TỔNG QUAN BÁO CHÍ (Bản tin sáng: Ngày 20 tháng 12 năm 2016)

20/12/2016 08:17

QUY HOẠCH – XÂY DỰNG:

Quảng Ninh: Cương quyết dỡ bỏ rào cản trong kiến thiết đô thị (Xây dựng 19/12)

Đầu tháng 12, Báo Xây dựng điện tử có bài “Vân Đồn, Quảng Ninh: Cần giải quyết những khúc mắc từ một dự án”. Ngày 8/12, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có cuộc làm việc với UBND huyện Vân Đồn cùng các Sở, ngành liên quan để xem xét những dự án chậm tiến độ, có chú trọng đến dự án này, bởi đây là một dự án kiến thiết đô thị, trung tâm khu kinh tế năng động vùng hải đảo Đông Bắc bộ.

Nội dung bài báo đã phản ánh như sau: Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ngày 01/8/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 2659 QĐ-UBND, giao cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vương Long, đầu tư cơ sở hạ tầng, trên thửa đất 144.147m2, diện quy hoạch mở rộng đô thị Cái Rồng, huyện Vân Đồn, theo hình thức đổi đất lấy công trình.

Ông Trịnh Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng cho biết: Nguồn gốc khu đất này là của người Việt gốc Hoa để lại. Sau sự kiện người Hoa (1979), Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp do ông Lương Ngọc Quýnh làm chủ nghiệm tiếp quản. HTX giao cho 24 hộ xã viên thuộc diện di dân “kinh tế mới” người ở xã Cộng Hòa, thị xã Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) và xã Liên Vị (Quảng Yên) mới đến định cư cùng người địa phương để trồng rau. HTX giao đất theo hình thức khoán 5 khâu. Nôm na gọi là khoán giao nộp sản phẩm trên đất, không giao quyền sở hữu đất (còn có tài liệu lưu mà xã viên ký nhận). Từ 1979-1995, chân ruộng này còn cho ra sản phẩm, nhưng năng suất thấp, vì đất chua phèn, nhiễm mặn, lại thiếu hệ thông kênh mương nội đồng. Từ năm 1995-2005, đất đai ở đây hầu như bỏ hóa. Một số người tự ý cơi nới, xây dựng nhà ở (khi ấy việc quản lý đất đai ở địa phương còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ như bây giờ). Năm 2005, tỉnh có chủ trương mở rộng thị trấn Cái Rồng thì trong khu đất quy hoạch này có 73 hộ có đất và tài sản trên đất, liên quan đến chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án ngày đầu triển khai suôn sẻ, đã cơ bản GPMB thu hồi đất xong. 6/24 hộ xã viên ngay trong ngày động thổ đã vui vẻ nhận tiền đền bù, giao đất. Dự án vận hành theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu đền bù thu hồi đất đến đó, đôi bên đều có lợi. Dân thì tận dụng được đất đai, lợi thu cây ngắn ngày. Doanh nghiệp thi công đến đâu, xuống tiền đến đấy, không bị đọng vốn.

Đến nay là năm thứ 11 dự án vẫn còn bề bộn, chưa xong do nhiều nguyên nhân, trong đó công tác thu hồi đất, GPMB là nút thắt chính. Bởi một số hộ không đồng thuận với quyền lợi được hưởng sau khi bị thu hồi đất, vì chưa hiểu rõ sự khác nhau của các loại hình dự án, dẫn đến khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng xấu đến công tác GPMB.

Dự án xây dựng khu đô thị mới ở Cái Rồng là dự án vận hành theo chính sách “đổi đất lấy công trình”. Nghĩa là nhà nước có quỹ đất, giao cho Doanh nghiệp bỏ vốn ra kiến thiết khu đô thị mới, gồm xây lắp cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước… Khi hoàn thành, giao cho Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp được trả công bằng một diện tích đất tương ứng với số tiền bỏ ra đầu tư... Các chi phí đều theo giá cả nhà nước quy định. Chi phí bao nhiêu thì được truy trả bằng diện tích đất tương ứng với số tiền bấy nhiêu. Doanh nghiệp chỉ làm thuê cho nhà nước, được trả công bằng quỹ đất để bán, lời ăn lỗ chịu.

Dự án đô thị khu 5 Cái Rồng không phải là dự án thương mại, nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân về giá cả đền bù. Đúng lý, nhà nước phải tổ chức GPMB, doanh nghiệp chỉ nhận đất khi không còn vướng mắc nhà cửa, hoa màu trên mặt đất, công trình ngầm dưới lòng đất (đất sạch). Nhưng phần vì doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư quá nhiều, ngày ngày chịu lãi suất “thượng phong” của Ngân hàng. “Của đau con xót”, tuy chỉ là một thành phần trong Hội đồng đền bù thu hồi đất, nhưng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vương Long phải chạy đôn chạy đáo lo GPMB, đối mặt với dân, tự chuốc khó về mình. Còn dân và một bộ phận không ít cán bộ cơ sở hiểu không đúng bản chất loại hình dự án “đổi đất lấy công trình”. Và không ít người cố tình đánh tráo khái niệm dự án Nhà nước thu hồi đất với dự án thương mại, nhằm vụ lợi. Cửa tiền họ tỏ ra hăng hái đôn đốc GPMB, cửa hậu lại lén lút xúi bẩy dân khiếu kiện, khiến dư án rơi vào thế tranh chấp gay gắt giữa người trong diện đền bù với chủ doanh nghiệp.

Ngày 24/11/2016, nhà thầu thi công trên phần đất của 11 hộ xã viên đã nhận tiền trợ giá bổ sung lần 2, giao đất xong không còn thắc mắc. Nghịch lý là 7 hộ đã nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận tiền bổ sung lần 2 kéo theo gần 60 người đến cản trở thi công chẳng phải trên đất nhà mình. Cuộc giằng co giữa nhóm lái xe máy của Công ty Thiên Sơn (đơn vị làm thuê cho Nhà đầu tư) với nhóm dân quá khích diễn ra gay cấn. Do không kiềm chế được, một lái xe tên là Chung cùng là người ở địa phương đã xô xát bà Phạm Thị M, người lớn tiếng lăng mạ và ném đất đá vào phương tiện thi công. Bà M bị đau, phải đưa đi viện. Công an huyện đã xử lý vụ việc ẩu đả này.

Ngày 8/12, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có cuộc làm việc với UBND huyện Vân Đồn cùng các Sở, ngành liên quan để xem xét những dự án chậm tiến độ, có chú trọng đến dự án này. Phó Chủ tịch Vũ Văn Diện khẳng định: Dự án đô thị trung tâm thị trấn Cái Rồng là dự án Nhà nước thu hồi đất, không có cơ chế thỏa thuận, giá cả đền bù thu hồi đất được áp dụng theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP về đất nông nghiệp và đất ở năm 2013. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện Vân Đồn và đề nghị Hội luật sư thẩm tra kỹ việc tách khẩu, việc sử dụng đất nông nghiệp của 24 hộ xã viên; đồng thời yêu cầu các cơ quan nội chính, chính quyền huyện Vân Đồn phải có biện pháp bảo vệ thi công, triển khai dự án, không để tình trạng dự án dở dang kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của dân, mất cảnh quan môi trường, thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến chủ trương mở cửa kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Dự luận hoan nghênh tinh thần chỉ đạo cương quyết của UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm dỡ bỏ những boong-ke, rào cản khi đã giải quyết đúng chính sách chế độ đền bù, thu hồi đất, GPMB, vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng đô thị là niềm mong mỏi chung của bao người.

 

NÔNG NGHIỆP – NÔNG THÔN:

Chấm dứt nuôi thủy sản trong vịnh Hạ Long (CAND 20/12)

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, hạn chế, tiến tới chấm dứt các điểm nuôi trồng thủy sản trong khu vực Vịnh Hạ Long.

Tỉnh Quảng Ninh chỉ cho phép nuôi trồng thủy sản tại các khu vực có quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và tuân thủ quy định; không thực hiện khai thác thủy sản dưới mọi hình thức tại các điểm tổ chức cho khách tham quan du lịch, hang động, bãi tắm, luồng đường thủy, tuyến du lịch và các khu vực được cấp có thẩm quyền quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái; không thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản tại khu vực di sản thế giới, trừ nghề câu, lặn giải trí, sử dụng ngư cụ truyền thống phục vụ du lịch trải nghiệm được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Quy chế quản lý vịnh Hạ Long quy định các lĩnh vực như: quản lý bảo tồn di sản vịnh Hạ Long, hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; cư trú trên vịnh Hạ Long; kinh phí thực hiện quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản vịnh Hạ Long; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với vịnh Hạ Long.

Phạm vi áp dụng Quy chế gồm toàn bộ khu vực di sản vịnh Hạ Long (gồm vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, trừ phạm vi của rừng quốc gia Bái Tử Long). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động liên quan đến vịnh Hạ Long phải tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam, tuân thủ Công ước về bảo vệ di sản thế giới và Quy chế này.

Các hoạt động khai thác và phát huy giá trị vịnh Hạ Long (kể cả các Dự án phát triển kinh tế - xã hội trên Vịnh) đã và đang thực hiện nếu chưa phù hợp với các quy định tại Quy chế này thì các tổ chức, cá nhân (chủ các dự án) phải tiến hành xem xét, điều chỉnh lại và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cho phù hợp.

UBND TP Hạ Long phối hợp với các đơn vị chức năng và các địa phương như: TPCẩm Phả, TX Quảng Yên và các huyện: Vân Đồn, Cô Tô, Hoành Bồ triển khai thực hiện Quy chế; kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện.

 

XÃ HỘI:

400 áo ấm tặng trẻ em vùng cao Móng Cái (Đài PTTH QN 19/12)

Ngày 18/12, tại hai xã Bắc Sơn, Hải Sơn, Nhóm từ thiện “Quảng Ninh thân yêu” phối hợp với cán bộ chiến sỹ Lâm trường 42 tổ chức trao tặng 400 chiếc áo ấm cho trẻ em vùng cao.

Nhằm chia sẻ với những khó khăn, động viên các em nhỏ vùng cao vững bước tới trường, nhờ sự kết nối của cán bộ chiến sỹ Lâm trường 42 và được sự đồng ý của chính quyền hai địa phương Bắc Sơn, Hải Sơn (TP Móng Cái), nhóm từ thiện "Quảng Ninh thân yêu" đã huy động và trao gần 400 chiếc áo ấm cùng nhiều món quà ý nghĩa giành tặng các em học sinh mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn hai xã Bắc Sơn, Hải Sơn với tổng giá trị quà trên 80 triệu đồng.

Hoạt động thiện nguyện này đã thiết thực động viên khích lệ tinh thần đối với các em học sinh, các bậc phụ huynh và cấp ủy, chính quyền, nhân dân hai địa phương vùng cao của TP Móng Cái và là nghĩa cử cao đẹp rất nên được nhân rộng.

Được biết, nhóm từ thiện “Quảng Ninh thân yêu” thành lập năm 2012, tập hợp các thành phần là cán bộ, giáo viên, doanh nhân và những người có tấm lòng hảo tâm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ khi thành lập tới nay, nhóm luôn giành sự quan tâm đặc biệt tới trẻ em vùng cao ở Móng Cái với số tiền, quà huy động trao tặng mỗi dịp là gần 100 triệu đồng.

 

PHÁP LUẬT:

Công an Quảng Ninh nói gì về nữ thủ quỹ ngân hàng vỡ nợ hàng trăm tỷ? (Tiền phong 19/12)

Liên quan vụ Bùi Phương Thảo (SN 1974), Thủ quỹ Phòng giao dịch Bãi Cháy, Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh Quảng Ninh (VIB Quảng Ninh), vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nói sẽ xử lý nghiêm.

Đại tá Thái Hồng Công, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, các nạn nhân cần liên lạc theo số điện thoại: 0333.2808.370; hoặc liên hệ trực tiếp điều tra viên thụ lý vụ án theo số điện thoại 0989.668.559 để được giải quyết.

Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị, khi đến trình báo, làm việc với PC46 Công an tỉnh, những người cho Thảo vay tiền và người dân liên quan đến vụ lừa đảo cần đem theo các tài liệu chứng minh.

Trong một diễn biến liên quan, một số đơn tố cáo cho biết Bùi Phương Thảo chính là cháu họ của đại tá Thái Hồng Công, lại có chồng là cán bộ cảnh sát giao thông nên họ thêm tin tưởng khi cho vay tiền. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Thái Hồng Công nói: "Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần bị xử lý nghiêm minh”.

 

Xét xử 25 bị cáo trong đường dây buôn bán 5.346 bánh heroin (Kiến thức 19/12; Tiền phong 19/12; Tuổi trẻ 19/12; TTXVN 19/12; VnExpress.net 19/12)

25 đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy khủng lên đến 5.346 bánh heroin vừa bị TAND tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử từ ngày 19/12.

Ngày 19/12, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 đối với 25 bị cáo trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia do Hoàng Văn Tiến (SN 1986, thường trú tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) và Trần Thu Hằng (SN 1978, thường trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cầm đầu.

Đây là vụ án ma túy phức tạp, nhiều đối tượng, mua bán tổng cộng 5.346 bánh heroin, hơn 35.000 viên ma túy tổng hợp. Bởi vậy Hội đồng xét xử đã tổ chức phiên tòa ngay trong trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh (thuộc phường Hà Trung, TP.Hạ Long). Số lượng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Ninh được huy động bảo vệ phiên tòa trong thời gian xét xử lên đến hơn 100 người.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 sẽ xét xử hai đối tượng cầm đầu đường dây là Hoàng Văn Tiến (30 tuổi, thường trú tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La) và vợ là Trần Thu Hằng (38 tuổi, quê ở phường Ngô Quyền, TP.Bắc Giang, Bắc Giang) cùng 23 bị cáo khác trú tại Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…, bị truy tố với các tội danh: mua bán; tàng trữ trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và che giấu tội phạm. Dự phiên tòa còn có 6 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Chủ toạ phiên toà xét xử lần này là Thẩm phán Nguyễn Xuân Tiến. Trước đó, ngày 19/10, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án trên, nhưng sau một buổi sáng, phiên tòa đã tạm hoãn để điều tra làm rõ thêm một số tình tiết của vụ án.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, vợ chồng Tiến cùng đàn em là 1 trong 5 nhánh thuộc đường dây chuyên mua ma túy từ Lào về Việt Nam để bán sang Trung Quốc và ngược lại. Từ năm 2003 - 2013, toàn bộ đường dây này đã mua bán tổng cộng 5.346 bánh heroin; 35.200 viên ma túy tổng hợp và hơn 1 kg ma túy tổng hợp dạng đá. Các đối tượng hoạt động trên địa bàn rộng gồm các tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn. Ngoài ra, Hoàng Văn Tiến còn có hành vi cất giữ trái phép 1 khẩu súng K59 kèm theo 7 viên đạn quân dụng. Trong quá trình phá án, Công an tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ 22 bánh heroin, 60 viên ma túy tổng hợp, gần 122 g cây cần sa khô, 1 khẩu súng K59 của Tiến kèm theo 7 viên đạn...

Trước đó, tháng 1/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 với 4 nhánh còn lại trong đường dây buôn bán ma túy “khủng” này có 89 đối tượng do Sa Văn Cầu; Nguyễn Hùng Dũng và Sồng A Lâu; vợ chồng Nguyễn Thanh Tuân - Vũ Thị Thanh Huyền và cặp Nguyễn Thị Hoàn - Nguyễn Ngọc Đoan cầm đầu. Trong số này có 30 người bị tuyên tử hình, 13 người nhận án tù chung thân, 46 đối tượng còn lại bị tuyên phạt mức án từ cảnh cáo đến 20 năm tù cho các tội: mua bán trái phép chất ma túy; làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; không tố giác tội phạm; đưa hối lộ...

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ ngày 19/12 đến ngày 30/12/2016.

Loading...