TỔNG QUAN BÁO CHÍ (Bản tin sáng: Ngày 8 tháng 12 năm 2016)

08/12/2016 14:31

THỜI SỰ:

Chất vấn nhiều vấn đề “nóng” tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh  (VOV 7/12)

Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII sáng 7/12 “nóng” bởi hàng loạt những vấn đề được dư luận chú ý như: đường giao thông chậm tiến độ, lạm thu trong giáo dục,… Trong đó vấn đề tình hình tai nạn lao động chết người có xu hướng gia tăng được đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Ngọc Thái Hoàng (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đưa ra vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm gần đây, đó là tình trạng gia tăng các vụ tai nạn lao động chết người. Tính đến ngày 28/11/2016, Quảng Ninh xảy ra 37 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 41 người (tăng 2 người và 2 vụ so với năm 2015). Trong đó, ngành than có tỉ lệ tai nạn cao nhất với 20 vụ tai nạn chết người, làm chết 23 người. Từ tháng 8, tình hình tai nạn lao động gia tăng đột biến bất thường, diễn biến phức tạp, khó lường.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Quảng Ninh cho rằng ngoài lý do khách quan, phần lớn số vụ tai nạn lao động có nguyên nhân xuất phát từ người lao động và người sử dụng lao động.

“Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan là do trình độ kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân bị tai nạn còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác, chủ quan, vi phạm quy trình quy định kỹ thuật an toàn. Thứ hai là do hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao; chưa dự báo hết các nguy cơ tai nạn; công tác tuyên truyền, huấn luyện an toàn lao động còn hạn chế”, ông Nguyễn Thế Thịnh phân tích.

Đoàn điều tra tai nạn lao động của tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật hơn 230 người, chủ yếu là Giám đốc, quản đốc công trường. Một số vụ việc nghiêm trọng đã kiến nghị khởi tố hình sự.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Quảng Ninh là địa phương nổi tiếng về công nghiệp khai thác than nên tình hình tai nạn lao động luôn phức tạp. Tuy vậy không thể để xảy ra các tai nạn nghiêm trọng rồi mới chấn chỉnh. Để ổn định tình hình phải kiên quyết xử lý dừng sản xuất hoặc buộc ngừng có thời hạn đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Đọc khẳng định: “Cũng như mưa bão, tai nạn lao động phải trọng “phòng là chính”. Do vậy các cơ quan chức năng khi phê duyệt tổ chức sản xuất, triển khai dự án phải đặc biệt quan tâm đến nội dung này. Tôi đề nghị ngành Lao động Thương binh và xã hội, kể cả các lực lượng Nội chính, Công an phải thường xuyên kiểm tra các cơ sở có nguy cơ rủi ro cao. Kiên quyết dừng, chấm dứt sản xuất khi có vi phạm để làm gương; nghiêm minh, trách nhiệm trước mạng sống của con người”.

Sở LĐTB và XH Quảng Ninh cũng đưa ra một số giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động trong thời gian tới, trong đó tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra; xác định rõ vai trò của các cơ quan chức năng và tăng cường huấn luyện, giáo dục ý thức cho người lao động. Tất cả các vụ tai nạn đều phải điều tra, xác định chính xác nguyên nhân để có biện pháp phòng tránh tai nạn lao động tái diễn như thời gian vừa qua.

 

Đại biểu HĐND Quảng Ninh “hiến kế” tăng thu ngân sách (Công thương 7/12)

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ Tư Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang tập trung thảo luận tại tổ và trực tiếp tại hội trường về các nội dung đặt ra cho kỳ họp này. Theo đó, đã có nhiều “hiến kế” hữu ích trong việc tăng thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa, nhằm bảo đảm chi đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các năm tiếp theo.

Tăng thu nội địa - trông vào đâu?

Tại buổi thảo luận ở tổ và trực tiếp tại hội trường ngày 6/12, đã có 78 đại biểu tham gia ý kiến. Các đại biểu đã tập trung phân tích nội dung những báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết sẽ được HĐND Quảng Ninh xem xét quyết định tại kỳ họp.

Các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân những kết quả kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đạt được trong năm 2016. Hầu hết chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó thành tích nổi bật nhất là kết quả thu ngân sách đạt 36.000 tỷ đồng, đặc biệt thu nội địa đạt 24.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt dự toán Trung ương giao gần 8%.

Tuy nhiên, vấn đề được các đại biểu tham gia “hiến kế” nhiều hơn cả, là mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đặc biệt là việc tăng thu nội địa. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn năm 2017 đặt ra là phải đạt gần 34.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa phấn đấu đạt con số: 24.648 tỷ đồng, tăng 10% so với số thực hiện năm 2016.

Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô chỉ ra 2 vấn đề, để các vị đại biểu HĐND cùng suy nghĩ đề ra các giải pháp. Đó là, thuế xuất nhập khẩu (XNK) ngày cảm giảm (năm 2016 thu 12.000 tỷ đồng, năm 2017 chỉ còn 5.400 tỷ đồng), nguyên nhân chính sách thuế XNK thay đổi, thuế xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu than giảm, nhưng chỉ tiêu thu nội địa ngày càng tăng.

“Để thích ứng với điều kiện thu nội địa tăng lên rất cao, trong khi thu thuế XNK ngày càng giảm, tôi đề nghị tập trung vào các nhóm giải pháp tăng thu. Thứ nhất, HĐND cần đưa ra nhóm giải pháp tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, để tháo gỡ khó khăn cho DN, thu hút hoạt động XNK, để nuôi dưỡng, tạo nguồn thu từ XNK hàng hóa qua địa bàn. Thứ hai, tập trung rà soát nguồn thu hàng hóa xuất nhập khẩu chủ lực, để có giải pháp thu. Thứ ba, rà soát xem lại các điểm yếu, để có giải pháp cụ thể, xem vướng ở đâu, do thủ tục, do đầu tư thiếu kho ngoại quan, hay thiếu điều gì”? - ông Nam đề nghị,

Liên quan đến vấn đề thu ngân sách, ông Nguyễn Đồng, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu B12, lưu ý vấn đề thuế XNK. Ví như xăng dầu nhập khẩu, năm 2015: 3,6 triệu tấn; năm 2016: 3,8 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2016 do giá xăng dầu thấp dưới 50 USD, đồng thời do ưu đãi thuế xăng dầu hội nhập với ASEAN và cũng do Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên thuế NK xăng dầu giảm theo. Ví như năm 2015, thuế nhập khẩu xăng dầu qua cảng B12 nộp ngân sách 5.000 tỷ, đến năm 2016: 3.000 tỷ và năm 2017 chỉ còn khoảng 1.200 tỷ đồng.

Từ sự biến động khách quan này, ông Đồng đưa ra những khuyến nghị, phải có giải pháp tăng thu nội địa. Vậy thu nội địa từ đâu?

Ông Đồng cho biết, nhìn vào thuế môi trường, Công ty Xăng dầu B12 chiếm 65% tỷ trọng về bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, năm 2016 riêng B12 nộp xấp xỉ 800 tỷ đồng thuế môi trường, từ kinh doanh xăng dầu.

“Nếu có biện pháp hữu hiệu thu đủ, riêng xăng dầu cũng thu trên 1 ngàn tỷ tiền thuế môi trường. Vì vậy, Quảng Ninh nên có giải pháp tận thu thuế môi trường mặt hàng xăng dầu và những sản phẩm hàng hóa liên quan khác”, ông Nguyễn Đồng khuyến nghị. Đồng thời, Giám đốc Công ty xăng dầu B12 cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có giải pháp tạo môi trường, thủ tục thuận lợi cho DN trên địa bàn tỉnh mở rộng thêm đại lý, điểm bán lẻ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, hạn chế đầu mối địa phương khác cung cấp, nhằm tăng thu nội địa mặt hàng này.

Cùng với thuế môi trường, nhiều đại biểu cũng nêu vấn đề cần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, sản phẩm mới về du lịch, dịch vụ... Đây là thế mạnh của Quảng Ninh, nên phải được chăm lo khai thác hữu hiệu tạo nguồn thu nội địa bền vững lâu dài.

Thực hiện đồng bộ 3 đột phá và chú trọng phát triển đội ngũ doanh nghiệp

Các đại biểu HĐND Quảng Ninh cũng nhấn mạnh đến năm 2017, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 đột phá, xây dựng Quảng Ninh đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ công nghiệp hiện đại theo Nghị quyết lần thứ XIV Đại hội Đảng bộ tỉnh và nghị quyết 02 của Đảng bộ tỉnh. Theo đó, phải có giải pháp làm sao tạo được nền tảng xây dựng kinh tế dịch vụ với những tiêu chuẩn mới. Đồng thời, phải chú trọng các giải pháp tăng thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa. Để đạt yêu cầu này đòi hỏi phải phát triển đội ngũ doanh nghiệp (mục tiêu đạt 22 ngàn DN đến năm 2020).

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, đề nghị: “Cần nghiên cứu xây dựng quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các quỹ của khu vực tư nhân, nhằm tăng cường nguồn vốn cho DN khởi nghiệp, với mức vay hết sức ưu đãi, để tạo cho DN mạnh dạn hơn trong quá trình lập nghiệp và khởi nghiệp”.

Thảo luận tại hội trường, ông Phạm Ngọc Thể - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh - cho biết, theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thì tỉnh Quảng Ninh sẽ phải có 22.000 doanh nghiệp. Năm 2016 tỉnh Quảng Ninh đã có 12.000 doanh nghiệp, như vậy 4 năm tới, mỗi năm Quảng Ninh sẽ phải thành lập mới 2.500 doanh nghiệp…

Để đáp ứng được điều này, ông Thể đề xuất xem xét vận động các hộ kinh doanh, buôn bán thành lập doanh nghiệp - hợp tác xã. Hỗ trợ về chi phí cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể muốn thành lập doanh nghiệp như tiền phí là 200.000 đồng, thông báo trên mạng là 300.00 đồng, tổng là 500.000 đồng.

“Chỉ cần 60-70% hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh tham gia thành lập doanh nghiệp - HTX thì sẽ đáp ứng được Nghị quyết 35” - ông Thể đưa ý kiến cá nhân.

Ông Thể cũng cho biết thêm, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp qua chương trình “Cà phê doanh nhân” nhằm thực hiện Nghị quyết 19-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017 định hướng đến năm 2020 và đặc biệt là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, bằng nhiều biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả nhất.

Các doanh nghiệp cũng ghi nhận việc tích cực giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của một số sở, ngành, địa phương như: Trung tâm xúc tiến hỗ trợ đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp; TP. Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ, thị xã Đông Triều… Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành, địa phương việc triển khai vẫn là kế hoạch trên giấy khiến doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng hoặc việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.

 

Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XVIII: Dân chủ và thẳng thắn (Thương hiệu và Công luận 7/12)

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Văn Đọc – Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh với các vị đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời trong kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVIII vừa qua.

Theo đó, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XVIII được diễn ra trong 3 ngày (từ 5 - 7/12/2016). Ngày đầu tiên của kỳ họp (5/12), sau khi nghe Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đọc diễn văn khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnhNguyễn Văn Thành đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2016, kế hoạch phát triển năm 2017. Cũng trong sáng ngày 5/12, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ tỉnh; kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp năm 2016; công tác xét xử năm 2016 của Tòa án Nhân dân tỉnh...

Chiều ngày 5/12, HĐND tỉnh đã nghe tờ trình về việc miễn nhiệm, bầu bổ sung chức vụ Chánh Văn phòng HĐND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí miễn nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đối với ông Hoàng Bá Hướng, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh đối với Thiếu tướng Đỗ Phương Thuấn, Phó tư lệnh Quân khu III. Đồng thời, bỏ phiếu bầu bổ sung bà Trần Thị Thu Hoài, Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh giữ chức vụ Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021; bầu Đại tá Lê Đình Thương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giữ chức vụ Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021, số phiếu tán thành 68/68 (đạt 100%).

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII, phiên họp sáng 6/12, HĐND tỉnh đã thảo luận tại 5 tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016; bàn các chỉ tiêu, giải pháp trên các lĩnh vực trong năm 2017, các dự thảo nghị quyết về các cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại các tổ thảo luận, hầu hết đại biểu khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát chủ đề trọng tâm năm 2016 của tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có chuyển biến tích cực và đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.000 tỷ đồng, bằng 105% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ (từ 39,8% năm 2015 lên 41,2% năm 2016); GRDP bình quân đầu người tăng 7,3% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất phân phối điện, chế biến, chế tạo duy trì mức tăng cao. Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,12%. Hoạt động du lịch tiếp tục đạt nhiều kết quả, doanh thu ngành du lịch ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ; thu ngân sách từ dịch vụ du lịch đạt 1.559 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ...

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Còn tồn tại tình trạng ô nhiễm môi trường; tội phạm còn tiềm ẩn phức tạp; một số dự án chậm ảnh hưởng đến đời sống của người dân; thực hiện chính sách BHYT, BHXH tại các cơ sở y dược tư nhân chưa được quan tâm thực hiện...

Sáng 7/12, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tọa kỳ họp, HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm.

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh các chất vấn của các vị đại biểu hội đồng gửi về thường trực HĐND tỉnh đã được chuyển tới cơ quan chức năng liên quan làm rõ. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, thường trực HĐND tỉnh lựa chọn một số nội dung quan trọng, nổi bật được đông đảo cử tri quan tâm để yêu cầu các trả lời tại hội trường. Để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả, giải quyết đến tận cùng vấn đề, đồng chí đề nghị các đại biểu, đại diện cơ quan chức năng phát huy cao trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể. Tất cả các ngành, địa phương có trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực đại biểu chất vấn sẽ trực tiếp tham gia giải trình tại phiên họp.

Theo đó, tại phiên chất vấn, lãnh đạo các sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Giao Thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Dân tộc tỉnh đã giải trình, trả lời chất vấn về các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm. Cụ thể là các nội dung liên quan đến công tác quản lý đối với các khoản thu, chi đầu năm học; vấn đề gia tăng tai nạn lao động; về tiến độ thi công mở rộng QL18A, đoạn Hạ Long - Mông Dương; vấn đề tiền lương và đóng BHXH cho cán bộ hợp đồng; tiến độ triển khai Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh…

 

CHÍNH SÁCH – QUẢN LÝ:

Chưa xem xét việc thu phí tham quan di tích Yên Tử (Tin tức 7/12)

Khách du lịch, người dân đi tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử vẫn chưa phải mất khoản phí nào cả.

Chiều 7/12, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Thành cho biết: Kỳ họp thứ IV, khóa XIII của HĐND tỉnh Quảng Ninh (diễn ra từ 5 – 7/12) không xem xét, bàn thảo vấn đề liên quan đến đề xuất thu phí tham quan di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (thành phố Uông Bí).

Ông Thành khẳng định: theo pháp luật, HĐND tỉnh Quảng Ninh có đủ thẩm quyền quyết định có hay không tổ chức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, hiện một số công trình văn hóa ở Yên Tử vẫn đang trong giai đoạn thi công ngổn ngang nên nếu xem xét và quyết định cho thu phí tham quan di tích Yên Tử sẽ gây ra phản cảm với người dân nói chung và khách du lịch nói riêng.

Như vậy, khách du lịch, người dân đi tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử vẫn chưa phải mất khoản phí nào cả.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh có trình phương án thu phí tham quan Yên Tử với mức giá: người lớn không quá 40.000 đồng/người, trẻ em không quá 20.000 đồng/người.

Trước đây, tỉnh Quảng Ninh đã từng tổ chức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử, đảm bảo cân đối nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý di tích, quản lý rừng đặc dụng Yên Tử, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch…

Tuy nhiên, đến năm 2007 Quảng Ninh đã quyết định tạm dừng thu khoản phí này. Từ năm 2012, UBND thành phố Uông Bí đã chủ trì xây dựng phương án thu phí tham quan Yên Tử trên cơ sở lấy ý kiến tham gia đóng góp của các sở, ban, ngành của tỉnh; Tổ chức hội thảo làm việc với đại diện cơ quan, đoàn thể có liên quan gồm: Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Công ty cổ phần Tùng Lâm (đơn vị kinh doanh cáp treo và dịch vụ trông giữ phương tiện).

 

NÔNG NGHIỆP – NÔNG THÔN:

“Chuyên nghiệp hóa” sản phẩm OCOP (Dân việt 8/12)

Sau 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm OCOP. Một trong những nội dung căn cơ mà chương trình này rất chú ý thực hiện là xây dựng thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu thương mại đối với sản phẩm.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ là vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ của mình.

Đăng ký hồ sơ bảo hộ cho 28 sản phẩm

Đối với tỉnh Quảng Ninh, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản, năm 2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 273/QĐ-UBND về việc ban hành “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015”. Chương trình này vẫn đang được tiếp tục triển khai với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu (gồm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; hình thành những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến tháng 9.2016, có 837 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó bảo hộ về lĩnh vực hàng hóa nông sản chiếm tỷ lệ 10%. Đã có 21 dự án xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh Quảng Ninh được hoàn thành, các sản phẩm sau khi xây dựng thương hiệu đã có đầy đủ nhãn hiệu, xác lập được quyền bảo hộ cho các chủ thể, chất lượng sản phẩm ổn định, mẫu mã đẹp, bước đầu được thị trường chấp nhận và đánh giá tốt. Vì chất lượng được khẳng định, nên giá bán các sản phẩm đều tăng cao hơn so với trước đó.

Đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 28 sản phẩm OCOP của tỉnh (5 nhãn hiệu chứng nhận; 20 nhãn hiệu tập thể; 3 nhãn hiệu thông thường).

Cụ thể, huyện Hoành Bồ có 8 sản phẩm, trong đó 3 nhãn hiệu tập thể (lá tắm người Dao, hoa Hoành Bồ, hoa đào đá Thống Nhất), 2 nhãn hiệu cá nhân (rượu bâu Bằng Cả, mật ong Hoành Bồ), 3 nhãn hiệu thông thường (nấm Kim Oanh, nấm Thịnh Phát, ổi ông Đới). TP.Uông Bí có 8 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (nấm linh chi, dầu xoa bóp trầu tiên, rượu linh chi, ba kích, rượu sâm cau, nước giải khát linh chi, nước uống tinh khiết suối nguồn, nước giải khát ba kích).

TP.Móng Cái có 1 nhãn hiệu là lợn Móng Cái. Huyện Ba Chẽ có 4 sản phẩm, trong đó 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (nấm lim Ba Chẽ, măng mai Ba Chẽ, mật ong Ba Chẽ), 1 nhãn hiệu cá nhân (sản phẩm cây và củ ba kích Ba Chẽ). Huyện Đầm Hà có 6 sản phẩm, trong đó 5 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (trứng vịt biển Đầm Hà, ngan sao Đại Bình, rượu khoai Quảng Lâm, gạo Bao thai Dực Yên, trứng vịt biển Tân Bình) và 1 sản phẩm có nhãn hiệu cá nhân (củ cải khô Đầm Hà). Huyện Tiên Yên có 1 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (trứng vịt biển Đồng Rui).

Bên cạnh việc hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng còn hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất về ghi nhãn hàng hóa, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh. Sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP đang dần trở nên quen thuộc, ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng của Quảng Ninh, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm.

Sản xuất kinh doanh “theo hướng chuyên nghiệp”

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mã số mã vạch cho sản phẩm của mình. Mặc dù đã được hướng dẫn đăng ký bảo hộ sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, nhưng nhiều sản phẩm OCOP chưa hoàn thiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP với khoảng 200 sản phẩm, tuy nhiên, số lượng sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu chưa nhiều.

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016 và phương hướng nhiệm vụ, giai đoạn 2017-2020 được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao sản lượng sản phẩm, duy trì chất lượng, đẩy mạnh quy mô sản xuất theo hướng chuyên nghiệp.

Với trên 200 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, các đơn vị cần rà soát, xem xét và lựa chọn các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã để hỗ trợ đầu tư mở rộng, phát triển. Các địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Nguyễn Đức Long khẳng định, Quảng Ninh sẽ tiếp tục điều chỉnh các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tế, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức kinh tế. Các địa phương cần lựa chọn, đề xuất các sản phẩm cũng như đẩy mạnh liên kết để hình thành nên các sản phẩm chung mang thương hiệu riêng của tỉnh, đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong tất cả các khâu để tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường nhằm từng bước mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu nông sản.

Loading...