Tóm tắt giá trị lịch sử văn hóa các di tích cấp Quốc gia (Tài liệu phục vụ cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ thành phố Móng Cái)

08/05/2013 18:43

1. Di tích cấp Quốc gia:

 

1.1. Đình Trà Cổ:

- Đình Trà Cổ được xây dựng dưới thời Hậu Lê (năm 1462) trên vùng đất phía Nam phường Trà Cổ - thành phố Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh. Đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đặc cách xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số: 15VH/QĐ ngày 13/03/1974. Nơi đây xưa kia người dân sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống của họ gắn liền với sóng, với gió. Đến nay, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu, ngày 31/08/2011 UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số: 2786/QĐ-UBND về việc: Phê duyệt dự án tu bổ và tôn tạo Đình Trà Cổ.

- Hàng năm Lễ hội Đình diễn ra từ 30/5 đến 01/6 âm lịch  (chính hội từ 01 - 03/6 ÂL). Đây chính là dịp dân làng bày tỏ sự thành kính nhớ về tổ tiên.

- Đình Trà Cổ có kiến trúc độc đáo: Đình kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 05 gian 02 chái bái đường và 03 gian hậu cung. Bái đường dài 28,55m, rộng 12m; hậu cung dài 9,9m, rộng 9,5m. Tổng diện tích của đình là 322m2. Toàn bộ kiến trúc của bái đường gồm 12 cây cột trái to chắc, sơn son thiếp vàng và 20 cây cột quân, các cột đều bằng gỗ lim kê trên đá tảng xanh.Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng. Đình có hai bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng: Ghi dòng chữ: Địa cửu Thiên trường (Đất vững, Trời dài) và : Nam Sơn tịnh thọ (Nước Nam bền vững).

- Đình Trà Cổ vẫn còn giữ nguyên giá trị về kiến trúc điêu khắc. Các mảng chạm khắc ở vì kèo, đầu dư, đầu bẩy, các ván mê và các con guột đa thể hiện được tài năng khéo léo của những người thợ mộc xây dựng ngôi đình này. Các họa tiết "Long mã phục trà đồ""Long cuốn thủy", "Tứ linh tứ quý", "Lưỡng long chầu nguyệt" các con ốc biển… được chạm trổ một cách tinh xảo, khéo léo. Hình dáng các con rồng, phượng, trời, mây, hoa, lá được tạo dáng uyển chuyển, bố cục cân xứng, thoáng, khỏe vừa chắc chắn, vừa mềm mại. Tất cả đều phản ánh rõ nét nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo của dân tộc Việt Nam trong kiến trúc đình làng.

- Đình Trà Cổ là một ngôi đình làng bề thế, có giá trị lớn về mặt lịch sử và kiến trúc. Nằm ở vị trí địa đầu của Tổ quốc, đình Trà Cổ hiện hữu như một cột mốc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Là một trung tsâm hành chính, là nơi diễn ra mọi công việc quan trọng, nơi hội họp, thu thuế… thứ đến, đình là một trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các hội hề, ăn uống, nơi biểu diễn chèo tuồng. Đình còn là một trung tâm về mặt tôn giáo; thế đất, hướng đình được xem là quyết định vận mệnh cả làng, đình cũng là nơi thờ thần, thành hoàng bảo hộ cho dân làng.

1.2. Chùa Xuân Lan:

- Chùa Xuân Lan (hay còn gọi là chùa Đá) được xây dựng từ cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn; toạ lạc trên một mô đất cao tại thôn Trung, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

- Chùa Xuân Lan được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số: 02/QĐ-BVHTT, ngày 26/11/1999.

- Lễ hội chùa Xuân Lan được tổ chức vào mùa xuân, bắt đầu bằng lễ dựng Nêu, ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) và kết thúc bằng lễ hạ Nêu ngày 28 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm.

- Chùa Xuân Lan quay theo hướng Nam, bố cục chữ đinh (J). Chùa được toạ lạc trên một mô đất cao, trước chùa là một hồ nước hình bán nguyệt và một dòng sông chảy từ sông Ka Long về, uốn khúc trước cửa chùa và chạy thẳng ra Mũi Ngọc. Đến nay chùa còn lưu giữ được một hệ thống tượng Phật có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa (trong đó có 05 pho tượng từ thời Hậu Lê). Ngoài hệ thống tượng Phật ra, chùa còn lưu giữ một số mảng chạm khắc gỗ (Tranh gỗ) với những đường nét tinh vi sắc sảo mang phong cách thời Lê. Hầu hết các công trình trong chùa được xây dựng bằng gạch xanh - một loại gạch hết sức đặc biệt: Gạch xanh được đóng bằng đất bãi ven sông, sau đó xếp vào lò và xếp củi đốt xung quanh, đến khi gạch chín, người làm gạch lại chất vào hầm hun khói tới khi gạch chuyển màu xanh thì xong. Viên gạch có kích thước dai 30cm, rộng 18cm, dày 6cm.

- Trải qua ba cuộc chiến tranh ngôi chùa vẫn là nơi hội tụ các tầng lớp nhân dân yêu nước và là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của địa phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chùa Xuân Lan là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và cũng là nơi trú quân của một tiểu đoàn Đệ tứ chiến khu Đông Triều, do đồng chí Nguyễn Khuyến chỉ huy. Năm 1946, dưới sự đàn áp khắc khe của thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào trong vùng, ngôi chùa vẫn là nơi hoạt động của các phật tử yêu nước. Họ đã kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân trong vùng. Cũng trong năm 1946, lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên nóc chùa chính do người bản xã là ông Nguyễn Văn Sáu, thôn Hồ Nam, xã Hải Xuân, huyện Hải Ninh thực hiện. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà chùa là nơi đưa tiễn hàng ngàn con em địa phương lên đường đánh Mỹ, bảo vệ Tổ quốc.

- Chùa Xuân Lan là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng và khách thập phương. Trải qua 3 thế kỷ, thời gian nào chùa cũng được nhân dân sùng kính và tu đạo.

1.3. Chùa Nam Thọ:

- Chùa Nam Thọ (hay còn gọi là Chùa Vạn Ninh Khánh) được xây dụng vào thế kỷ thứ XV-XVI; tọa lạc trên mảnh đất đầu làng thuộc thôn Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trải qua thời gian, chùa đã được trùng tu nhiều lần , lần trùng tu lớn vào năm Kỉ Tỵ (1929) nên đến nay dấu vết thời Lê không còn nhiều nữa mà chủ yếu là thời Nguyễn. Năm 2010 được trùng tu, tôn tạo lại toàn diện.

- Chùa Nam Thọ được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số: 51/2001/QĐ-BVHTT, ngày 27/12/2001.

- Lễ hội chùa Nam Thọ có hai ngày chính đó là ngày 8/4 ÂL lễ phật Thích Ca và ngày 17/11 ÂL lễ phật A Di Đà.

- Chùa Nam Thọ được xây theo kiểu chữ “Hồi”- đây là một kiểu bố cục ít thấy trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Các công trình xây dựng bao gồm: tam quan, chùa chính, gác chuông, gác trống, nhà tổ, nhà mẫu, nhà sắp lễ, nhà chay, nhà mặn, nhà bếp, cổng phụ. Hiện nay còn lưu giữ được 44 pho tượng cổ, quý; đặc biệt là các pho tượng thê kỷ 16, 17, 18 như tượng: Tam Thế, Thích Ca Sơ Nhi, Quan Âm tọa sơn, A Di Đà, Quan Âm 12 tay, Di Lặc, Thánh Tăng, Địa Tạng…

- Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu tổ quốc, chùa Nam Thọ cũng như các công trình kiến trúc nghệ thuật và văn hóa khác của thành phố Móng Cái là “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khắc ghi dấu ấn lịch sử và mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam tại vùng biên cương của Tổ quốc. Không chỉ là một di tích có lịch sử lâu đời, trong quá trình đấu tranh cách mạng, chùa Nam Thọ đã có những đóng góp rất lớn vào cuộc chiến tranh chung bảo vệ tổ quốc.

      + Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở nơi đây vẫn còn là một khu đảo vắng, cây cối um tùm, cư dân ít. Việc đi lại đều phải bằng đò, nên cây chay của chùa là địa điểm thuận lợi để quan sát địch và báo động cho các cơ sở cách mạng với mật hiệu chung là “Trâu ăn cỏ, bò ăn khoai”. Đây cũng là nơi tích trữ lương thực, nuôi giấu các cán bộ cơ sở, cất dấu tài liệu và là nơi hoạt động an toàn của cán bộ cách mạng.

      + Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa tiếp tục là nơi tập kết lương thực, tiễn đưa hàng ngàn con em lên đường vào Nam đánh Mỹ. Ngoài ra, nhà tổ còn là lớp học của học sinh sơ tán.

      + Trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc gần đây, thị trấn móng cái xưa và các vùng lân cận nằm trong sự hủy diệt hoàn toàn của chiến tranh. Mặc dù vậy, di tích chùa Nam Thọ cùng với  đình Trà Cổ vẫn “Sừng sững hiên ngang đứng giữa trời”. Điều này là một minh chứng hừng hồn cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh trường tồn của dân tộc ta.

               - Chùa Nam Thọ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng linh thiêng của người dân Móng Cái nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là nơi những cư dân Việt phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng thành kính và đức tin đối với đạo phật, hướng con người tới những luân lí tốt đẹp, hình thành nên những giá trị đạo đức mang tính nhân văn./.

Loading...