Tọa đàm khoa học “Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo”

30/11/2022 09:30
Chiều 30/11, tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo”. Đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm còn có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học kinh tế đầu ngành trong cả nước và đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh.

Tọa đàm khoa học “Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo”

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành trực tiếp tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho quốc gia; và cũng là ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, mật thiết nhất với hai khu vực kinh tế còn lại là nông nghiệp và dịch vụ.

Để tạo những bước phát triển đột phá cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 15, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã lựa chọn phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo làm mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh coi đây là chủ trương, quyết sách đúng đắn để tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với sự phát triển trong nước và thế giới. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh. 

Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” đó là: Khu công nghiệp- Khu đô thị- Khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Cùng với những lợi thế sẵn có là hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, đặc biệt cửa khẩu song phương với Trung Quốc... đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển.

Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm.

Đồng chí đề nghị các đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận đối với các nhóm vấn đề về vai trò của công nghiệp chế biến chế tạo đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, và những vấn đề đặt ra. Trên cơ sở quan điểm, định hướng của Quảng Ninh và trên cơ sở phân tích điểm mạnh, yếu, những cơ hội, thách thức đối với phát triển công nghiệp chế biến chế tạo tại Quảng Ninh thời gian tới, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển hiệu quả ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, phân tích về thực trạng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2011-2020. Các đột phá trong quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ủy.

Theo đó, với các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, bài bản, trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 05 lượt dự án công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 33.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt 1,1 tỷ USD. Với các dự án đầu tư mới được đưa vào hoạt động, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ. Năm 2021, lĩnh vực này đã đạt mức tăng trưởng cả năm 32,19%, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong toàn nền kinh tế. Đóng góp 3,36 điểm % vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Năm 2022, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 15,5%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã tạo việc làm mới cho gần 1 vạn lao động. Nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người.

Đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái tham luận tại buổi tọa đàm

Các ý kiến tham luận tại tọa đàm cũng khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn tạo nền tảng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Giảm sự phụ thuộc đối với các ngành khai thác tài nguyên. Góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của ngành công nghiệp.

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại Quảng Ninh, các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm cũng đã tập trung phân tích, chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục cũng như những cơ hội phát triển cần khai thác trong thời gian tới như: thực trạng phân bố không gian, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; thực trạng phát triển các công nghệ cao có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, với lợi thế cạnh tranh của địa phương, có tác động lan tỏa. Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo….

 Đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp tham luận tại buổi tọa đàm

Tham luận với nội dung “Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại TP Móng Cái”, đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển, TP Móng Cái xác định vai trò phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là hướng đi để tạo ra sự cân bằng giữa phát triển thương mại cùng với công nghiệp, tạo trụ cột vững hơn. Đồng thời, cũng xác định Móng Cái trong lộ trình lên đô thị loại I, vấn đề phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tạo ra 4 nhóm đột phá để giúp TP Móng Cái hoàn thiện chỉ tiêu, tiêu chí đô thị loại I, đó là: giải quyết lao động; giải quyết giảm nghèo bền vững giữa các khu vực trung tâm với các khu vực biên giới, hải đảo; tập trung nguồn thu ngân sách nhà nước; hoàn thiện các cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị.

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi tọa đàm

Để nâng cao hiệu quả và phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại TP Móng Cái, đồng chí Bí thư Thành ủy Móng Cái cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư - kêu gọi thu hút đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp Hải Yên đảm bảo tỷ lệ lấp đầy, kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật gắn với chủ trương tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số theo phương châm “nhập cư lao động, hợp tác chuyên gia, đào tạo tại chỗ”, muốn làm được điều đó phải dành quỹ đất sạch (20% đất ở xã hội) kêu gọi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhằm phát triển nhanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tập trung mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số tích hợp hệ thống, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quốc tế, giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý; nâng cao chất lượng sản phẩm; chất lượng hiệu quả công tác tổng hợp thông tin, phân tích, dự báo tình hình và có giải pháp tầm chiến lược lâu dài và giải pháp trước mắt, tập trung tháo gỡ khó khăn, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu; ứng dụng khoa học công nghệ; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế đối với Hiệp hội doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng nhóm có chế chính sách đặc thù đột phá cho thành phố Móng Cái; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm huy động tổng thể nguồn lực cho thành phố Móng Cái phát triển nhanh, bền vững; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Phó Giáo sư, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tổng kết tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khắng định, những ý kiến trao đổi, tham luận tại tọa đàm đã đưa ra những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng để góp phần định hưỡng sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh cũng như trong phạm vi cả nước thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là sự quyết liệt, hiệu quả trong quá trình triển khai Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” của Quảng Ninh là kinh nghiệm, bài học thực tiễn quan trọng để đúc kết, tổng hợp thành những cơ sở lý luận phục vụ cho định hướng phát triển giai đoạn tới.

Vi Thu - Trần Bình
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...