XÃ HỘI:
Tỉnh Quảng Ninh sẽ giao 1.800 công dân nhập ngũ năm 2017 (Đài PTTH QN 1/12)
Hội đồng nghĩa vụ quân sự 14 huyện, thị xã thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực tổ chức khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ năm 2017.
Theo kết quả, số thanh niên đi khám tuyển nghĩa nghĩa vụ quân sự ở tất cả các địa phương đều đạt gần 70 %. Trong quá trình khám Hội đồng nghĩa vụ quân sự các địa phương luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo điều hành trong quá trình khám tuyển. Đồng thời, tiếp tục tuyển chọn công dân nhập ngũ đã tốt nghiệp các trường Trung cấp, cao đẳng, Đại học có chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật nghĩa vụ quân sự.. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu, chất lượng tuyển quân, với 1.800 nam công dân nhập ngũ năm 2017.
DU LỊCH:
Hoành Bồ kết nối các tuyến, điểm du lịch (Tin tức 1/12)
Đã có 2 tuyến, 6 điểm du lịch của huyện Hoành Bồ được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận, trong đó chủ yếu là du lịch sinh thái, văn hóa. Đây là định hướng cho ngành du lịch Quảng Ninh phát triển sản phẩm ngoài du lịch biển.
Giàu tiềm năng
Hoành Bồ có trên 33.000 ha diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tiêu biểu nhất là khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với nhiều loại động, thực vật hoang dã quý hiếm được bảo tồn, tạo nên một bức tranh hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình, trở thành điểm trải nghiệm, khám phá hấp dẫn du khách.
Bên cạnh đó, với trên 30 km bờ biển, Hoành Bồ còn có hàng nghìn ha rừng ngập mặn ven vịnh Cửa Lục, có thể mở những tuyến, điểm du lịch khám phá thiên nhiên biển Hoành Bồ, cũng như đặc điểm tự nhiên vùng Đông Bắc.
Hoành Bồ cũng là một địa danh gắn liền với các di tích, danh thắng. Trên địa bàn huyện hiện có 38 di tích, phế tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục bảo vệ, như: Đền thờ vua Lê Thái Tổ, chùa Quýt, chùa Yên Mỹ, di tích thành nhà Mạc, di chỉ khảo cổ hang Hà Lùng, Đồng Vang; khu căn cứ cách mạng Sơn Dương, Bằng Cả, di tích danh thắng Núi Mằn... Trong quần thể Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y Bằng Cả còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Hội làng người Dao, tục cấp sắc, lễ hội cầu mùa, trang phục, chữ viết người Dao cổ...
Hoành Bồ còn có trầm tích văn hóa đa tầng đang đợi được “đánh thức”. Dấu vết của người Việt cổ thời kỳ đồ đá, đã từng cư trú trên dải đất này còn in nét tại các hang động Đồng Đặng, Hà Lùng, hang Dơi. Cạnh đó là dấu vết của người Việt cổ, niên đại được xác định từ thời đồ đá mới, tính ra đã trên dưới 10.000 năm... sẽ trở thành những tiềm năng lịch sử - văn hóa kết hợp cùng với những thế mạnh tự nhiên để đưa vào khai thác du lịch.
Đẩy mạnh quảng bá và liên kết
Tài nguyên du lịch Hoành Bồ phong phú nhưng chưa đủ sức khai thác độc lập khai thác thu hút khách. Đó là đánh giá của đại diện các doanh nghiệp khi khảo sát tuyến điểm du lịch Hoành Bồ mới đây. Hiện tại, sản phẩm du lịch Hoành Bồ chỉ phù hợp làm sản phẩm bổ trợ cho du lịch Quảng Ninh trong vài năm tới. Để thu hút khách, du lịch Hoành Bồ cần tận dụng lợi thế gần với các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh để tạo chuỗi dịch vụ, sản phẩm để kết nối; có thể đầu tư khai thác sản phẩm dã ngoại, mạo hiểm đối với thác Khe Mực, sản phẩm nghiên cứu thiên nhiên rừng lim của già làng Triệu Tài Cao.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh nhận định: Huyện Hoành Bồ cần dành ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; cử cán bộ tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm ở các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng; xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư vào các khu vực thác nước. Làm sao kéo được khách du lịch từ Bãi Cháy vào Hoành Bồ, đừng để khách du lịch chỉ quanh quẩn ở bờ vịnh.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng, những năm qua, tỉnh đã quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái rừng trên cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa. Trong đó, huyện Hoành Bồ đã được xác định là một trong những trọng điểm du lịch ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2005 - 2020.
GIÁO DỤC:
Tiếng giảng bài 26 năm vỗ về ước mơ xanh trên đảo Cô Tô (Giáo dục và Thời đại 1/12)
“Sóng biển thì mênh mông nhưng sóng mạng thì không có” là phần nào khó khăn của các cô giáo dạy học trò ngoài biển đảo. Các thầy cô như những chiến sĩ bám đảo, bám đất góp phần ươm những mầm xanh xây dựng Tổ quốc đẹp tươi.
Ra thăm thị trấn Cô Tô – Quảng Ninh, đoàn chúng tôi phải chờ tàu mất mấy tiếng đồng hồ. Sóng tuy không to nhưng cũng đủ làm cho những người lần đầu lên tàu say sóng nhớ đời.
Bốn bề là nước mênh mông và những hòn đảo lớn nhỏ liền kề nhau, không có hàng quán, dịch vụ. Sóng nước thì lớn mà sóng mạng không có. Thầm nghĩ, giao thông cách trở, liên lạc ngắt quãng, các thầy cô dạy học trò ngoài đảo biệt lập ắt hẳn gặp khó khăn trăm bề…
Những ngày đầu tiên gió lộng bốn bề
Cô Nguyễn Thị Minh – trường Tiểu học Thị trấn Cô Tô - đã 26 năm trong nghề gieo chữ trên đảo. Gắn bó lâu như vậy, cô vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa yêu nghề, để ngày nào cũng vẹn nguyên sự nhiệt tình, tấm lòng của cô giáo yêu thương học sinh y như ngày mới đặt chân ra đảo với lòng nhiệt huyết tràn đầy.
Cô Minh còn nhớ mãi hình ảnh căn nhà cấp bốn tạm bợ là trường học của các cháu học. Bàn ghế cái thì gẫy chân, cái thì mục nát, xung quanh gió lộng thổi lạnh buốt. Những năm ấy, người dân sinh sống ở đảo cũng chưa nhiều nên học sinh một lớp cũng chỉ 6 em. Điện, đường không có khiến các thầy cô gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.
Thế nhưng, dân đảo quý mến các cô giáo lắm, họ bảo các cô đi xa là nhớ, các cô ở gần thì đùm bọc, tình thân như gia đình. Họ còn thương các cô giáo trẻ chưa có gia đình mà đã xung phong ra đảo dạy học, sợ các cô cô đơn, tủi thân nên chia nhau đến chơi, trò chuyện cùng các cô buổi tối. Có lẽ vì tình cảm đó mà những cô giáo cắm đảo như cô Minh quyết tâm gắn bó, cống hiến cho đến ngày hôm nay.
5 quả trứng gà - quà tặng cô nhớ mãi!
Đảo Cô Tô chỉ có điện cách đây 3 năm. Trước đây, mọi sinh hoạt của người dân trên đảo đều dùng đèn dầu. Thậm chí, nhiều ngày liền, hòn đảo tối om không một ánh đèn leo lét bởi sóng to, biển động, không có tàu thuyền thông thương nên không có dầu thắp sáng.
Không chỉ là những người dạy chữ, đứng lớp hay soạn giáo án, cô Minh còn tự trồng rau, nuôi gà, đi biển cùng nhân dân những ngày nghỉ để tự phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, phần nào cũng hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của từng gia đình, từng em học sinh.
26 năm trong nghề, cô Minh vẫn không quên được cảm xúc của ngày nhà giáo Việt Nam năm ấy, cô học trò bẽn lẽn đứng sau cánh cửa cùng các bạn tặng quà cho cô. Món quà là 5 quả trứng gà do bố mẹ em gói gém cẩn thận để các con mang đến. Cô giáo xúc động quá ôm các trò vào lòng như những đứa con thơ rồi nước mắt cứ chảy dài trong niềm hạnh phúc.
Cô Minh nói: Học trò ngoài đảo do hạn chế việc giao tiếp nên các em còn rụt rè, e ngại. Thế nhưng, các trò lại rất ngoan và chăm chỉ. Nếu có điều kiện sống tốt hơn, được quan tâm hơn mà gánh nặng cơm áo gạo tiền của người lớn đừng đặt lên chuyện học hành thì có lẽ các con sẽ có tương lai tươi sáng hơn.
Kỉ niệm mà cô giáo Minh nhớ nhất đó chính là năm đầu tiên làm chủ nhiệm lớp. Khi cô giáo đang kể câu chuyện về gia đình Lạc Long Quân và Âu Cơ có 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng. Cô giáo kể đến đoạn: Vợ nhớ chồng, con nhớ bố mẹ,.. thì bỗng một học sinh ôm mặt khóc nức nở.
Sau đó, em kể với cô giáo: Bố mẹ chia tay nhau. Em ở với mẹ, còn anh trai ở với bố nên chúng em bị xa cách không được gặp nhau và cũng không được gặp bố. Em nhớ bố,..
Nghe tiếng trẻ thổn thức kể chuyện nhà, cô giáo ôm học sinh khóc theo, thương các em thiếu cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, cô rút ra bài học trong nghề rằng là một cô giáo, dạy chữ thôi chưa đủ mà phải quan tâm tới cả những niềm vui, mong muốn của các em. Cô giáo như mẹ hiền - không ở đâu đúng bằng dạy học trò trên đảo.
Cô giáo của những học sinh yếu
Không chỉ là cô giáo có tấm lòng yêu mến trò, cô Minh còn nổi tiếng sau nhiều năm giảng dạy bởi khả năng rèn học sinh yếu vươn lên.
Mỗi giờ trống báo tan trường, cô Minh không về nhà ngay mà nán lại để kèm cặp học sinh yếu kém. Dạy học xong, cô và trò “dặn dò” nhau đi sớm trước giờ vào lớp để có thời gian học thêm. Giờ, nói đến cô Minh, lòng tin của phụ huynh đã hoàn toàn trao trọn cho cô giáo và yên tâm khi cho con đến trường.
Thế nhưng, “quanh quẩn” với trò, nhiều khi cô Minh cũng cảm thấy “có lỗi” vì ít thời gian chăm sóc gia đình hơn. May mắn, người chồng của cô luôn ủng hộ những công vệc của vợ. Chú bộ đội ấy cho rằng: Những gì cô giáo thích, thì tôi cũng thích!
Một lần đi công tác, cô Minh gặp và bén duyên với người chồng bộ đội hiền lành. Chồng cô sau này tiết lộ rằng mình đem lòng thương cô giáo trẻ từ ngày đầu gặp gỡ bởi lòng yêu nghề, tận tâm trách nhiệm mà đặc biệt là đôi mắt của cô dịu dàng, quan tâm mỗi khi nhìn học trò.
Lấy nhau, hai vợ chồng cô Minh đều quyết định ở lại đảo, dù cả cô và chú đều là người trong đất liền. Thương học trò ngoài đảo chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cô giáo trẻ cũng không khỏi lo lắng khi bố mẹ già. Mỗi khi gia đình có việc cần, cô cũng không thể về được bởi tàu ra vào chỉ một chuyến một tuần, không phải lúc nào đi là đi ngay được. Nghĩ phận làm con chưa tròn chữ hiếu, cô lại nghẹn lòng. May mắn thay, gia đình đều hiểu và hết lòng ủng hộ cô theo sự nghiệp trồng người.
Gắn bó lâu, đảo là nhà, tình cảm của bà con trên đảo ngày một lớn. Hơn tất cả là những học trò còn chịu nhiều thiệt thòi kia, nếu không được học các em sẽ lại đi biển, tương lai của các em, rồi bao nhiêu đời sau nữa sẽ không tươi sáng được. Cô giáo Minh lại ngày ngày lên lớp giảng bài. Tiếng cô dịu dàng vỗ về những ước mơ xanh trên đảo Cô Tô.