TỔNG QUAN BÁO CHÍ (Bản tin sáng: Ngày 11 tháng 10 năm 2016)

11/10/2016 07:55

XÃ HỘI:

Quảng Ninh giải thích về việc xây cổng chào lớn nhất nước (VietTimes 11/10; Nông nghiệp VN 10/10; VnExpress.net 11/10; TTXVN 10/10)

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến chính thức, giải thích về việc xây cổng chào lớn nhất nước ở tỉnh này. Theo đó, mục tiêu của tỉnh là tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, giúp quảng bá, phát triển tiềm năng du lịch và các đặc sản địa phương của tỉnh Quảng Ninh. 

Theo đó, đúng như khẩu hiệu lời chào “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, dự án cổng chào của tỉnh và khu dừng chân này sẽ có tầm vóc, quy mô, sức lan tỏa lớn, giới thiệu sản phẩm du lịch, hứa hẹn sẽ là những yếu tố góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ-công nghiệp vào năm 2020

Cổng chào và khu dừng nghỉ giới thiệu sản phẩm du lịch là công trình văn hóa mang ý nghĩa xã hội cao, thể hiện đầy đủ những đặc trưng, khác biệt của vùng đất và con người Quảng Ninh, là điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng đối với du khách khi đặt chân tới Quảng Ninh.

Đồng thời, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp quảng bá, phát triển tiềm năng du lịch và các đặc sản địa phương của tỉnh Quảng Ninh. 

Tại đây, du khách có thể dễ dàng có được các dịch vụ du lịch đến khu di tích Yên Tử, khu di tích nhà Trần ở Đông Triều…

Khu dừng nghỉ bao gồm trung tâm dịch vụ ăn uống, cây xăng, trạm bảo dưỡng xe, dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 3 năm 2017. Tại điểm dừng chân sẽ giới thiệu và bán các sản phẩm được sản xuất tại Quảng Ninh gồm nông sản, rau, củ, quả sạch... cho du khách; có cây xăng dầu phục vụ các phương tiện kết hợp trong lúc nghỉ của du khách. 

Được biết, Dự án đã được khởi công từ 28/2/2015, được xây dựng tại khu vực các thôn Tân Thành, Hoàng Xá, Bắc Mã 1, Bắc Mã 2 thuộc xã Bình Dương, huyện Đông Triều với quy mô trên 120 ha, do Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư với tổng số vốn 368 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức công - tư (PPP).

Trong đó, Công trình cổng chào nằm tại thôn Tân Thành (đoạn đầu cầu Vàng Chua, QL 18) với diện tích 9 ha, có vốn đầu tư 198 tỷ đồng bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao từ 38-43m, kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo; Khu vực định hướng phát triển dịch vụ, điểm dừng chân rộng trên 100ha, có vốn đầu tư 170 tỷ đồng với các hạng mục khu công viên, cây xanh cùng với các công trình dịch vụ (nhà hàng dịch vụ tổng hợp, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe...).

Riêng hạng mục cổng chào có diện tích hơn 75.000m2, được thiết kế bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao từ 38-43m, kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử gồm Đài sen, hồ cảnh, đồi nhân tạo, giao thông cảnh quan. Công trình đảm bảo được các tiêu chí: Uy nghi, vững chãi, ấn tượng, đặc biệt, khác biệt, hiện đại và phản ánh được truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Quảng Ninh, tâm linh thiêng liêng Yên Tử, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. 

 

Trung Quốc vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân sát Việt Nam (Báo giao thông 10/10)

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã đưa nhiều đơn vị tổ máy của các nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động. Đáng chú ý, trong số đó có 3 nhà máy được xây dựng gần với Việt Nam.

Ba nhà máy này bao gồm Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, nhà máy Xương Giang và nhà máy Trường Giang (Dương Giang).

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành có công suất 1.000 MW, nằm gần làng Hongsha, khu tự trị Quảng Tây, có 39% thuộc sở hữu của Tập đoàn Đầu tư Quảng Tây và 61% thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện Nguyên tử Trung Quốc (CNG). Tổ máy số 2 của nhà máy Phòng Thành vừa kết nối với lưới điện quốc gia lần đầu tiên vào hôm 15/7 vừa qua. Trước đó, tổ máy số 1 được kết nối với lưới điện vào tháng 10/2015. Các tổ máy dự kiến được đưa vào vận hành thương mại vào cuối năm nay

Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Trường Giang được xây dựng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tổ máy số 1, số 2 và số 3 của nhà máy này được vận hành thương mại vào tháng 3/2015, tháng 6/2015 và tháng 1/2016 tương ứng. Từ ngày 22/8 đến 23/9 vừa qua, tổ máy số 4 đã hoàn thành thử nghiệm trước hoạt động.

Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang nằm tại tỉnh đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Hôm 20/6 vừa qua, tổ máy số 2 với công suất 650 MW của nhà máy này đã được kết nối với lưới điện quốc gia lần đầu tiên và được đưa vào vận hành thương mại vào ngày 15/8. Trước đó, tổ máy số 1 đã được kết nối với lưới điện vào tháng 11/2015 và bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 12/2015.

Điều cần lưu ý là, cả 3 nhà máy điện hạt nhân trên đều rất gần với biên giới Việt Nam. Được biết, nhà máy Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km. Trong khi đó, nhà máy điện Xương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng 100km. Xa nhất là Nhà máy điện Trường Giang cũng chỉ cách biên giới Việt Nam hơn 200km.

 

KINH TẾ:

“Quảng Ninh – Trung Quốc: Một vành đai, một con đường - Cùng phát triển” (Thương hiệu và Công luận 10/10)

Đó là chủ đề của Hội chợ Thương mại – Du lịch biên giới, do TP. Móng Cái (Việt Nam) và TP. Đông Hưng (Trung Quốc) luân phiên tổ chức.

Theo đó, tại Hội nghị giới thiệu Hội chợ Thương mại – Du lịch Quốc tế Việt – Trung (Đông Hưng – Móng Cái) năm 2016, Ban tổ chức hội chợ đã tuyên bố hội chợ năm nay sẽ diễn ra từ ngày 8 - 12/11/2016, tại Trung tâm Biên mậu Đông Hưng Bắc Đầu Quảng Tây (Trung Quốc).

Hội chợ có quy mô trên 834 gian hàng, trong đó có 100 gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam, 734 gian hàng của doanh nghiệp Trung Quốc.

Hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nhiều thế mạnh của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước trong khu vực như; các mặt hàng gồm nông lâm thủy sản, thiết bị, máy móc, hàng thủ công mỹ nghệ…, có thế mạnh xuất khẩu.

Tại hội chợ, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) sẽ giới thiệu và trưng bày các gian hàng là sản vật đặc sắc, tiêu biểu mang thương hiệu của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) tại Quảng Ninh”.

Bên cạnh đó, nét độc đáo tại hội chợ lần này đó là lần đầu tiên, Ban tổ chức đưa vào 03 hoạt động đặc sắc: Lễ hội văn hóa đồ gỗ ASEAN; Lễ hội Ẩm thực Hải sản ASEAN và Lễ hội Hoa quả ASEAN. Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa mang đậm màu sắc truyền thống dân tộc của 2 địa phương biên giới, đặc biệt là hoạt động hát đối trên sông biên giới giữa thanh niên hai nước Việt – Trung; các hoạt động giao lưu thể thao, du lịch cũng sẽ được tổ chức... Hội chợ năm nay, sẽ có các doanh nghiệp uy tín hàng đầu của Việt Nam cùng với các sản phẩm nông sản, hải sản, đồ gỗ, các sản phẩm tiềm năng sẽ tham gia triển lãm, giới thiệu, tìm đối tác ký kết hợp đồng kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, giới thiệu chiêu thương, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết: “Chính quyền TP. Móng Cái cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Đông Hưng(Trung Quốc) thực hiện tốt công tác chuẩn bị để hội chợ được tổ chức thành công tốt đẹp”.

Đây là lần thứ 11, hội chợ được tổ chức luân phiên hàng năm giữa 2 tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Hội chợ là dịp để các nhà lãnh đạo, quản lý của tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây trao đổi những định hướng lớn, những vấn đề có tính chiến lược trên lĩnh vực phát triển thương mại, du lịch, tài chính, đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Khu thí điểm trọng điểm khai phát mở cửa cấp quốc gia TP. Đông Hưng (Trung Quốc).

 

DU LỊCH:

Quảng Ninh sẽ cho xe du lịch tự lái Trung Quốc vào Móng Cái từ năm 2017 (Dân trí 11/10)

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt phương án thí điểm quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa thành phố Móng Cái và TP Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Theo đó, từ ngày 01/01/2017 tỉnh này chấp nhận cho phép các loại phương tiện ô tô con 09 chỗ ngồi trở xuống, thuộc sở hữu cá nhân, doanh nghiệp đi tham quan du lịch của Trung Quốc nhập cảnh và tham quan du lịch ở Việt Nam và ngược lại.

Thời gian nhập cảnh và lưu trú tại Việt Nam, khách Trung Quốc được ở lại không quá 3 ngày/lần cấp phép, nếu bất khả kháng như tai nạn, hư hỏng phương tiện thì cấp gia hạn thêm 01 ngày.

Doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động thí điểm này là Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hồng Gai thực hiện quản lý khai thác thí điểm loại hình xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa hai thành phố Móng Cái và Đông Hưng.

Theo quyết định phạm vi khách du lịch được phép di chuyển là TP Móng Cái (không vượt quá Trạm Kiểm soát liên hợp Km 15, bến tàu Dân Tiến, xe không được hoạt động trên tuyến quốc lộ 18C (thuộc vành đai biên giới) và các khu vực quân sự).

Về quy định nhận diện xe, tỉnh yêu cầu đơn vị tổ chức cá nhân dán logo trên các phương tiện thí điểm, mẫu logo do đơn vị tự xây dựng, đăng ký với Sở Giao thông Vận tải để thống nhất quản lý.

Đơn vị lữ hành phải ký hợp đồng trọn gói theo phương thức du lịch với đối tác trong tổ chức cho đoàn khách du lịch sử dụng ô tô du lịch tự lái, xuất và nhập cảnh vào Việt Nam. Theo quy định, DN phải bố trí nhân viên thông thạo tiếng Trung ngồi trên xe đầu tiên để dẫn đường cho đoàn xe du lịch của Trung Quốc trong quá trình tham gia giao thông tại Móng Cái. Đoàn xe này phải có logo hoặc cờ biểu tượng của đơn vị lữ hành.

Về quy định số lượng xe và khách tham quan, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tối thiểu 05 xe và tối đa không quá 20 xe, mỗi đoàn/lần. Trong thời gian nhập cảnh du lịch, tổng lượng xe của Trung Quốc tại Việt Nam không quá 100 xe/ngày, xong các xe đợt trước mới được quyền cấp phép xe đợt sau. Các cơ quan Sở GTVT và Hải quan, cùng Biên phòng phải thực hiện việc nhập cảnh theo quy định trên.

Trước đó như Dân Trí đã đưa tin vào tháng 5/2016, Bộ GTVT đã ban hành văn bản hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện tổ chức thí điểm xe ô tô du lịch tự lái của cá nhân và doanh nghiệp du lịch, lữ hành hai nước được hoạt động giữa hai TP Đông Hưng (Trung Quốc) và Móng Cái (Quảng Ninh).

Theo quy định của Bộ GTVT xe du lịch tự lái của cư dân Trung Quốc sang Móng Cái phải phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ Việt Nam; xe du lịch vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam hoặc các hiệp định, nghị định thư, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết. Đồng thời, trong thời gian thí điểm, cơ quan chức năng không sử dụng mẫu giấy phép loại B để cấp cho các phương tiện du lịch tự lái.

 

PHÁP LUẬT:

Bắt giữ 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu (Hải quan 10/10)

Một xe ô tô vận chuyển 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu vừa bị Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến (Quảng Ninh) bắt giữ.

Theo tin từ Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến, hồi 18 giờ ngày 8-10, Tổ Công tác liên ngành của Trạm gồm các lực lượng: Hải quan, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trưởng làm nhiệm vụ kiểm tra xe ô tô mang BKS: 99C-03158 do ông Nguyễn Gia Hùng, sinh năm 1989 (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Nình) điều khiển vận chuyển 2.500 bao thuốc lá hiện 555 BLEN NO GOLD không rõ xuất xứ.

Xét thấy vụ việc có dấu hiện của tội phạm hình sự, cần phải điều tra làm rõ, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện và đối tượng vi phạm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Móng Cái thụ lý theo thẩm quyền.

Trước đó, trong tháng 4-2016, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến (Quảng Ninh) tóm gọn khi các đối tượng đang vận chuyển 69.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu từ tàu sắt đưa lên bờ.

 

Phát hiện 10 trường hợp vận chuyển, thu gom than, cát sỏi trái phép (Đài PTTH QN 10/10)

Hơn 2 tháng triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh than, cát, sỏi, đất sét (từ 1-8 đến nay), Công an TP. Uông Bí đã phát hiện, xử lý trên 10 trường hợp vận chuyển than, thu gom than, khai thác cát trái phép, thu trên 130 tấn than các loại, 150m3 cát. 

Trong đó, một số vụ điển hình tại phường Vàng Danh, phát hiện xe ô tô BKS 14C-07918, do Nguyễn Đức Thái (SN 1960, trú tại Hồng Thái Đông, TX. Đông Triều) điều khiển, trên xe vận chuyển trái phép 10,5 tấn than cám; kiểm tra tại khu vực 410 khai trường Công ty PT.Việtmindo phát hiện 1 điểm thu gom than trái phép, thu 10 tấn than cục; tại xã Điền Công, TP Uông Bí, bắt quả tang tàu BG-0466 do Nguyễn Đình Thanh (SN sinh 1980, trú tại xã Quảng Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) điều khiển, đang thực hiện hành vi hút cát trái phép. Công an Thành phố đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Thanh đổ trả 150m3 cát xuống khu vực đã hút để hoàn nguyên môi trường…

Nhằm thực hiện đợt cao điểm hiệu quả, thời gian tiếp theo, Công an TP. Uông Bí phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát các mỏ cát, đất, đá được cấp phép; các dự án khai thác cát, các khu vực đang diễn ra hoạt động khai thác cát, sỏi, các dự án nạo vét luồng lạch trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên kiểm tra công tác quản lý tạm trú, nhất là các địa bàn phức tạp về than, cát, đá, sỏi, đất sét…kiên quyết trục xuất các trường hợp tạm trú để hoạt động khai thác, thu gom, chế biến than cát, sỏi, đá trái phép và hoạt động vi phạm pháp luật. Phối hợp với Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, đảm bảo kiểm soát tất cả các phương tiện vận tải hoạt động trên các tuyến đường 24 giờ/ ngày, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển than, cát, đá, sỏi trái phép.

Loading...