Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở - cách làm hay của Phường Ka Long

10/06/2015 13:45
Sau 17 năm thực hiện chỉ thị Bộ chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Thành phố Móng Cái đã đạt được nhiều kết quả vững chắc, trong đó, việc tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ trực tiếp, gián tiếp, quyền “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra” đã được phát huy tốt. Trong số 17 xã phường trên địa bàn Thành phố Móng Cái, Phường Ka Long là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở.

Một góc phố phường Ka Long

Đồng chí Phan Thế Hòa- Phó Bí thư Đảng ủy Phường Ka Long cho biết:  Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau khi tiếp thu Chỉ thị 30/CT-TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn của Thành ủy, đặc biệt là pháp lệnh 34 của ủy ban thường vụ Quốc hội; hàng năm Đảng ủy đã  xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC ở địa phương, nội dung triển khai thực hiện sát với tình hình thực tiễn của phường.

Trong đó, với những nội dung liên quan cần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” quy định tại các điều (5,10,13 và 19) của Pháp lệnh 34/2007/PL- UBTVQH11, tại Phường Ka Long, bằng nhiều hình thức công khai, thông qua các kỳ họp HĐND, UBND, thông qua hệ thống loa truyền thanh ở các khu phố, niêm yết tại trụ sở UBND phường, nhà văn hóa khu, họp dân, qua tiếp xúc cử tri, qua các tổ chức đoàn thể, Phường đã thông báo trực tiếp để nhân dân biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện; đơn cử như: phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án đô thị Ngọc Hà, Asean, Quảng Thái, Đông đường Tuệ Tĩnh; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn; các phương thức, kết quả bình xét gia đình văn hóa, trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế; mức thu các loại phí, lệ phí và các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính... Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung mà hình thức công khai có thể thông qua một hay nhiều hình thức để chuyển tải đến nhân dân được biết. Người dân thực hiện bàn, biểu quyết thông qua các cuộc họp cử tri hoặc đại diện hộ gia đình, từ đó, người dân thực sự là chủ thể vào cuộc trong thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, phát triển địa phương

   Đến nay phường Ka Long đã  có 7/7 khu đã xây dựng được quy ước. Thông qua việc thực hiện quy ước, nhân dân đã phát huy được quyền làm chủ và có trách nhiệm hơn trong việc tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp liên quan đến chính sách an sinh xã hội và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Riêng việc xây dựng nhà văn hóa và chỉnh trang đô thị, nhân dân đã tham gia bàn trực tiếp và quyết định, tự nguyện đóng góp được trên 5,2 tỷ đồng. Các khoản kinh phí nhân dân đóng góp đều được công khai để nhân dân biết và giám sát.

Được  biết, Phường Ka Long hiện có 01 ban thanh tra nhân dân và 01 ban giám sát đầu tư cộng đồng duy trì hoạt động theo chức năng nhiệm vụ. Ngoài ra hoạt động giám sát được thông qua đại biểu HĐND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân thông qua các kỳ họp giao ban định kỳ của HĐND, UBND; duy trì có hiệu quả việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp theo luật định, tiếp thu được nhiều ý kiến kiến nghị về các chính sách an sinh xã hội, về công tác quản lý môi trường đô thị… và được các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời. Qua đó đã củng cố niềm tin của nhân dân phát huy quyền và nghĩa vụ công dân trong việc phát hiện những việc làm chưa hiệu quả phản ánh kịp thời để cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, hạn chế tình trạng khiếu kiện xảy ra.

Cũng trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hằng năm HĐND phường đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch và phó chủ tịch HĐND - UBND và các chức danh khác theo quy định. Thông qua hình thức lấy phiếu nhận xét đối với các chức danh do HĐND bầu đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời về tư tưởng, phẩm chất, chính trị, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ công chức, giúp cho cán bộ công chức, viên chức thấy được những hạn chế, tồn tại để sửa chữa khắc phục, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ và tinh thần phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

17 năm qua, trong quá trình thực hiện Chỉ thị  30- CT/ TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở , mỗi địa phương, mỗi đơn vị có nhiều cách làm khác nhau nhưng tựu chung ở  một mục tiêu : xây dựng, củng cố vững chắc tinh thần dân chủ cơ sở, tạo nền tảng cho hệ thống chính trị vững mạnh, KT-XH phát triển ngay từ cửa ngõ trung tâm đô thị Móng Cái… Và cách làm của Ka Long chính là một điển hình cần nhân rộng.

Thu Hằng
Đài TT- TH
Loading...