Thực hiện hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"

21/01/2019 08:24
Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được các cấp ủy, chính quyền của Quảng Ninh quán triệt và thực hiện một cách hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, là lợi ích thiết thực của nhân dân, là cái thúc đẩy nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh chủ trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước và nhấn mạnh “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ấy là “xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Đó cũng chính là thực hành dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện... Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Ban Thanh tra nhân dân phường Quảng Yên thực hiện giám sát xây dựng nhà ở cho người có công tại khu 8, phường Quảng Yên (TX Quảng Yên)

Học, làm theo tư tưởng của Bác và thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở bằng những chương trình, hành động cụ thể. Qua đó, đã không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được các cấp ủy, chính quyền quán triệt và thực hiện một cách hiệu quả. Các địa phương đã công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, nội dung tập trung vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án, quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, khu kiểu mẫu, các chính sách hỗ trợ, vay vốn phát triển sản xuất, quyết toán ngân sách, quy định về thủ tục hành chính...

Việc công khai, minh bạch để dân biết được thực hiện với các hình thức phong phú như: Thông qua hệ thống truyền thanh, họp tổ dân, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố… Các cấp ủy, chính quyền cũng tạo điều kiện để nhân dân được tham gia bàn bạc, quyết định mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy đã huy động được sự tham gia tích cực từ phía người dân. Nhận thức của người dân về giảm nghèo có chuyển biến tích cực, phong trào tự nguyện thoát nghèo có sức lan tỏa sâu rộng. Nhiều hộ dân đã chủ động đăng ký thoát nghèo. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ nghèo đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo như huyện Ba Chẽ có hơn 100 hộ, huyện Đầm Hà có gần 200 hộ...

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho nhân dân giám sát trực tiếp thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Các ban này đã tập trung vào các nội dung như các công trình do dân tự đóng góp, giám sát đánh giá hộ nghèo, cận nghèo; bảo vệ môi trường; quản lý xây dựng... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 186 ban thanh tra nhân dân và các ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập đảm bảo theo đúng quy định. Trong năm qua, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng các xã, phường, thị trấn đã tổ chức các cuộc thanh tra, giám sát và phát hiện ra một số sai phạm, kịp thời kiến nghị với chính quyền giải quyết. Thông qua đó giúp các cơ quan nhà nước, chính quyền thực hiện tốt hơn công tác quản lý.

Điển hình là tại TP Móng Cái, các ban thanh tra nhân dân đã giám sát 31 cuộc, sau giám sát kiến nghị 9 nội dung; các ban giám sát đầu tư cộng đồng đã thực hiện giám sát 37 cuộc, sau giám sát đã kiến nghị 32 nội dung. Tại TX Đông Triều, các ban thanh tra nhân dân đã giám sát 22 cuộc, sau giám sát kiến nghị giải quyết 17 vụ việc; ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 87 cuộc, sau giám sát kiến nghị giải quyết 2 vụ việc. Tại huyện Đầm Hà, Ban Thanh tra nhân dân đã thanh tra 46 cuộc, sau thanh tra kiến nghị xử lý 7 vụ; Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát 169 cuộc, sau giám sát, kiến nghị, xử lý 7 vụ việc...

Đặc biệt, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân đã được các địa phương quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng. Tại các xã, phường, thị trấn đều bố trí riêng phòng tiếp dân ở những nơi thuận tiện, niêm yết công khai quy định tiếp công dân và thực hiện nghiêm túc quy định chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân vào thứ 5 hàng tuần. Do vậy các vấn đề nhân dân quan tâm mà thuộc thẩm quyền đều được xem xét giải quyết ngay tại cơ sở. Theo thống kê của Ban Tiếp công dân tỉnh cho thấy, tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại mới phát sinh năm 2018 trong toàn tỉnh là 82,27% (130/158 vụ việc). Tỷ lệ giải quyết các vụ việc tố cáo cũng đạt trên 90%. Trong đó, nhiều kiến nghị, vụ việc kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, tạo được sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp.

Việc tổ chức giao ban giữa cấp ủy, chính quyền với bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu, trưởng ban công tác mặt trận được duy trì thường xuyên theo định kỳ. Tại hội nghị, các ý kiến phản ánh, kiến nghị các vấn đề nhân dân quan tâm được phản ánh thông qua đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận được cấp ủy, chính quyền giải đáp trực tiếp. Đặc biệt, trong năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đối thoại với gần 450 người đại diện đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố, các ý kiến hỏi đáp trực tiếp tại hội nghị đã được lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo tỉnh giải đáp trực tiếp, đồng thời các câu hỏi gửi đến hội nghị được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo lãnh đạo các địa phương trả lời cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận.

baoquangninh.com.vn
Loading...