Huy động sức mạnh tổng lực tham gia xây dựng nông thôn mới

"Tiếp tục linh hoạt, sáng tạo trong cách làm để huy động sự vào cuộc đồng bộ"

01/08/2016 14:37
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Với những cách làm hay, sáng tạo, đến nay Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc trong thực hiện chương trình này.

 

(Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, kiểm tra tình hình sản xuất tại vùng sản xuất tập trung tại thôn An Trại (xã Việt Dân, TX Đông Triều).Ảnh: Việt Hoa

- Xin đồng chí cho biết phong trào xây dựng NTM của tỉnh đã thành công trong huy động được sức mạnh tổng lực như thế nào?

+ Trước tiên, chúng ta phải khẳng định việc xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Để thực hiện NTM đạt hiệu quả, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của Đảng bộ và chính quyền địa phương, một động lực quan trọng không thể thiếu là phải phát huy được nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân.

Đặc thù nông thôn Quảng Ninh có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó có tới 96 xã miền núi, vẫn còn 22 xã đặc biệt khó khăn. Khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM đạt thấp. Có tới 58 xã đạt dưới 50% Bộ tiêu chí; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã ban hành nghị quyết riêng về chương trình xây dựng NTM ở ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 (Nghị quyết số 01-NQ/TU). Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, ngay từ khi bắt đầu, tỉnh đã xác định làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia. Bởi “dân là gốc”, một khi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, có sự nhất trí cao, cùng tham gia mới có thể hoàn thành tốt. Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp thiết thực và sáng tạo, tỉnh đã thành công trong việc huy động sức mạnh tổng lực trong xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã huy động 55.479,239 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, riêng nguồn vốn xã hội hoá từ sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp đã đạt 12.846.722 tỷ đồng. Điều này đã khẳng định rõ vai trò chủ thể thực hiện và hưởng lợi của người dân trong xây dựng NTM. Qua các nguồn vốn đầu tư, diện mạo nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu từng bước được đầu tư đồng bộ theo lộ trình, sản xuất nông nghiệp nông thôn được chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao.

- Bên cạnh những kết quả đã được Chính phủ đánh giá cao, phong trào xây dựng NTM của tỉnh còn những tồn tại gì cần nhanh chóng khắc phục?

+ Đúng vậy, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, theo tôi phải tập trung khắc phục trong giai đoạn tới. Ví dụ như, hiện nay, tỉnh còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt (11/20 chỉ tiêu) theo Nghị quyết 01-NQ/TU, tập trung vào các chỉ tiêu cần vốn đầu tư: Trường học, môi trường, nghĩa trang, xử lý nước thải, rác thải, trung tâm văn hoá - thể thao xã; hình thức tổ chức sản xuất và đưa xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi chương trình 135. Bên cạnh đó, việc xây dựng NTM ở một số khu vực, người dân còn ỷ lại, cán bộ còn lúng túng, chưa tâm huyết, xây dựng NTM còn mang tính hình thức, phong trào. Công tác lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch vùng sản xuất tập trung triển khai chậm. Chương trình OCOP khẳng định là có hiệu quả, song nhận thức của đội ngũ cán bộ cơ sở còn mức độ, về bố trí tổ chức bộ máy cũng như bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, do vậy sản phẩm mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ, chưa tạo sản phẩm hàng hoá. Đời sống của người dân có tăng song chậm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền Đông còn cao, nhất là các xã, thôn đặc biệt khó khăn, chênh lệch giàu nghèo còn lớn...

Bên cạnh đó, tư tưởng của một số lãnh đạo các địa phương còn nóng vội, muốn đạt thành tích sớm nên đề ra các chỉ tiêu khá cao, chưa nhận thức rõ phát triển nông thôn, chủ thể phải là người dân và là một quá trình phải thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài theo hướng bền vững.

Người dân thôn Là Phen, xã Yên Than, huyện Tiên Yên hiến đất mở rộng đường, tham gia làm đường bê tông vào thôn. Ảnh: Đỗ Phương
Người dân thôn Là Phen, xã Yên Than, huyện Tiên Yên hiến đất mở rộng đường, tham gia làm đường bê tông vào thôn. Ảnh: Đỗ Phương

- Vậy tỉnh sẽ có những giải pháp gì để huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị cũng như người dân vào chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM Quảng Ninh văn minh, hiện đại và phát triển bền vững?

+ Xây dựng NTM trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một chương trình lớn của tỉnh. Trong thời gian tới nhiều chương trình sẽ được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng NTM Quảng Ninh văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Từ những tiền đề cơ bản trên có thể thấy rằng trong tiến trình xây dựng NTM, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện thành công chương trình này. Mục tiêu là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, dịch vụ, xây dựng khu vực nông thôn có môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững và đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 có 6 đơn vị cấp huyện đạt/hoàn thành chương trình xây dựng NTM là: Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Cô Tô và ít nhất 66 xã đạt chuẩn NTM (đã hoàn thành 17 xã), vượt 10% số xã theo mục tiêu của Chính phủ.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã xác định rõ xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, bền bỉ, không thể nóng vội, lấy nhóm tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan toả cho các tiêu chí còn lại. Vì thế nguồn lực đầu tư là quan trọng, cơ chế chính sách là cần thiết, người dân và đội ngũ cán bộ lãnh đạo là quyết định. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, quản lý khai thác hạ tầng nông thôn: Chợ, trung tâm văn hoá - thể thao, công trình xử lý môi trường, nước sinh hoạt, các cụm công nghiệp. Duy trì chính sách phát triển sản xuất hàng hoá tập trung giai đoạn 2017-2020 và bổ sung mức hỗ trợ 100% cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sản phẩm OCOP, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ...

Khi cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân cùng đồng thuận, nỗ lực thực hiện các tiêu chí, mục tiêu trong việc xây dựng NTM, cùng với những tiền đề cơ bản của quá trình xây dựng và phát triển NTM trong thời gian qua thì chúng ta tin chắc rằng Quảng Ninh sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

baoquangninh.com.vn
Loading...