhiều và ít được ưa chuộng.

- Du lịch: Tổng lượng khách du lịch xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đạt 48.100 lượt người, bằng 101% so CK. Khách du lịch nội địa đến tham quan, lưu trú tại Móng Cái đạt 9.852 lượt người, bằng 103,8% so CK.

- Công nghiệp - TTCN: Trong dịp trước và sau tết Nguyên đán nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN hoạt động cầm chừng hoặc chưa hoạt động trở lại nên giá trị sản lượng công nghiệp giảm; hết tháng 2/2013 ước đạt 7.500 triệu đồng, đạt 11% so với kế hoạch, bằng 103,1% so với CK.

- Nông nghiệp: Các xã nông nghiệp trên địa bàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2013. Đến nay tiến độ gieo mạ toàn Thành phố đạt 20% diện tích gieo cấy lúa, gieo mạ đủ cấy cho 180/920ha KH.

- Chăn nuôi: Không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Triển khai giao kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2013.

Thuỷ sản: Ban hành lịch mùa vụ nuôi thủy sản năm 2013 và hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác chuẩn bị nuôi thủy sản vụ xuân hè. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng đạt 75 tấn, lũy kế đạt 116,8 tấn, bằng 118,4% CK; sản lượng khai thác đạt 190 tấn, lũy kế đạt 405 tấn, bằng 132,8% CK.

- Lâm nghiệp: Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng mùa  hanh khô.

- Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 19,787 tỷ đồng (tính đến ngày 15/02/2012), lũy kế 206,37 tỷ đồng, bằng 66,6% so CK. Trong đó, thu nội địa đạt 7,87 tỷ đồng, lũy kế 75,68 tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán Tỉnh, 14,6% dự toán Thành phố, bằng 125,2% CK; thu từ ngành Hải quan đạt 11,9 tỷ đồng, lũy kế 69,7 tỷ đồng, bằng 10% dự toán, bằng 69,9% CK. Tổng chi ngân sách là 48,94 tỷ đồng, bằng 10% dự toán, 129% CK, trong đó chi đầu tư phát triển 12,49 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, 83% CK; chi thường xuyên 36,4 tỷ đồng, bằng 10% dự toán, 160% CK.

- Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư: Tổ chức tiếp 14 lượt công dân (lĩnh vực đất đai 11 lượt; Bồi thường – GPMB 02 lượt; Lĩnh vực khác 01 lượt), không phát sinh đơn kiến nghị, tố cáo.

 1.2. Văn hoá - xã hội:

- Văn hoá: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân dịp tết Nguyên đán 2013 và kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng CSVN được tổ chức sôi động, phong phú trên tinh thần thiết thực, lành mạnh. Tổ chức thành công đêm văn nghệ và bắn pháo hoa đón giao thừa đảm bảo đúng qui định, an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân địa phương đón xuân vui Tết; cử đội tuyển bóng đá thanh niên Thành phố tham gia chương trình giao lưu bóng đá với Thanh niên Đông Hưng (Trung Quốc) nhân dịp Tết Nguyên Tiêu. Thực hiện tốt công tác quản lý các di tích, danh thắng, cơ sở thờ tự, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn đảm bảo an toàn, văn minh, đúng quy định.

- Giáo dục - đào tạo: Các trường tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2012-2013. Tổ chức thành công các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 200 lượt cán bộ, giáo viên các cấp học. Tổ chức kỳ thi cho học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 9, Hội thi Olympic Tiếng Anh trên Internet, viết chữ và trình bày bài đẹp cấp thành phố, thi học sinh giỏi cấp tiểu học. Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

- Y tế, Dân số: Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; đã tổ chức khám bệnh cho 9.278 lượt (Bệnh viện 4.421 lượt, Trạm y tế 3.638 lượt, y tế tư nhân 1.219 lượt); điều trị cho 1.241 lượt (Bệnh viện 825 lượt, Trạm y tế 416 lượt). Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Tổng kết công tác Dân số - KHHGĐ Thành phố năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013.

- An sinh xã hội: Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trong dịp tết như: thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sỹ, gia đình có công cách mạng, thương bệnh binh, các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cơ quan đơn vị lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ trong dịp Tết... đảm bảo mọi người, mọi nhà được đón tết vui vẻ. Tổng số tiền thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 trên địa bàn thành phố là 2, 211 tỷ đồng.

- Công tác y tế: Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y, dược tư nhân. Triển khai tháng cao điểm an toàn thực phẩm Tết 2013.

- Dân số - KHHGĐ: Triển khai kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2020  của tỉnh và thành phố về thực hiện chiến lựơc dân số, sức khoẻ sinh sản Việt Nam. Chỉ đạo các xã, phường sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 15/7/2008 của Ban Thường vụ Thị uỷ Móng Cái và đánh giá kết quả 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Móng Cái về phát triển dân số và công tác dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015. Tính đến ngày 31/01/2013 tổng số sinh là 99 người, tăng 4 người so với CK; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 10,1%, tăng 2,7% so với CK.

 1.3 Quốc phòng - an ninh, đối ngoại:

- Quốc phòng: Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, sẵn sàng chiến đấu, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên toàn tuyến biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Phát động phong trào thi đua đột kích “45 ngày hành động kiểu mẫu mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ 2013”. Tổ chức Lễ tuyển quân đợt 1 năm 2013 đạt kết quả tốt, đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượng được cấp trên giao; một số thanh niên tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc.

- An ninh: Tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống tội phạm theo chương trình 138 năm 2012, triển khai công tác năm 2013. Trong tháng đã điều tra làm rõ 08 vụ pháp pháp hình sự (bằng số vụ tháng trước), trong đó 02 vụ trọng án; phát hiện và bắt giữ 09 vụ (14 người) Trung Quốc vi phạm quy định XNC; bắt giữ 04 vụ (04 đối tượng) tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, xử lý hình sự 02 vụ, xử lý hành chính 02 vụ. Xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng và 01 vụ va chạm giao thông, làm 01 người chết, 04 người bị thương; xử lý 1.431 phương tiện vi phạm ATGT đường bộ; 18 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy nội địa.

- Đối ngoại: Tổ chức đoàn đại biểu của Thành phố sang tham dự buổi thi đấu bóng đá giao hữu thanh niên Móng Cái - Đông Hưng nhân dịp tết Nguyên Tiêu do hai Thành phố phối hợp tổ chức.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 03/2013

1. Tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng Chương trình hành động về việc “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong bộ phận cán bộ, đảng viên”; triển khai thành lập mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội trên địa bàn thành phố theo đề án của tỉnh; tổ chức Hội nghị báo cáo viên quý I/2013.

2. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại; nắm bắt, quản lý tốt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, các hoạt động chuyển khẩu, chuyển tải, dịch vụ thương  mại, kho ngoại quan trên địa bàn Thành phố.

3. Chỉ đạo các xã phường tiếp tục thực hiện gieo trồng các cây trồng vụ Xuân 2013 đảm bảo tiến độ; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; hướng dẫn nhân dân cải tạo ao đầm chuẩn bị nuôi thủy sản vụ xuân hè 2013.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phục hồi đình Vạn Xuân, chùa Linh Sơn, đình Trà Cổ, chùa Xuân Lan. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thống kê lao động và khảo sát việc sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn. Tổ chức tháng an toàn lao động - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2013. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng các xã, phường đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế.

5. Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến nhân dân tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992; triển khai các nội dung hưởng ứng hoạt động trong nhiệm vụ tuyên truyền kỷ niệm kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh và 5 năm Móng Cái được công nhận đạt Đô thị loại III; tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (khóa XI)./.

-----------------

          KỶ NIỆM 58 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM

 

1. Lịch sử ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2013)

Cách đây đúng 58 năm, ngày 27/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y tế và là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Nguyên văn lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ Y tế năm 1955, lời dạy của Bác đối với ngành Y tế Việt Nam và những lời dạy quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị. Sau đây là nguyên văn nội dung bức thư:

 THƯ GỬI HỘI NGHỊ CÁN BỘ Y TẾ

Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sĩ ở Nam về?), các chú vui vẻ, mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực và làm việc cho tiến bộ.

Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận :

Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc : khoa học, dân tộc và đại chúng.

Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.

                                                                                Chào thân ái và thành công

                                                                                  Tháng 2 năm 1955

                                                                                   HỒ CHÍ MINH”

     

     2. Bác Hồ với quan điểm về sức khỏe, y tế và đạo đức người thầy thuốc:

Nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2013) và tuyên truyền việc thực hiện chuyên đề “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đối với cán bộ, công nhân, viên chức ngành Y tế trên địa bàn Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái trân trọng giới thiệu tài liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc trong cuốn sách “Một số vấn đề xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam” của cố Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Nguyên Phương - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta. Đảng ta khẳng định cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng và cách mạng nước ta. Những tư tưởng của Người mãi mãi là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam từng bước đi lên giành hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Vì vậy việc nghiên cứu, khai thác những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào những hoạt động thực tiễn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là việc làm quan trọng và cần thiết.

Chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khỏe” đã đặt ra cho ngành y tế một niềm hy vọng rất lớn, có một ý nghĩa rất quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp y tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Trên cương vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng, của Nhà nước và nhân dân ta để giải phóng đất nước, đưa đất nước tiến lên CNXH, phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội... Trên lĩnh vực y tế và sức khỏe, Người cũng đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú, có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại.

            2.1. Quan điểm về sức khỏe:

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người. Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người nói: “mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”. Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Điều này nói lên rằng Bác Hồ của chúng ta đã đánh giá rất cao vai trò của sức khỏe.

Quan niệm về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người định nghĩa:“ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Như vậy trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất chính xác về sức khỏe. Khi đưa ra khái niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận đến tinh thần mác xít về con người, bản chất của con người vùa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội; vì vậy việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần. Người nói: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ đã nói: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Trong 5 quan điểm của Đảng ta về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, quan điểm thứ nhất đã khẳng định sức khỏe là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự quán triệt, sự tiếp tục những tư tưởng của Người trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì vậy, phải chăm lo sức khỏe cho mọi người, chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Quan điểm chăm lo sức khỏe cho mọi người thực sự là thể hiện một quan điểm công bằng trong chăm sóc sức khỏe như tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội. Công bằng xã hội không có nghĩa là không thực hiện sự ưu tiên trong xã hội. Lúc sinh thời, Bác Hồ vẫn thường xuyên nhắc nhở các cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy quân đội, các cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, cho trẻ em, cho người nghèo ở vùng xa xôi, hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh.

Ngày nay, trong điều kiện của một nền kinh tế thị trường, có sự phân tầng xã hội, tức là trong xã hội có người giàu, có người trung bình, có người nghèo, người đói, có người trong diện chính sách thì rõ ràng nhà nước ta không thể duy trì một nền y tế bao cấp vì như vậy không những nguồn kinh phí không cho phép và hơn thế nữa là không đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Chúng ta quan niệm rằng khi nói đến công bằng xã hội là phải nói đến sự ưu tiên đối với những người có công, vùng có công với cách mạng, đối với người nghèo, vùng nghèo, vùng miền núi xa xôi. Nền y tế của chúng ta phải thực hiện yêu cầu không để các bệnh nhân vì không có tiền mà không được khám chữa bệnh đầy đủ.

            2.2. Quan điểm về y tế và y học:

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền y tế của nước ta là một nền y tế nhân dân. Bác Hồ nói “xây dựng một nền y học của ta”, đây là một quan điểm rất sâu sắc. Bác Hồ còn nói với cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Cả cuộc đời của Bác Hố đều vì dân, lấy dân làm gốc. Tư tưởng đó của Người cũng được thể hiện ở việc xây dựng một nền y học xuất phát từ nhân dân, của dân, vì dân. Tư tưởng này còn thể hiện ở một nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam. Theo Bác Hồ, nhân tố nhân dân và nhân tố Việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng một nền y học Việt Nam. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc phải xây dựng một nền y học dân tộc, đại chúng. Tính dân tộc và tính đại chúng chính là một nền y học mang nhân tố dân tộc và nhân tố nhân dân. Nhưng Bác Hồ cũng không dừng lại ở đó, Bác còn nêu ra nguyên tắc nền y học của ta phải là một nền y học mang tính khoa học. Theo Bác Hồ, bản thân y học là khoa học, hơn nữa là một khoa học về con người. Như vậy khi Bác Hồ nêu ra nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng tức là nền y học đó phải mang truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thời đại. Ở đây nhân tố dân tộc và nhân tố thời đại hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể thống nhất.

Nền y tế của chúng ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Ở các vùng miền xuôi, chăm lo xây dựng các trạm y tế, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng xã trắng về y tế, phấn đấu tuyến xã có bác sĩ. Ở các tỉnh miền núi, chăm lo đến y tế thôn bản, chăm lo đến sức khỏe gia đình. Mặt khác, nền y tế của chúng ta phải vươn tới xây dựng một nền y tế hiện đại, đào tạo được ngày càng nhiều các chuyên gia đầu ngành, nhanh chóng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tập trung xây dựng những trung tâm y tế chuyên sâu. Như vậy là tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau và là những phương hướng cơ bản, lâu dài của nền y tế nước ta.

Trong tư tưởng của Bác Hồ thể hiện rất rõ quan điểm xây dựng một nền y học trên cơ sở kết hợp Đông y và Tây y. Quan điểm này của Bác Hồ là xuất phát từ thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bác nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc” và Bác còn nói “Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”. Sở dĩ như vậy vì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng không chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thầy thuốc tây phải học đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như có hai tay cùng làm việc thì làm việc được tốt. Cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”.

Với cách nhìn nhận của Bác Hồ thì Đông y và Tây y không phải là hai mặt mâu thuẫn với nhau mà có sự thống nhất chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Chúng ta quan niệm đầy đủ rằng phải kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại, phải hiện đại hóa y dược học cổ truyền nhưng không làm mất bản sắc y dược học dân tộc. Chúng ta luôn luôn ý thức y dược học cổ truyền là một thế mạnh của nước ta. Để xây dựng một nền y học hiện đại tiến kịp với nền y học nhân loại, chúng ta phải khai thác, phát huy sức mạnh của y dược học cổ truyền; khai thác, phát huy cái phong phú, cái tài tình, cái còn đang tiềm ẩn của y học cổ truyền.

            2.3. Quan điểm về y tế dự phòng:

Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề y học dự phòng. Bác Hồ nói “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh”. Có lúc Người còn nói “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Quan điểm về y học dự phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất toàn diện. Để chống lại bệnh tật, ốm đau, Người đặc biệt quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, hố xí vệ sinh, diệt ruồi, muỗi. Người nhấn mạnh “Vệ sinh là yêu nước”. Ở đây khái niệm “vệ sinh” của Người bao hàm rất rộng, rất đầy đủ. Người thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Người nói: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 5 lời dạy của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Bác cũng nói: “Yêu tổ quốc và yêu đồng bào, Học tập tốt và lao động tốt. Đoàn kết tốt và kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà và dũng cảm”.

Ngay trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước những công việc cấp bách, bộn bề; Người vẫn nghĩ đến xây dựng “Đời sống mới” cho toàn dân. Trong nội dung của “Đời sống mới”, Người viết “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khỏe mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn, xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”.

Trong quan điểm y học dự phòng của Chủ thịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao thể lực của con người. Đây chính là phương châm y học dự phòng tích cực và chủ động nhất. Bác Hồ vận động toàn dân phải thường xuyên vận động cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Khi khuyên đồng bào tập thể dục, Bác Hồ nói, vị Chủ tịch nước cũng xin hứa “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Không những tập thể dục mà Người còn tập tắm nước lạnh, trèo núi, đánh bóng chuyền, tập võ... Có thể nói Bác Hồ cũng chính là một mẫu mực của ý chí rèn luyện về mọi mặt.

Ngày nay, khi đất nước ta chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều thách thức lớn đang đặt ra cho công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe nhân dân thì vai trò của y học dự phòng càng trở nên đặc biệt quan trọng. Không những chúng ta vẫn phải ngăn chặn, đề phòng những bệnh tật của mô hình một nước kém phát triển như các bệnh nhiễm khuẩn, tả, lỵ, thương hàn, sốt rét... mà còn phải đặt ra vấn đề phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, AIDS, bệnh nghề nghiệp, bệnh do tệ nạn xã hội... là mô hình bệnh tật của các nước phát triển.

            2.4. Quan điểm về đạo đức của của người thầy thuốc:

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc là “lương y phải như từ mẫu” nghĩa là “thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mệnh của con người. “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Vì tính chất của nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh là trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành đạo.

Hải Thượng Lãn Ông cũng quan niệm người thầy thuốc phải nhiệt tình, không kể sang hèn, không kể giàu nghèo, phải tôn trọng người bệnh, không được cầu lợi, kể công, không được “đem nhân thuật để làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm vấn đề quyết định y đức của người thầy thuốc là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Người còn dặn dò các y tá : “y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Theo Người nhân ái hay bác ái là nét nổi bậc trong nhân cách của người thầy thuốc, một nền y học tiến bộ phải tồn tại trên cái nền của lòng nhân ái.

Ngày nay, trong bối cảnh mới của đất nước, vấn đề y đức cũng đang được đặt ra như một vấn đề bức xúc. Sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một nền y tế trong cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc. Khi đồng tiền được đặt ra giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Khi người bệnh đến bệnh viện có nhiều phương thức trả tiền trong những điều kiện đời sống của những người thầy thuốc còn nhiều khó khăn, đồng lương còn chưa đủ ăn thì những tác động tiêu cực cũng đã làm không ít thầy thuốc bị xói mòn lương tâm đạo đức; đồng tiền, quà cáp đang làm thay đổi tiêu chí đối xử đối với bệnh nhân.

Nhận rõ tính bức xúc trên đây, trong thời gian qua ngành y tế bằng nhiều biện pháp đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng y đức, với quyết tâm càng ngày càng nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế. Bộ Y tế đã có Chỉ thị về vấn đề y đức và Chỉ thị đó dần dần đi vào thực tiễn và trở thành hành động của các nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành 12 điều quy định về y đức. Có thể nói rằng 12 điều quy định này đã được dư luận rộng rãi nhân dân trong cả nước đồng tình và ủng hộ. Ở trong ngành Y tế đã và đang có những đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi để quán triệt, tổ chức thực hiện 12 điều quy định về y đức.

Những nội dung trọng tâm của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, thái độ niềm nở, tận tình, khẩn trương tổ chức khám chữa, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo. Trong điều trị phải tận tình, chu đáo, luôn luôn có mặt ở vị trí công tác, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tình huống, phải thực hiện được điều như cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nói: “Đến, niềm nở tiếp đón. Ở, tận tình chăm sóc. Đi, ân cần dặn dò”.

Đối với đồng nghiệp phải tôn trọng, cộng tác, thân ái giúp đỡ lẫn nhau. Khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của nhau, sẵn sàng chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm cho người khác.

Đối với nghề nghiệp, phải ra sức phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, có lòng yêu nghề sâu sắc, có lương tâm nghề nghiệp cao, không ngừng học tập và nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân, vì nhân dân.

Ngoài lời dạy phải thương yêu người bệnh “Lương y phải như từ mẫu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh giáo dục đạo đức cho người thầy thuốc là “trước hết phải thật thà, đoàn kết...” Bác Hồ nói “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sĩ, Dược sĩ cho đến các chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang triển khai thực hiện “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đối với vấn đề y đức, những người làm công tác y tế cần phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người từ những quan điểm về sức khỏe, y tế, y học và đạo đức của người thầy thuốc đã nêu trên.

 

3. Lịch sử xây dựng và phát triển của Bệnh viện đa khoa khu vực Móng Cái:

3.1. Quá trình xây dựng và phát triển:

Ngày 02/08/1954 Bệnh viện thị xã Móng Cái (bệnh viện của tỉnh Hải Ninh cũ) được tiếp quản. Khi Pháp rút lui đã đem hết y dụng cụ vào Nam, chúng chỉ bàn giao cơ sở khám chữa bệnh với 30 giường bệnh, 18 nhân viên y tế (4 hộ lý, 2 hộ sinh, 12 y tá), mạng lưới y tế xã chưa có.

Từ tháng 8/1954 đến tháng 12/1955, bệnh viện Móng Cái là bệnh viện tỉnh Hải Ninh của tỉnh Hải Ninh;

Từ tháng 12/1955 tháng 4/1957, tỉnh lỵ Hải Ninh chuyển lên Tiên Yên nên bệnh viện trực thuộc thị xã Móng Cái;

Từ tháng 4/1957, thị xã Móng Cái lại trở thành tỉnh lỵ Hải Ninh nên bệnh viện Móng Cái lại trở thành bệnh viện Hải Ninh cho đến tháng 10/1963 khi tỉnh Hải Ninh sáp nhập với Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh;

Từ tháng 10/1963 đến tháng 02/1979, bệnh viện Hải Ninh trở thành Bệnh viện thị xã Móng Cái với đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn, hầu hết các khoa phòng đều có bác sỹ phụ trách và được đầu tư nhiều y dụng cụ hiện đại như máy X quang, máy xét nghiệm, ghế răng… nên đã đảm nhiệm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh và cả người Trung Quốc.

Năm 1979, sau khi thị xã Móng Cái đổi tên thành huyện Hải Ninh thì bệnh viện được chuyển địa điểm đến Km11 thuộc xã Hải Đông, đồng thời thành lập thêm hai phân viện là Xuân Ninh và Quảng Nghĩa (giai đoạn này bệnh viện vừa làm nhiệm vụ khám chữa bệnh vừa phục vụ chiến tranh biên giới).

Năm 1992, Trung tâm y tế Hải Ninh được thành lập trên cơ sở phòng Y tế sáp nhập vào Bệnh viện.

Ngày 31/5/1994, Trung tâm y tế được chuyển xuống địa điểm mới tại thôn Thượng Trung xã Ninh Dương (nay là phường Ninh Dương), địa điểm bệnh viện hiện nay. Hệ thống y tế cơ sở cũng được phát triển bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở địa phương.

Năm 2005Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái lập tách ra từ Trung tâm Y tế Móng Cái. Bệnh viện ĐKKV Móng Cái là bệnh viện tuyến tỉnh đóng trên địa bàn Thành phố Móng Cái được thành lập tháng 12/2006 theo Quyết định số 3860/QĐ-UBND ngày 05/12/2006 của UBND tỉnh Quảng Ninh với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong khu vực và các vùng lân cận.

Vì được tách ra từ Trung tâm Y tế Móng Cái nên cơ sở vật chất trang thiết bị vừa cũ, vừa lạc hậu, xuống cấp, đội ngũ cán bộ thiếu với trình độ chuyên môn thấp. Bên cạnh đó, bệnh viện đóng trên địa bàn miền núi, xa tuyến trung ương. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đội ngũ CBVC được bổ sung và đào tạo liên tục.

Từ đầu năm 2007, Bệnh viện được đầu tư mới từ nguồn nâng cấp BVĐK khu vực của Chính Phủ nên cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị hiện đại và đồng bộ, cộng với đội ngũ thầy thuốc tận tâm với người bệnh vì thế từng bước đáp ứng đựơc nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Số giường bệnh theo kế hoạch giao là 200, song thực tế hiện nay đang thực hiện 250 giường, tổng số biên chế là 161 cán bộ viên chức, lao động.

Với đội ngũ cán bộ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn vững vàng, với máy móc, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, bệnh viện luôn là nơi khám chữa bệnh có chất lượng và tin cậy của người bệnh và nhân dân trong khu vực. Hàng năm số bệnh nhân đến khám từ 90.000 đến 100.000 lượt người. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 7000 đến 9.000 lượt người. Công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt kế hoạch giao.

Nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại được ứng dụng có hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh như kỹ thuật sử dụng máy X-Quang kỹ thuật số, chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, siêu âm Doppler, mổ nội soi, lọc thận chu kỳ,  mổ kết hợp xương, cấp cứu thở máy dài ngày... Hơn 30 kỹ thuật cao đã được áp dụng trong những năm qua đã góp phần chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đơn vị đã có nhiều sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào việc quản lý toàn bộ các hoạt động của bệnh viện. Nhiều năm trở lại đây, bệnh viện ĐKKV Móng Cái là một trong số các cơ sở đào tạo cho trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, với số lượng sinh viên về thực tập hàng năm đều tăng.

Với những tiến bộ về trình độ chuyên môn và y đức, tháng 2 năm 2013, bệnh viện ĐKKV Móng Cái đã được UBND Tỉnh ký quyết định nâng hạng bệnh viện từ hạng III lên bệnh viện hạng II, đây là một đột phá lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của bệnh viện.

3.2. Những thành tích đã đạt được:

- Năm 1974, được Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương lao động hạng III (Bệnh viện và Khoa ngoại - sản);

- Năm 1976 được tặng thưởng lẵng hoa của Bác Tôn do đạt Lá cờ đầu cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc;

- Từ năm 2007 đến năm 2009, được tặng nhiều bằng khen của Bộ Y tế và UBND tỉnh Quảng Ninh;

- Từ năm 2009 đến nay, liên tục được Bộ Y tế công nhận là đơn vị xuất sắc toàn diện;

- Năm 2010, được tặng cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Ninh “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua tỉnh Quảng Ninh”

- Năm 2011, được tặng cờ của UBND tỉnh Quảng Ninh “Đơn vị dẫn đầu phong trào Cơ quan văn hoa của Tỉnh”

- Năm 2012, được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen cho tập thể CBVC bệnh viện “Đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

- Chi bộ Bệnh viện liên tục là Chi bộ trong sạch vững mạnh liên tục 05 năm, Công đoàn vững mạnh xuất sắc và Đoàn TNCS HCM hoạt động sôi nổi, phong phú. Đời sống cán bộ, công chức được cải thiện về tinh thần cũng như vật chất, nội bộ đoàn kết nhất trí, phong trào thi đua thường xuyên, sôi nổi, xuất hiện nhiều đơn vị và cá nhân tiên tiến xuất sắc. Nhiều cá nhân được tặng danh hiệu, Thầy thuốc ưu tú, Bằng khen của Bộ y tế và các ngành, các cấp./.

---------------

            ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 45 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

            Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đòn sấm sét đánh vào sào huyệt của Mỹ - ngụy. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chiến lược đánh dấu bước ngoặt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

            I. TÌNH THẾ MỚI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC VÀ CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG TA

            1. Tình thế mới của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

            Từ năm 1960, sau khi phong trào Đồng khởi chính thức được phát động tại tỉnh Bến Tre, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công mạnh mẽ, liên tục hình thành một cao trào cách mạng đồng khởi vũ trang của quần chúng ở vùng nông thôn. Các đơn vị quân giải phóng ở các địa phương, một số đơn vị chủ lực của Khu và Miền được  tổ chức với quy mô trung đoàn, làm nồng cốt cho toàn dân đánh Mỹ - ngụy, giành thắng lợi vang dội trên các chiến trường. Điển hình là chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài... Ta tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực; phá hủy, thu giữ nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, đánh bại các chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của địch. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Cách mạng miền Nam giữ quyền chủ động, tạo thế trận mới, đẩy Mỹ và chính quyền ngụy vào thế bị động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

            Trước tình hình đó, Mỹ quyết định thay đổi chiến lược chiến tranh để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam: Chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Mỹ ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào tham chiến ở miền Nam, hy vọng sẽ nhanh chống đè bẹp đối phương, tiêu diệt cách mạng miền Nam. Mùa mưa 1965, quân Mỹ gấp rút triển khai chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược trọng yếu; triển khai lực lượng thiết lập hệ thống căn cứ quân sự và hậu cần; mở hàng loạt cuộc hành quân đánh vào vùng giải phóng, vùng tranh chấp, các căn cứ kháng chiến và lần đầu tiên, máy bay ném bom chiến lược B.52 được đưa ra sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

            Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và gắn bó chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam.

            Đối với hai nước láng giềng của Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh  “chiến tranh đặc biệt” ở Lào; sử dụng sức ép quân sự và ngoại giao hòng buộc chính phủ Vương quốc Campuchia từ bỏ thái độ trung lập.

            Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẩn của phe XHCN và sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế để cô lập Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Ở trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp nhằm bưng bít tin tức, che giấu các hoạt động chiến tranh của Mỹ trên chiến trường.

            Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp hai miền Nam, Bắc; trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và thế giới có liên quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa II (12/1965) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”; xác định phương châm chiến lược chung: “Trên cơ sở đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, cần tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”.

            Lúc này, trên chiến trường, hơn 20 vạn quân Mỹ và đồng minh (trong đó có 184.134 quân Mỹ) đã triển khai xong ở các địa bàn chiến lược cùng quân ngụy Sài Gòn hợp thành đội quân 72 vạn tên. Với lực lượng đông đảo ấy, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, mùa khô 1965 - 1966, với chiến dịch “5 mũi tên”, nhưng bị thất bại thảm hại.

            Mùa không năm 1966 - 1967, Mỹ tung vào cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 một lực lượng quân sự lớn với 40 vạn quân Mỹ, liên tiếp mở 3 cuộc hành quân lớn cấp quân đoàn là Áttenboro, Xiđaphôn, Gianxơn Xiti nhằm vào căn cứ Dương Minh Châu hòng chụp bắt cơ quan đầu não Trung ương Cục, tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng miền Nam...

            Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966 và 1966 - 1967) của Mỹ - ngụy. Hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” bị bẻ gẫy. Mục tiêu mà Mỹ đề ra không thực hiện được, ngược lại, địch bị tổn thất nặng nề cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh. 1.800 máy bay, 1.786 xe tăng, 100 tàu xuồng bị phá hỏng, bắn cháy, bắn chìm. Chúng ta vẫn giữ vững vùng giải phóng và giành thêm 390 ấp. Đánh bại cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy. Cách mạng miền Nam đã tạo ra thế chiến lược mới. Quyền chủ động chiến lược chiến trường miền Nam đã chuyển vào tay nhân dân ta.

            Ở các đô thị, phong trào đấu tranh chính trị dâng cao, tập trung vào mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ; đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam; đòi Thiệu - Kỳ từ chức; đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình...

            Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, Hải quân Mỹ bị quân và dân ta trừng trị đích đáng: 1067 máy bay các loại bị bắn rơi, 69 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy trong năm 1967. Đời sống nhân dân không bị xáo trộn lớn. Sản xuất và mọi mặt sinh hoạt vẫn được giữ vững. Giao thông không bị ngừng trệ. Miền Bắc vẫn giữ vững ý chí quyết tâm đánh Mỹ và tăng sức chi viện cho miền Nam.

            Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cùng với khí thế  phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi thế cho ta.

2. Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Tháng 5 và tháng 6/1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, đưa ra chủ trương: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.

Tháng 10/1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.

Tháng 01/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

II. TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968

1. Chuẩn bị và nghi binh “lừa” địch

Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch mùa khô 1966 - 1967, Giôn-xơn liều lĩnh quyết định đưa thêm 10 vạn quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1968,  số quân chiến đấu của Mỹ ở Miền Nam đã vượt quá nửa triệu tên chưa kể sự yểm trợ của trên 20 vạn quân Mỹ có mặt ở Thái Lan, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Guam, Hạm đội 7, cùng với gần 60 vạn quân Ngụy Sài Gòn, gần 7 vạn quân đồng minh của Mỹ.

Về phía ta, để thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các chiến trường ở miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, đảm bảo hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam.

Cùng với quá trình chuẩn bị, ta mở đợt hoạt động tác chiến Thu Đông 1967 đánh bồi vào quân Mỹ và đồng minh, phá sự chuẩn bị mùa khô của địch, đẩy chúng vào thế bị động hơn, buộc địch phải phân tác lực lượng, trực tiếp tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định.

Trong đợt này, ở vùng ven đô thị và nông thôn đồng bằng, lực lượng ta được lệnh duy trì hoạt động như thường lệ để không gây sự chú ý đề phòng của địch. Ở vòng ngoài, ta mở các chiến dịch quy mô tương đối lớn tại các khu vực rừng núi nhằm phân tán chủ lực địch.

Trước sức tiến công và công tác nghi binh, lừa địch của ta, tất cả các lực lượng chủ lực của địch từ chuẩn bị phản công để giành quyền chủ động chiến trường phải quay về phòng ngự bị động chống đỡ. Lực lượng của chúng bị căng ra, kế hoạch quân sự và thế bố trí lực lượng trên chiến trường bị đảo lộn, vỡ từng mảng. Điều này càng tạo ra sơ hở trong thế phòng ngự, bị động của chúng để ta triệt để khoét sâu.

Để tiếp tục nghi binh, căng kéo lực lượng của địch, đẩy chúng tiếp tục bị động về chiến lược, ta và bạn Lào mở chiến dịch Nậm Bạc ở Thượng Lào, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước Tết Mậu Thân 10 ngày đã dội về nước Mỹ như một tiếng sét kinh hoàng. Khe Sanh đã khiến nước Mỹ lo lắng về một “Điện Biên Phủ mới”. Giôn-xơn lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá, 40% các tiểu đoàn chiến đấu Mỹ ở miền Nam được dồn vào khu vực Trị - Thiên.

2. Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Các hoạt động nghi binh, đặc biệt chiến dịch Khe Sanh đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam và giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn bị lạc hướng. Trong khi họ dồn toàn trí và lực lượng ra hướng Đường 9 - Khe Sanh và nhận định Khe Sanh là chiến trường chính, thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ diễn ra ở một loạt đô thi trên toàn miền Nam.

Trước Tết, miền Bắc công bố lịch mới, Tết Nguyên đán Mậu Thân sớm một ngày so với lịch cũ. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị lui cuộc Tổng tiến công lại một ngày để thống nhất hành động giờ G trên toàn chiến trường. Tuy nhiên, ở khu V và Tây Nguyên, lực lượng của ta đã ém sẵn không rút ra hoặc giấu quân tại chỗ an toàn được, nên đã đề nghị cho nổ súng vào đêm 28 rạng ngày 29/1/1968 (tức đêm 29 tháng Chạp năm Đinh Mùi), trước Tết giao thừa theo (lịch miền Nam) một ngày. Tỉnh nổ súng sớm nhất là Khánh Hòa. Lúc 23 giờ ngày 28/1/1968, pháo binh ta bắn phá Trung tâm Huấn luyện hải quân ngụy ở Nha Trang.

Đúng 0 giờ ngày 29/01/1968 (giao thừa theo lịch miền Bắc) ta tiến công địch trong thị xã Tuy Hòa (Phú Yên).

Từ 0 giờ 30 phút đến 01 giờ 15 phút ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (Kon Tum), thị xã Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), thị xã Plây Cu (Gia Lai), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An (tỉnh Quảng Đà, Quảng Tín), thành phố Qui Nhơn (Bình Định)… Như vậy, cả dải đất miền Trung nổ súng tiến công.

            Hôm sau, đêm 29 rạng ngày 30/01/1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, ngày mùng một tết theo lịch miền Bắc), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tiếp tục diễn ra ở khắp các tỉnh và thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn - Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quãng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức…

            Ngày 31/01 và 01/02/1968, quân và dân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn, Huế, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Kiến Tường, Long Khánh và nhiều nơi khác.

            Trong khí thế sôi sục Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam thành phố Huế, Sài Gòn - Gia Định ra đời. Ủy ban lãnh đạo toàn quốc của Liên minh đã ra lời kêu gọi “quốc dân đồng bào” , “không chịu tủi nhục và mất nước”, “không thể tiếp tục cảnh tôi đòi”, “hãy đứng lên giành chính quyền, giành độc lập, hòa bình, tự do và cuộc sống trong sạch, ấm no”.

            Lời kêu gọi của Liên minh đã thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân cả thành thị và nông thôn nổi dậy, sát cánh cùng với quân giải phóng, lực lượng cách mạng thừa thắng xốc tới tiến công vào hang ổ địch trên khắp miền Nam Việt Nam.

            Để bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, Mỹ - Ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại lực lượng tham gia. Đặc biệt vào đầu năm 1968, khi phát hiện ta chuyển quân về các vùng trung tâm dân cư, Mỹ đã hủy bỏ các cuộc hành quân dự kiến co về vùng vành đai đai Sài Gòn, hình thành ba tuyến phòng thủ. Lực lượng chủ lực của chúng trực tiếp phòng thủ Sài Gòn - Gia Định gồm: 4 sư đoàn, 2 lữ đoàn,1 trung đoàn quân Mỹ, 1 lữ đoàn quân Thái Lan, 1 trung đoàn quân Ôxtrâylia, 3 sư đoàn quân ngụy cùng nhiều liên đoàn biệt động, giang thuyền, chưa kể lực lượng an ninh, cảnh sát, bảo an dân vệ.

            Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, Bộ Tư lệnh hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát Thanh, tòa Đại sứ Mỹ. Trận đánh tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

            Đồng thời với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An…cũng bị tiến công.

            Ở mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Tri Bưu, Thành cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, Cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi.

            Tại Huế, thành phố lớn thứ 3 miền Nam, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ… Địch sau đó phản kích ta dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25/2, quân ta rút hỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm.

            Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

            Tiếp theo đợt một, chúng ta còn mở đợt tiến công mùa hè (5/1968) và mùa thu (8/1968). Hai đợt tiến công này bồi tiếp đòn nặng vào ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ, gây cho chúng tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

            Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

            3. Ý nghĩa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

            Trên chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc (1954-1975), dân tộc Việt Nam đã buộc phải đương đầu với đế quốc Mỹ - một cường quốc hàng đầu của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một “đôminô” trong tính toán chiến lược của Mỹ. Trong suốt quá trình đó, Mỹ đã thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, thay đổi nhiều chiến lược chiến tranh, bỏ ra nhiều tiền của và công sức hòng khuất phục đối phương. Tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ, là cả một quá trình đầy sáng tạo, rất mưu lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với hiệu quả chiến lược của nó, là một thành công lớn trong quá trình này.

a. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bằng cuộc tiến công đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Và quá trình đó là không thể đảo ngược cho dù phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ xuân 1968.

Sau một tháng, tướng Oétmolen, Tổng chủ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara từ chức. Sau 2 tháng, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố ba điểm: đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; đồng ý đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nữa... Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầu đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ những năm 60. Đến tháng 5/1968, Mỹ phải bắt đầu đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải xuống thang chiến, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dù chưa đạt được yêu cầu của khả năng thứ nhất theo dự kiến ban đầu và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được. Cục diện đó cho phép chúng ta tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969; “ độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

b. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta tiêu diệt, tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền, đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh.

Lần đầu tiên, trên chiến trường miền Nam, ta tiến công hàng loạt thành thị lớn nhỏ, kể cả thành phố Sài Gòn, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não và chính trị, quân sự của Mỹ - ngụy, vào hậu phương trọng yếu của chúng, phá tan kế hoạch bình định của địch, giải phóng thêm nhiều vùng nông thôn với hàng triệu dân, phá hơn một nửa số “ấp chiến lược” của địch,... mở rộng và củng cố hậu phương của ta, tăng thêm nguồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Quân giải phóng miền Nam mở cuộc tổng tiến công rộng lớn, đồng loạt, gây cho Mỹ tổn thất nặng, trong khi chỉ sử dụng một bộ phận lực lượng không nhiều; ghìm chặt đội quân đông hơn 1 triệu 20 vạn tên vào mặt trận đô thị; tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá hủy, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá rã chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị trên quy mô toàn miền; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng ở miền Nam.

Trên miền Bắc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện, tiếp tục đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, bảo đảm giao thông thông suốt trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt, tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh.

Trên thế mạnh của tiến công quân sự và tiến công chính trị trên chiến trường, chúng ta đã đẩy mạnh tiến công ngoại giao, buộc địch phải đàm phán với ta ở Pari, làm cho địch càng bị động, cô lập và mâu thuẫn trong nội bộ, mâu thuẫn giữa Mỹ - ngụy ngày càng gay gắt.

Thắng lợi to lớn và quan trọng nhất là chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh, thể hiện tập trung ở những mặt sau đây:

Về mặt thêm chiến lược: Thế chiến lược của địch đã bị đảo lộn và càng lún sâu vào phòng ngự bị động. Kế hoạch chiến lược “tìm diệt và bình định” năm 1968 chưa kịp triển khai đã phải vứt bỏ; địch đã phải bị động chuyển một cách đột ngột sang chiến lược “quét và giữ”. Chiến lược này ngay khi mới đưa ra đã bị đánh bại bước đầu, thế chiến lược của ta càng vững mạnh. Ta đã đưa chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng lên một bước mới tạo ra thế tiến công, bao vây địch trên tất cả các chiến trường, nhất là trên mặt trận thành thị.

Về mặt lực lượng: So sánh lực lượng địch ta đã biến đổi một bước quan trọng có lợi cho ta.

Lực lượng quân sự Mỹ - ngụy kể cả sinh lực và phương tiện chiến tranh đã bị tổn thất nặng nề, tinh thần chiến đấu của địch càng sa sút. Đặc biệt, hiệu lực chiến lược của quân Mỹ và ngụy trong thế chiến lược phòng ngự bị động càng giảm sút rõ rệt. Những mâu thuẫn, khó khăn và bế tắc của chúng về số quân, về chất lượng, về cách đánh ngày càng gay gắt và trầm trọng.

Về mặt chính trị: Điều quan trọng nhất là giới cầm quyền Mỹ đã mất tin tưởng ở chiến lược quân sự của chúng. Trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ, giữa Mỹ và ngụy, trong nội bộ bọn tay sai Mỹ ở Miền Nam, mâu thuẫn trở nên gay gắt, hàng ngũ của chúng phân hóa sâu sắc và rối loạn hơn bao giờ hết. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam càng lên cao. Ngày 31/3/1968, Giôn-xơn đã phải thú nhận thất bại, thực hiện ném bơm hạn chế miền Bắc và rút lui việc ra ứng cử tổng thống, đồng thời chúng phải cách chức Oétmolen.

c. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu hiện sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, biểu hiện sự độc lập tính sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.

Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn này, giai đoạn đánh thắng nỗ lực cao nhất của chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ, nổi lên những điểm sau:

Một là, đã dự kiến sớm và đúng xu hướng phát triển của chiến tranh nên có sự chủ động chuẩn bị đối phó. Khi địch đang đưa chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đến mức cao ở miền Nam, trước sự thay đổi chiến lược và bước leo thang chiến tranh mới, Mỹ đưa hàng chục vạn quân ồ ạt vào miền Nam, dùng hàng ngàn máy bay, hàng chục tàu chiến lớn đánh phá miền Bắc, ta đều chuẩn bị chủ động đối phó và đánh thắng từng bước chiến lược mới của Mỹ.

Hai là, đã đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch. Khi Mỹ đưa mấy chục vạn quân ồ ạt vào miền Nam; kiên định quyết tâm đánh Mỹ, giữ vững và thực hành chiến lược tiến công và kịp thời xác định quyết tâm trực tiếp đánh quân chiến đấu Mỹ với chủ trương chiến lược kết hợp phản công với tiến công. Đã chỉ đạo đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu, chiến dịch đầu, thời kỳ đầu. Đặc biệt, ta đã động viên xây dựng được quyết tâm và khí thế đánh Mỹ trên cả nước cao chưa từng thấy, củng cố được niềm tin và tạo được đà thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch cũng như đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ trên miền Bắc.

Ba là, đã chọn đúng hướng tiến công rất hiểm là thành thị, sáng tạo cách đánh mới trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rất bất ngờ và đầy hiệu lực làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng; làm rung chuyển cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới; làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, mở đầu quá trình xuống thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

 

Đã tròn 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổ dậy Xuân Mậu Thân 1968, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi, Tổ quốc đã thống nhất nhưng ý nghĩa của Tổng tiến công và nổ dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên tính thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là khát vọng về một nền độc lập tự do cho Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước hôm nay và mai sau. Đó là niềm tin tưởng tuyệt đối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh to lớn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 45 cuộc Tổng tiến công và nổ dậy Xuân Mậu Thân 1968 là dịp để chúng ta ôn lại trang sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất truyền thống tốt đẹp và những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu CNXH, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành vững mạnh, xây dựng lượng vũ trang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cánh mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của cách mạng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Loading...