TỔNG QUAN BÁO CHÍ (Bản tin sáng: Ngày 14 tháng 12 năm 2016)

14/12/2016 08:13

 

XÃ HỘI:

Quảng Ninh: Vân Đồn sẵn sàng để cất cánh (Báo Đầu tư 13/12)

Trong thời gian chờ phê duyệt Đề án Phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời phát triển các dự án động lực để tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Đường băng đã sẵn sàng

Không có đường tắt cho việc phát triển các đặc khu kinh tế. Muốn nhà đầu tư vào đặc khu, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, việc tạo sự kết nối với thế giới bên ngoài là điều cực kỳ quan trọng để có thể phát triển một đặc khu kinh tế thành công. Ông Andrew Grant, Giám đốc McKinsey & Company Singapore đã phát biểu như vậy khi đưa ra các khuyến nghị cho Quảng Ninh về việc phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn tại Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế, tổ chức tại Quảng Ninh hồi cuối tháng 3/2014.

Thực tế, kể từ khi có Thông báo 108-TB/TW ngày 1/10/2012 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động báo cáo Trung ương và tiến hành triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối các vùng, miền với Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn. Trong đó có những dự án quan trọng sắp cán đích, như Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng; Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18A Hạ Long - Mông Dương với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành trong năm 2017.

Cùng với nhiều dự án khác như Cầu Bắc Luân II, đường dẫn Cầu Bắc Luân II (đang được triển khai), tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (sắp thực hiện) đang và sẽ cải thiện căn bản hạ tầng giao thông kết nối KKT Vân Đồn với Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái. Nhờ đó, việc giao thương sẽ dễ dàng hơn và càng làm tăng sức hấp dẫn trong thu hút nguồn lực đầu tư vào KKT Vân Đồn.

Đặc biệt, sự kết nối với quốc tế của KKT Vân Đồn đang dần được hình thành, khi Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với tổng mức đầu tư trên 7.400 tỷ đồng, do Tập đoàn Sungroup là chủ đầu tư, đang được triển khai và đến cuối năm 2017 có thể đưa vào khai thác. “Dự án này càng có ý nghĩa với KKT Vân Đồn khi nơi đây được xác định sẽ xây dựng một khu đặc biệt theo hướng dịch vụ, du lịch cao cấp, trung tâm công nghệ, phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp sạch...”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Nếu sự kết nối với thế giới bên ngoài là điều kiện cần, thì giao thông nội khu sẽ là điều kiện đủ. Hiện hạ tầng giao thông nội khu của KKT Vân Đồn đã cơ bản hoàn thành. Tuyến giao thông trục chính nối các khu chức năng chính đã hoàn thành giai đoạn I với chiều dài 7 km, kết nối khu vực trung tâm của KKT với sân bay đã hoàn thành. Trong khi đó, giai đoạn II kết nối sân bay với khu công viên phức hợp có casino đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư. Bến cảng du lịch Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đã được đầu tư xây dựng mới và đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đã và đang được triển khai, như cảng Cái Rồng, cảng tàu và bãi đỗ xe tại khu vực chùa Cái Bầu, đường trục KKT Vân Đồn, cầu Vân Tiên...

Không chỉ có hệ thống giao thông được tập trung nguồn lực đầu tư, mà Quảng Ninh còn dành một phần nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng viễn thông, hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, rác thải... Riêng hạ tầng điện đã cơ bản hoàn thành với việc đưa điện lưới quốc gia tới 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt xấp xỉ 100%.

Sẽ sớm cất cánh

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo Đề án Phát triển khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xây dựng, nhu cầu vốn để xây dựng là khoảng 12 tỷ USD cho giai đoạn 2014 - 2030. Trong đó, giai đoạn đầu (2014 - 2020) cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với nhu cầu vốn đầu tư là 5,2 tỷ USD. Đến nay, với những kết quả ban đầu trong việc huy động vốn đầu tư hạ tầng, có thể thấy, bài toán này đã có lời giải.

Quảng Ninh đã rất thành công khi mời gọi được nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án trọng điểm trong KKT Vân Đồn, đó là Tập đoàn Sun Group. Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh và Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp (có hạng mục casino) là hai dự án được xác định có vai trò động lực. Trong đó, Dự án Cảng hàng không đang được triển khai, Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp (tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng) đang được lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

Song ngoài 2 dự án trên, Vân Đồn vẫn chưa thu hút được dự án nào khác có quy mô thực sự lớn, đóng vai trò động lực phát triển của KKT. Điều này đã minh chứng cho nhận định của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam rằng, “cần xác lập khung thể chế thực sự vượt trội theo chuẩn mực toàn cầu mới đảm bảo được tính hấp dẫn thực sự của đặc khu kinh tế đối với giới đầu tư thế giới”.

Mới đây, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2016, số 103/NQ-CP ngày 5/12, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên, đặt nền móng cho việc hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai của Quảng Ninh.

“Với những việc đã, đang làm khẩn trương, Quảng Ninh cũng đã liên tục gửi đi những thông điệp và có những hành động cụ thể để tạo những tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn”, ông Nguyễn Đức Long khẳng định.

 

Người có uy tín góp phần bảo vệ an ninh biên giới (Tin tức 14/12)

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 42,93 km đường biên giáp Trung Quốc. Đường biên chạy trên hệ thống núi cao và trên sông suối hiểm trở, công tác bảo vệ đường biên, cột mốc gặp nhiều gian nan, tuy nhiên lãnh đạo và nhân dân huyện đã vượt qua mọi khó khăn; từng bước xây dựng được đường biên giới phát triển hữu nghị, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín.

Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu khẳng định: Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, người có uy tín đã thể hiện rõ vai trò, vị trí đầu tàu của mình trong việc tham gia các phong trào như: Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng “Mái ấm biên cương”...

Trong những năm qua, người có uy tín tại các xã biên giới trên địa bàn Bình Liêu đã có hàng trăm lượt tham gia tuần tra biên giới cùng lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP); cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, tham gia đấu tranh với các biểu hiện sai trái trên tuyến biên giới, kịp thời phát hiện các vụ việc liên quan đến biên giới như chặt cây kinh tế trái phép, vận chuyển hàng hóa trái phép... thông báo cho các cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn.

Thượng tá La Tiến Chau, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, khẳng định: “Người có uy tín ở huyện Bình Liêu đã và đang khẳng định vị trí, vai trò gương mẫu của mình trên mọi lĩnh vực, trở thành cánh tay nối dài giữa Đảng, Nhà nước, bộ đội với dân bản”.

Một trong những nét đặc biệt của Bình Liêu là đội ngũ người có uy tín ngày càng được trẻ hóa. Anh Chìu Sìu Chăn, dân tộc Dao, ở bản Ngàn Cậm, xã Hoành Mô, được bầu làm trưởng bản từ năm 2010 và là người có uy tín trẻ và năng động nhất Bình Liêu. Anh tâm sự: “Những ngày mới đảm nhận công tác, tôi đã rất lo lắng vì còn quá trẻ; nhưng được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền, đặc biệt là đồng bào trong bản, tôi đã trưởng thành hơn và tự tin hơn trong công tác”.

Với vai trò là người có uy tín, anh Chăn đã vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, nhiều năm liền, bản Ngàn Cậm không có nạn tảo hôn, không xảy ra bạo lực gia đình, không tranh chấp, khiếu kiện... Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn luôn được chú trọng, trong nhiều năm không xảy ra trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc... Anh Chăn đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân không nghe theo kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá Nhà nước, luôn giữ tốt đoàn kết nội bộ; cùng bà con dân bản làm tốt công tác vận động thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự và tổ chức tốt đội dân quân, thường xuyên cung cấp thông tin có liên quan đến ANTT trên địa bàn.

Anh Chăn tâm sự, anh đang trăn trở về những việc làm cấp bách như: Mở đường dân sinh từ bản Nà Choòng đến bản Ngàn Cậm với chiều dài 8 km; kéo điện thắp sáng cho dân bản; xây dựng các mô hình trang trại đưa các giống cây trồng vật nuôi sản xuất và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật để bà con phát triển kinh tế hộ... Những khó khăn, bộn bề vẫn còn nhiều ở phía trước, song anh luôn quyết tâm và tin tưởng cùng bà con vượt qua để mang lại cuộc sống đủ đầy về vật chất và tinh thần cho bà con trong bản.

Ngoài anh Chìu Sìu Chăn, còn phải kể đến ông Phùn Tắc Sềnh ở bản Sông Moóc A, xã Đồng Văn; ông Lương Hải Đông ở bản Đồng Long, xã Đông Tâm... đã góp công, góp sức trong việc vận động đồng bào sống và làm việc theo pháp luật; tích cực tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc; phát huy được sức mạnh chính trị tổng hợp trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

 

TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG:

Tàu cá dùng kích điện “tận diệt” hải sản trên Vịnh Hạ Long (VOV 14/12)

Thời gian gần đây, trên vịnh Hạ Long vẫn xuất hiện hàng trăm chiếc tàu của bà con ngư dân sử dụng kích điện để đánh bắt cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long đã bị cấm và có chế tài xử phạt nhưng thực trạng khai thác kiểu “tận diệt” này vẫn tồn tại mà chưa được xử lý triệt để.

Dạo quanh 1 vòng trên Vịnh Hạ Long, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều tàu cá của bà con ngư dân sử dụng kích điện để đánh bắt hải sản. Những chiếc tàu này thường đi chậm, phía đuôi thuyền có nhiều dây, trong đó có 1 dây diện cỡ to cắm thẳng xuống biển. Mỗi lần tàu chậm lại và kéo theo một đống lưới phía sau để vớt hải sản khi bị điện giật.

Anh Nguyễn Xuân Phương, người dân sống trên Vịnh cho biết: “Gần như tàu nào cũng dùng kích điện vì như vậy mới bắt được nhiều cá. Mặc dù biết là cấm nhưng họ vẫn làm, chỉ những tàu nhỏ, máy nhỏ họ mới không dùng điện còn tàu to là toàn đánh điện”.

So với kiểu đánh bắt cá truyền thống, việc sử dụng kích điện để đánh bắt cá không mất sức lao động mà lại cho năng suất gấp nhiều lần. Các tàu cá chỉ cần trang bị một bộ kích điện, hai đầu dây được đấu nối với hai điện cực khác nhau để tạo điện trường trong nước, tàu càng lớn thì bộ kích điện càng khỏe, sức ảnh hưởng dưới mặt nước sẽ rộng hơn. Một đợt kích điện khoảng 2 tiếng và liên tục trong cả ngày và đêm. Như vậy, sẽ có hàng trăm kg hải sản bị tận diệt trong một lần tàu ra Vịnh.

Một người dân sống tại làng chài trên vịnh Hạ Long cho biết: “Cá cứ tầm 5 – 7kg là chết co giật hết, còn những con cá trứng, tôm, tép là chết hết nên là nguồn cá tôm này vãn đi, ít đi nhiều, không còn như ngày xưa. Bây giờ họ cứ đánh toàn điện không mà số lượng một ngày lại đông như vậy thì nguồn hải sản phải vãn, hết dần đi”.

Dù đã có chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác thủy, hải sản bằng kích điện nhưng với những lợi nhuận từ việc khai thác này thì những người ngư dân vẫn bất chấp để vi phạm.

Trung tá Phạm Ngọc Trường, Đội trưởng đội phòng chống tội phạm, Phòng cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong quá trình bắt giữ, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn cất giấu dụng cụ, phương tiện, dùng để đánh bắt thủy hải sản trái phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ các dụng cụ kích điện này xuống biển để phi tang, thậm chí có một số trường hợp còn chống đối lại lực lượng chức năng. Địa hình trên biển rất phức tạp, các đối tượng thường lợi dụng các luồng lạch, đảo núi, để hoạt động vi phạm nên đều phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát được chặt chẽ hơn”.

Theo ghi nhận của phóng viên, các thuyền đánh bắt hải sản trên vịnh Hạ Long hầu như không có biển số, ký hiệu. Chỉ có một số ít trong đó có biển kiểm soát nhưng cũng nhòe nhoẹt hoặc biến dạng.

Trung tá Phạm Ngọc Trường cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho công tác xử lý hành vi đánh bắt thủy sản trái phép trên vùng Vịnh Hạ Long chưa được triệt để là do chế tài xử phạt còn nhẹ, nhận thức pháp luật của ngư dân còn hạn chế dẫn tới vi phạm tái diễn. Rất nhiều trường hợp tái phạm nhiều lần.

Trung tá Phạm Ngọc Trường khẳng định: “Trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên Đán, chúng tôi tăng cường các biện pháp giáo dục quần chúng nhân dân, tuyên truyền pháp luật, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng kích điện để xử lí theo quy định của pháp luật”.

Việc "tận thu" hải sản trên Vịnh Hạ Long đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cảnh quan, nguồn lợi thuỷ sản bị cạn kiệt. Từ thực trạng đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về thực hiện các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để không còn tình trạng khai thác thủy, hải sản kiểu “tận diệt” tái diễn trên Vịnh Hạ Long - nơi được hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

 

PHÁP LUẬT:

Ngày 16-12 sẽ xét xử vụ thảm sát 4 bà cháu (Pháp luật TPHCM 13/12)

Dự kiến ngày 16-12, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng khiến bốn người trong một gia đình ở phường Phương Nam, TP Uông Bí tử vong.

Trước đó, ngày 29-11, VKSND tỉnh đã ra quyết định truy tố Doãn Trung Dũng (sinh năm 1971, phường Trưng Vương, TP Uông Bí) về các tội giết người và cướp tài sản.

Theo cáo trạng, Dũng không có việc làm ổn định, lại thường xuyên sử dụng ma túy nên không có tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Khoảng 19 giờ ngày 23-9, Dũng đến nhà một người có quan hệ họ hàng là chị Vũ Thị Thanh vay tiền. Khi đi Dũng thủ sẵn một con dao bầu. Tuy nhiên, chị Thanh đi làm ca đêm và ở nhà chỉ có mẹ chị là bà Nguyễn Thị Hát và hai con chị Thanh là cháu Phạm Đình Hưng (sinh năm 2007), cháu Phạm Thu Hà (sinh năm 2008) và cháu Vũ Khánh Huyền (sinh năm 2013, là cháu ruột của chị Thanh).

Vào nhà, Dũng hỏi vay tiền nhưng bà Hát nói không có tiền cho vay. Do lúc này trời mưa to nên bà Hát mời Dũng ăn cơm và ngủ lại nhà. Trong lúc ăn cơm, khi nói đùa Dũng có gọi cháu Hưng là “thằng chó” và bị Hưng nói lại: “Thế thì bác cũng là chó” nên Dũng đâm bực. Sau khi ăn cơm xong, Dũng ngủ tại phòng khách rồi lần lượt sát hại cháu Hưng, cháu Hà, bà Hát và cháu Huyền... Sau đó Dũng lục soát đồ đạc trong nhà chị Thanh để tìm tài sản nhưng không thấy nên lấy chiếc nhẫn vàng và đôi bông tai vàng trên người bà Hát rồi về nhà.

Năm 1990, Dũng bị TAND TP Hải Phòng xử phạt bảy năm sáu tháng tù về tội cướp tài sản và trộm cắp tài sản. Năm 2004, Dũng bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên chín năm tù về tội mua bán trái phép ma túy. Ngày 13-8-2010, Dũng hết hạn tù.

Sử dụng xe bán tải vận chuyển pháo lậu từ khu vực biên giới vào nội địa (Báo QN 13/12)

Tối 12/12, phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh đã bàn giao đối tượng, tang vật, phương tiện vụ vận chuyển 50 dàn pháo hoa do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ để cơ quan CSĐT - Công an huyện Tiên Yên điều tra làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.

Vụ việc được tổ công tác thuộc Đội Tuần tra kiểm soát giao thông, phòng CSGT đường bộ, đường sắt phát hiện vào hồi 20h50 ngày 12/12, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Km 217+300, Quốc lộ 18, thuộc địa phận xã Đông Hải, huyện Tiên Yên.

Thời điểm trên, tổ công tác do Thiếu tá Nguyễn Văn Sang làm tổ trưởng, phát hiện xe ôtô bán tải BKS 14C - 130.29 di chuyển theo hướng Móng Cái – Hạ Long vi phạm luật giao thông đường bộ. Tiến hành kiểm tra hành chính đối với người điều khiển và phương tiện vi phạm, tổ công tác xác định lái xe là Diêm Công Phương, SN 1962, thường trú tại Bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, trên xe có chở 3 thùng giấy bìa cứng bên trong có 50 dàn pháo hoa có kích thước 14,5cm x 14,5cm x 15cm do Trung Quốc sản xuất. Bước đầu lái xe khai nhận vận chuyển thuê số pháo trên từ xã Quảng Thành, huyện Hải Hà về phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả.

Loading...