TỔNG QUAN BÁO CHÍ (Bản tin sáng: Ngày 7 tháng 10 năm 2016)

07/10/2016 08:28

 

THỜI SỰ:

Bão số 6 giật cấp 9 - 10, bắc Biển Đông có gió mạnh sóng lớn (Thanh niên 7/10)

Trao đổi với Thanh Niên chiều 6.10, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sau khi đi vào Biển Đông, cơn bão số 6 đang có diễn biến rất phức tạp, khó lường và mạnh lên.

Cụ thể lúc 16 giờ ngày 6.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc và 118,5 độ kinh đông, trên khu vực đông bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 9 -10.

Trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Dự báo đến 16 giờ ngày 7.10, tâm bão số 6 ở vị trí cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610 km về phía đông bắc. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 9, tức là từ 75 - 90 km/giờ, giật cấp 10 - 11.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đưa ra cảnh báo, vùng biển nguy hiểm trong 24 giờ tới có gió mạnh từ cấp 8 trở lên là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 19 và phía đông kinh tuyến 114. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12 khiến biển động rất mạnh. Ngoài ra, do hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực giữa và nam Biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa giông kèm gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m.

Cùng ngày Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã gửi công điện khẩn đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các bộ, ngành T.Ư. Theo đó, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên thông báo, giữ liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm, kiểm soát chặt tình hình ra khơi của các phương tiện và sẵn sàng các phương án phòng chống bão và ứng cứu ngư dân khi có tình huống xấu.

 

QUY HOẠCH – XÂY DỰNG:

Cổng chào hai trăm tỷ ở Quảng Ninh (Đấu thầu 6/10)

Nằm trên quốc lộ 18A với vốn đầu tư 198 tỷ đồng, cổng chào tỉnh Quảng Ninh được cho là lớn nhất Việt Nam.

Cổng chào tỉnh Quảng Ninh nằm trong cụm công trình điểm dừng chân, được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 140 ha trên quốc lộ 18A, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tiếp giáp tỉnh Hải Dương.

Khởi công ngày 28/2/2015, trụ chính đầu tiên của cổng chào lắp ráp ngày 5/5/2016. Theo kế hoạch, thời gian thi công trong 6 tháng và toàn dự án là 2 năm.

Vốn đầu tư cổng chào lên đến 198 tỷ đồng, trong tổng số 368 tỷ đồng cho toàn bộ dự án cổng chào và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, vốn xã hội hóa là 188 tỷ đồng cho công trình cổng chào và các công trình phụ trợ khác. Vốn tự có và huy động khác của Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Hà - Chủ đầu tư, là 170 tỷ đồng. Các khoản đầu tư được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công tư).

Theo thiết kế, cổng chào gồm 8 trụ chính có độ cao từ 38-43m, trọng lượng mỗi trụ lên đến 105 tấn, chiều rộng chân trụ từ 50-60m, trải dài 80m trên quốc lộ 18A, tạo hình những dãy núi trùng điệp như núi đá trên vịnh Hạ Long. 

Cổng chào tỉnh Quảng Ninh và cụm công trình điểm dừng chân được xây dựng tại cửa ngõ của tỉnh này nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

 

XÃ HỘI:

Quảng Ninh: Sắp khai mạc lễ hội Hoa Cúc - Tết Trùng Dương (Người đưa tin 6/10)

Lễ hội được tổ chức để bảo tồn và tôn vinh những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong tinh thần Phật dạy với nhiều ý nghĩa cao quý và sâu sắc.

Lễ hội Hoa Cúc-Tết Trùng Dương – Lễ Tri Ân lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vào sáng ngày 9/10 (tức ngày 9/9 năm Bính Thân).

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc được phục dựng để bảo tồn và tôn vinh những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong tinh thần Phật dạy với nhiều ý nghĩa cao quý và sâu sắc.

Lễ Hội Hoa Cúc – Tết Trùng Dương là Lễ Tri Ân, nhắc nhở chúng ta ý thức rõ hơn về giá trị của đạo đức tri ân và đền ân trong đời sống con người.

Theo lời đức Phật dạy, có 4 ân lớn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể

quên: “Ân Cha Mẹ - Ân Tam Bảo Sư Trưởng – Ân quốc gia Xã Hội – Ân chúng sanh vạn loại”.

Được biết, tại Lễ hội Hoa Cúc lần này, Ban tổ chức sẽ giới thiệu và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được tạo nên bởi nhiều loại hoa cúc đến từ khắp mọi miền đất nước.

Theo đó, những làng hoa sẽ được các nghệ nhân khéo léo đầy tâm huyết dựng lên và trang trí theo nhiều chủ đề mang ý nghĩa khác nhau. Với những cái tên như Làng Hoa Tri Ân Cha Mẹ, Làng Hoa Tri Ân Bác Hồ, Làng Hoa Tri Ân Các Anh Linh Anh Hùng Liệt Sỹ, Làng Hoa Tri Ân Thầy Cô...

Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống mang tinh thần Phật giáo như: Hoạt động biểu diễn thư pháp; nghệ thuật Cải lương, trình diễn các điệu múa Phật giáo; Thiền trà và nghe giảng Pháp; Hội họa, Ẩm Thực truyền thống; Biểu diễn pha trà và cắm hoa dâng cúng Phật…

 

NÔNG NGHIỆP – NÔNG THÔN:

Nông lâm thủy sản (Quảng Ninh): Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm  (Thương hiệu và Công luận 6/10)

Sáng ngày 6/10/2016, tại tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội thảo “Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông – lâm - thủy sản tỉnh Quảng Ninh 2016”.

Sản phẩm địa phương đa dạng, phong phú

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là sự mất cân bằng giữa số lượng thực phẩm ngoại tỉnh quá lớn, trong khi thực phẩm chủ lực tại địa bàn trong tỉnh lại ít được người tiêu dùng quan tâm. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn và đâu là sản phẩm không rõ nguồn gốc. Một phần trách nhiệm này thuộc về sự quản lý, kiểm soát, tuyên truyền của các sở, ban, ngành chức năng đối với người dân trong thời gian  qua.

Các sản phẩm nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố cung cấp cho Quảng Ninh chiếm một tỷ trọng lớn được các thương lái thu gom tại các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến, sơ chế nhỏ lẻ và tập kết tại các chợ đầu mối rồi chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng thực phẩm, các cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng…

Các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như lúa đặc sản, rau củ quả, chè, na dai, vải chính sớm, cam, thanh long, dong diềng... và các sản phẩm thủy hải sản địa phương; diện tích lúa cả năm đạt 40,5 nghìn ha, sản lượng thóc đạt trên 259 nghìn tấn/năm, năng suất bình quân đạt gần 62,5 nghìn ha, trong đó phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao cánh đồng mẫu lớn như TX. Đông Triều (2.008 ha), TX. Quảng Yên (2.200 ha).

Diện tích sản xuất rau đạt 11.000 ha, trong đó vùng rau tập trung với quy mô 600 ha tại TX. Quảng Yên, TX. Đông Triều, TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, huyên Bình Liêu…

Diện tích cây ăn quả đạt khoảng 12 nghìn ha, sản  lượng 35 – 70 nghìn tấn, trong đó có vùng trồng cây ăn quả tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa… Diện tích chè đạt 1.800 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn/năm.

Việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được thực hiện dưới hình thức hệ thống chợ, chợ truyền thống, thông qua thương lái (không hợp đồng, không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và an toàn thực phẩm), theo hợp đồng thương mại liên kết.

 

Khó khăn khâu tiêu thụ, đâu là giải pháp?

Hội thảo “Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông – lâm - thủy sản tỉnh Quảng Ninh 2016” diễn ra vào sáng ngày 6/10/2016, tại Quảng Ninh, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nêu ra các vấn đề còn vướng mắc trong công tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm địa phương.

Một trong những khó khăn lớn đó là việc các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất không tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm địa phương. Các mối tiêu thụ không đều, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng chưa hiệu quả…

Cùng theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn vì thiết bị mẫu test an toàn thực phẩm có giá thành cao (2 - 5 triệu/mẫu) nên không thể kiểm tra hết… Tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy hải sản tự phát tại các địa phương vẫn là vấn đề khó kiểm soát.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng cao làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu thực phẩm thủy sản an toàn.

Một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản tại Quảng Ninh vô cùng bức xúc với việc tìm giải pháp xả thải hợp lý và đảm bảo môi trường nuôi trồng. Một số ý kiến cho rằng, việc đảm bảo môi trường biển vô cùng quan trọng - quyết định lớn vào việc đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn tại quảng Ninh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ trách khối thủy sản tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Vấn đề an toàn thực phẩm chưa bao giờ nóng như hiện nay, nó quyết định giá trị của sản phẩm nông lâm thủy sản của địa phương. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và nâng cao chất lượng thực phẩm địa phương. Cần chú trọng nhãn mác, bao bì, xuất xứ để tạo niềm tin trong người tiêu dùng; khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ hợp tác thương mại với các cơ sở sản xuất nhằm tiêu thụ sản phẩm sạch địa phương…

 

PHÁP LUẬT:

Thu giữ nửa tấn dược liệu không rõ nguồn gốc (An ninh thủ đô 6/10)

Vào khoảng 18h50 ngày 5-10, tại khu vực Bến tầu Dân Tiến thuộc xã Hải Tiến, TP. Móng Cái, Quảng Ninh, tổ công tác của Đội Kiểm soát chống buôn lậu của Trạm đã phát hiện tạm giữ lô hàng thảo dược không rõ nguồn gốc trong đó có 100kg củ xuyên quy; 50 kg hồng hoa; 150 kg hoa hạ khô thảo; 100 kg củ cát cánh; 100 kg rễ cây cam thảo.

Toàn bộ số dược liệu trên đều được sấy khô, hiện chưa xác định được chủ sở hữu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tầu Dân Tiến lập biên bản chứng nhận, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Trước đó, Đội Kiểm tra hàng hóa thuộc Trạm đã phát hiện, thu giữ 6 bao tải chứa tổng số 300 kg dược liệu (dễ cây đan sâm) không rõ xuất xứ, chưa xác định chủ sở hữu.

Loading...