TỔNG QUAN BÁO CHÍ (Bản tin sáng: Ngày 6 tháng 12 năm 2016)

06/12/2016 08:34

CHÍNH SÁCH – QUẢN LÝ:

Sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh? (Viettimes 6/12)

HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét, thông qua quy định thu phí tham quan danh thắng Yên Tử từ ngày 1/2/2017, với mức phí đề xuất 20.000 đồng/khách/lượt.

Theo tính toán của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, với mức phí đề xuất 20.000 đồng/khách/lượt, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 30 tỉ đồng phục vụ cho công tác đầu tư, quản lý và phát triển khu danh thắng Yên Tử.

Được biết, mức thu phí này được đề xuất trên cơ sở tham khảo mức các quy định thu phí tham quan danh lam thắng cảnh hiện nay của Bộ Tài chính, cũng như thực tế quy định thu phí một số khu danh lam thắng cảnh xếp loại di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, phí tham quan Vườn Quốc gia Cát Tiên từ 20.000 - 40.000 đ/người/lượt; Hồ Ba Bể từ 10.000 - 20.000 đ/người/lượt; chùa Hương Sơn 50.000đ/người/lượt...
Hiện tại, các công tác đầu tư, quản lý và phát triển khu danh thắng Yên Tử hoàn toàn trông chờ vào ngân sách Nhà nước, trong khi Ban quản lý di tích và rừng quốc gia (Ban QLDT-RQG) Yên Tử không thu được đồng nào từ hàng triệu du khách, tăng ni, phật tử đến Yên Tử hàng năm.

Theo lãnh đạo Ban QLDT-RQG Yên Tử cho biết, 2 khoản thu chính là Dịch vụ cáp treo và tiền công đức, giọt dầu trên Yên Tử đều do ban này quản lý, nhưng tiền từ sử dụng hệ thống cáp treo là do nhà đầu tư thu bởi họ đã bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để đầu tư; trong khi tiền công đức, giọt dầu (ước tính vài chục tỉ đồng/năm) đều do nhà chùa quản lý và sử dụng.

Trong khi đó, ngoài việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên của Ban QLDT-RQG Yên Tử, ngân sách Nhà nước còn phải lo cho công tác quản lý, tổ chức lễ hội... Đồng thời, Ban QLDT-RQG Yên Tử còn được giao quản lý tuyến đường giao thông dài trên 15km từ QL18 vào tới khu di tích.

Vì vậy, Sở Tài chính Quảng Ninh dự kiến lượng khách thu phí tham quan Yên Tử trung bình mỗi năm khoảng 1.500.000 lượt người (đã giảm trừ các đối tượng được miễn thu phí). Mỗi năm, sẽ thu được khoảng 30 tỉ đồng từ phí tham quan danh thắng này để chia sẻ gánh nặng ngân sách.

 

KINH TẾ:

Quảng Ninh: Năng suất lao động mỗi người đạt 152 triệu đồng/năm (VietQ – Chất lượng Việt 5/12)

Sáng 05/12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII tổ chức kỳ họp thứ 4. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nhằm tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; thảo luận đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và nhiều nội dung quan trọng khác. Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày 05-07). Kỳ họp sẽ đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, thảo luận đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017;…

Trong buổi sáng nay, sau lời phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII đã được nghe UBND tỉnh và các ngành trình bày báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp.

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2016.

Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 10,1%; giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế ước tăng 11,5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.050 USD/người/năm, tăng 7,3%; năng suất lao động đạt 152,4 triệu đồng/người/năm, tăng 8,5%.

Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt trên 41.000 tỷ đồng; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 4,12%; giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng trên 15%.

Giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm và thủy sản ước đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2015.

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước đạt trên 23.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015; tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt trên 13.000 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm, tăng 19% so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.603 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2015.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 54.400 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 567 triệu USD, tăng 30% so với năm 2015; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.600 doanh nghiệp, tăng 19% so với năm 2015.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 36.000 tỷ đồng, bằng 105% dự toán, tăng 5% so với năm 2015, trong đó thu nội địa 24.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 12.000 tỷ đồng

Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,56% năm 2015 xuống còn 3,54% năm 2016.

 

NÔNG NGHIỆP – NÔNG THÔN:

Bình Liêu làm thương hiệu nông sản gắn với du lịch (Dân việt 6/12)

Cùng với sự phát triển của “thương hiệu” du lịch, huyện Bình Liêu đang có một loạt các sản phẩm được du khách ưa chuộng như miến dong, túi thơm, hoa hồi khô... Đó là những kết quả tích cực của việc phát triển chương trình Mỗi làng nghề một sản phẩm (OCOP) gắn với sự phát triển về du lịch; văn hóa; cảnh quan…

Là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu nổi tiếng với cảnh sắc đặc trưng, riêng có. Tuyến biên giới trên đất liền dài cùng với tuyến đường hành lang biên giới và hệ thống cột mốc biên giới, cửa khẩu Hoành Mô… là những điểm đến quan trọng khi du khách muốn khám phá những dấu mốc thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Bên cạnh đó Bình Liêu còn là vùng đất giàu tài nguyên văn hóa phi vật thể: Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc cũng đa sắc màu gắn với nhiều sản vật đặc trưng vùng miền, cùng với các làn điệu hát then, hát soóng cọ, hát sán cố… Không chỉ vậy, vùng cao này còn có những điều kiện tự nhiên đặc thù, phù hợp để phát triển các loại cây trồng đặc trưng.

Từ lâu Bình Liêu đã trở thành “quê hương” của các loại cây trồng, dược liệu quý như: Hồi, quế, trẩu, sở, lá tắm, dong riềng, kim ngân, vối… Đó là chưa kể đây tài nguyên phong cảnh núi rừng, ruộng bậc thang, thác nước, đường biên, cột mốc, rừng hoa sở, hoa trẩu… và nguồn tài nguyên thực vật đa dạng.

Phát huy các lợi thế này, Bình Liêu đã có những biện pháp cụ thể. Trước hết, việc

kiện toàn bộ máy giúp việc nông thôn mới gắn với giúp việc Chương trình OCOP là việc làm đầu tiên và đã được Bình Liêu thực hiện vào cuối năm 2014 và thường xuyên kiện toàn, phân công nhiệm vụ lại cho các thành viên theo tình hình thực tế. Bình Liêu bắt đầu triển khai các buổi tập huấn, tuyên truyền về Chương trình OCOP theo chỉ đạo của tỉnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn vào tháng 4.2014 ngay sau khi Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013.

Huyện đã khuyến khích nhân dân và các tổ chức kinh tế mạnh dạn tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản phẩm, đưa tất cả các sản phẩm đến với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” gắn với giới thiệu và phát triển du lịch của địa phương bằng các hành động cụ thể. Ví dụ như trong lễ hội hoa anh đào và các hội chợ OCOP vừa qua, huyện đã đưa 27 sản phẩm ra giới thiệu và bán hàng.

Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được người dân tự sử dụng trong gia đình như: Dầu sở, củ cải khô, các loại dược liệu (lá tắm và các loại trà), dưa chua, hay các loại bánh truyền thống như: Bánh gật gù, bánh cóoc mò, bánh bạc đầu… nay đã trở thành các sản phẩm ưa thích của khách tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch. Đặc biệt, huyện đã đưa Hội hoa Sở trở thành ngày hội của nhân dân và khách du lịch về với Bình Liêu. Riêng năm 2016 đã nâng cấp ngày Hội hoa Sở thành hội hoa Sở ở quy mô cấp huyện, sẽ tổ chức trong tháng 12 này.

Ngoài ra, huyện cũng đã mạnh dạn đưa dịch vụ OCOP du lịch cộng đồng giới thiệu tại Hội chợ OCOP vừa qua, vừa giới thiệu cảnh quan thiên nhiên, vừa giới thiệu trang phục và các dụng cụ của người đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện cũng như các làn điệu hát then, hát soóng cọ, hát sán cố… Đến nay, sau một năm phát triển du lịch trên địa bàn, Bình Liêu đã thu hút được rất nhiều khách du lịch. Năm 2015 đã có trên 33.000 lượt khách và 9 tháng đầu năm 2016 ước có 40.000 lượt khách du lịch đến thăm Bình Liêu. Đây sẽ là điều kiện tốt để tiêu thụ, thúc đẩy các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của huyện phát triển.

 

PHÁP LUẬT:

Móng Cái: Bắt đối tượng vận chuyển nhiều viên nén nghi là ma túy (Hải quan 5/12)

Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) vừa phối hợp bắt giữ đối tượng vận chuyển các hộp giấy chứa nhiều viên nén màu trắng đục nghi là ma túy.

Hồi 20 giờ 20 phút ngày 2-12, tại khu vực biên giới mốc 1369(2) +500 mét thuộc Khu 1, phường Trần Phú, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Móng Cái phối hợp Đội Kiểm soát Liên hợp số 2 thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 tuần tra kiểm soát phát hiện đối tượng vận chuyển 4 hộp giấy màu xanh có cùng kích thước 20cm x 10cm x 02 cm bên ngoài bọc nilon, trên mặt có in chữ “KẸO DỪA BẾN TRE TRƯỜNG THỊNH” và nhiều chữ nước ngoài khác chứa 5 túi nilon màu trắng bên trong đều chứa các viên nén hình trụ tròn màu trắng đục, trên một mặt có in hình “-” (nghi là ma túy).

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 1 điện thoại di động hiệu Iphone màu đen, bên trong lắp 1 sim Trung Quốc (máy đã bị ướt lên không sử dụng được); 1điện thoại di động hiệu Nokia màu đen, bên trong lắp 1 sim Viettel, máy cũ đã qua sử dụng.

Hiện lực lượng chức năng lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và tạm giữ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, giám định tang vật để xử lý.

 

Bắt giữ 2 vụ vận chuyển than lậu (Hải quan 5/12)

Đội Kiểm soát Hải quan số 2, Cục Hải quan Quảng Ninh vừa liên tiếp phát hiện 2 vụ vận chuyển hơn 110 tấn than cám không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Nhận được tin báo của nhân dân, tàu QN - 0208 đang chở than cám không nguồn gốc từ khu vực Cảng Nam Cầu Trắng về Hải Phòng tiêu thụ, xác minh nguồn tin trên là có cơ sở, hồi 00 giờ 30 phút ngày 2-12, tại tọa độ 20*55.218N; 107*06.228E, khu vực Hòn Ấm, vùng biển TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Tổ kiểm soát cơ động, Đội Kiểm soát Hải quan số 2 triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp cận, kiểm tra phương tiện.

Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng phát hiện trên tàu chở một số lượng than cám. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Vinh khai nhận, số than trên tàu QN-0208 là 95,3 tấn than cám 7B được ông thu mua của một số người chuyên gom than trôi nổi, với tổng trị giá 28 triệu đồng để, chở về Hải Phòng bán kiếm lời và không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Tổ công tác của Đội Kiểm soát Hải quan số 2 yêu cầu ông Nguyễn Văn Vinh đưa phương tiện và toàn bộ hàng hóa về trụ sở Cục Hải quan Quảng Ninh để tiến hành xác minh và trưng cầu giám định phẩm cấp than, kết quả gồm: 95,3 tấn than cám 7B.

Đội Kiểm soát Hải quan số 2 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Vinh về hành vi kinh doanh trái phép hàng hóa không nguồn gốc chứng từ trên và chờ xử lý theo quy định.

Cùng ngày, tại khu vực đường Lê Lợi, phường Yết Kiêu, TP. Hạ Long, Đội Kiểm soát Hải quan số 2 phối hợp với Phòng PK20 - Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp cận, kiểm tra xe ô tô tải mang tải biển kiểm soát: 15C-134.45 vận chuyển gần 20 tấn than cám.

Theo lời khai của lái xe là ông Đặng Văn Chung (địa chỉ: Quang Trung - Uông Bí - Quảng Ninh), xe ô tô biển kiểm soát 15C-134.45 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thanh Toán (Địa chỉ: Hoàng Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng) giao cho ông Chung quản lý và sử dụng.

Ngày 2-12, ông Chung điều khiển xe ô tô biển kiểm soát: 15C- 134.45 đến địa điểm trên để mua 18 tấn than cám của một người đàn ông không quen biết với giá 400.000 đồng/tấn không có bất cứ loại hóa đơn, chứng từ liên quan.

Do hiểu biết về pháp luật hạn chế nên ông Chung không nhận thức được hành vi trên đã vi phạm pháp luật và hứa sẽ tích cực hợp tác với cơ quan Hải quan để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tổ công tác yêu cầu ông Chung di lý phương tiện về trụ sở Cục Hải quan Quảng Ninh để tiếp tục điều tra. Đội Kiểm soát Hải quan số 2 tiến hành lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với ông Đặng Văn Chung để xử lý theo quy định.

Loading...