CHÍNH SÁCH – QUẢN LÝ:
Cần minh bạch việc thu phí vãn cảnh danh thắng và chùa Yên Tử (PhapluatPlus 8/12)
Trước những ý kiến trái chiều, Pháp Luật Plus đã có cuộc trao đổi với các vị khách mời gồm: Đại diện GHPG VN tỉnh Quảng Ninh - Đại đức Thích Đạo Hiển; Nhà nghiên cứu văn hóa Lương Gia Tĩnh; Luật sư Hoàng Văn Hướng- Đoàn Luật sư Hà Nội.
PV: Thưa Đại đức Thích Đạo Hiển, Đại đức có chia sẻ như thế nào với bà con phật tử khi TP Uông Bí có đề xuất thu phí vãn cảnh Danh thắng Yên Tử?
Đại đức Thích Đạo Hiển: Yên Tử mấy năm qua rất tốt, được xã hội đặc biệt là phật tử tín đồ, đồng bào phật giáo đánh gia rất cao. Được như vậy là nhờ sự chỉ đạo rất rõ ràng. Tại Yên Tử, việc quản lý nhà nước thì thuộc Ban quản lý di tích, việc tín ngưỡng tôn giáo thuộc GHPG VN tỉnh Quảng Ninh, còn việc kinh doanh trên địa bàn là việc của doanh nghiệp, rất rõ ràng rành mạch.
Hiện nay, chúng tôi được biết Nhà nước muốn bán vé vào Khu di tích Danh thắng Yên Tử, tạo sự bức xúc rất lớn cho bà con phật tử, tín đồ phật giáo và nhân dân. Điều này ảnh hưởng đến quyền của tín đồ phật tử. Bởi vì, pháp luật quy định, mọi người đều có quyền được đi chùa lễ phật, thực hiện nghi lễ tôn giáo mà không bị việc bán vé cản trở.
Chùa Yên Tử được xếp hạng di tích danh thắng từ lâu, tuy nhiên, trước khi xếp hạng thì chùa đã có hàng ngàn năm nay. Chúng ta không thể lấy cái lý là được xếp hạng di tích danh thắng để bán vé. Hai cái này khác nhau. Dự thảo là bán vé tham quan vãng cảnh, nhưng 99% nhân dân đến Yên Tử là đi lễ phật, thực hiện nghi lễ tôn giáo. Vì vậy Tăng ni phật tử tín đồ và đại đa số nhân dân không đồng thuận về việc bán vé tại Yên tử.
Hiện nay đã có vé bến bãi, vé gửi xe, vé cáp treo,... nghĩa là vé dịch vụ rồi, giờ thêm một vé nữa nghĩa là vé chồng thêm vé.
PV: Yên Tử là Kinh đô Phật giáo cả nước, phần lớn các công trình tôn giáo ở đây do GHPGVN kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội. Điều này, đồng nghĩa với việc, khi mà người dân họ phải đóng góp tiền để xây dựng vào Yên Tử để tỏ lòng thành kính với Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, nếu bây giờ họ lại phải bỏ ra một số tiền nữa, như thế có công bằng không ạ?
Đại đức Thích Đạo Hiển: 10 năm nay việc trùng tu tôn tạo Khu Di tích Danh thắng Yên Tử hoàn toàn là nguồn xã hội hóa. Và cũng do một chủ trương như thế nên đã tạo được nguồn lực rất lớn trong nhân dân. Khi giao việc trùng tu tôn tạo do giáo hội kêu gọi, thì người ta sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ để xây chùa. Thì việc đấy là việc tâm đức nghìn năm nay của nhân dân. Hiện nay, Nhà nước mà bán vé thì ảnh hưởng đến tình cảm của bà con phật tử, tín đồ, đặc biệt là những người đã bỏ tiền ra công đức.
PV: Đến với chương trình ngày hôm nay còn có sự góp mặt của nhà nghiên cứu văn hóa Lương Gia Tĩnh. Là người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Phật giáo, ông có suy nghĩ như thế nào khi UBND TP Uông Bí đề xuất thu phí vãng cảnh tại khu Danh thắng Yên Tử ạ?
Nhà nghiên cứu văn hóa Lương Gia Tĩnh: Thật ra, chuyện này là cả một câu chuyện. Trước hết, cũng như là Đại đức Thích Đạo Hiển đã nói, cá nhân tôi thấy nó cực kỳ phản cảm. Đầu năm, theo cái tâm thức chung của người Việt, đi chùa lễ phật cầu phúc cầu lộc chưa gì đã mất tiền mua vé. Hơn nữa, các trung tâm tín ngưỡng tôn giáo, di tích lớn như Đài Loan họ không thu vé. Tôi nghĩ, việc làm kinh tế bằng hình thức buôn bán chứ không nên làm kinh tế bằng hình thức bán vé tham quan, vãn cảnh chùa.
PV: Có mặt tại buổi trò chuyện này, chúng ta còn có Luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn luật sư Hà Nội cũng là một phật tử thuần thành. Hàng năm, ông đều hành hương về Yên Tử để lễ Phật. Với góc độ là nhà nghiên cứu luật, ông có ý kiến như thế nào về việc TP Uông Bí đưa ra đề xuất thu phí vãng cảnh Yên Tử?
Luật sư Hoàng Văn Hướng: Chúng ta phải hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, các hệ thống chùa ở Yên Tử gắn chặt với danh thắng Yên Tử thì chúng ta phải làm rõ giữa chùa và danh thắng đang gắn chặt với nhau. Hiện nay, chúng tôi chưa biết được rằng chính quyền địa phương tại TP Uông Bí cũng như tỉnh Quảng Ninh sẽ vận dụng vào hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật nào để có thể nói là xây dựng, ban hành ra các quyết định để thu phí thăm chùa...
Nhìn về mặt xã hội đã thấy không khách quan, từ đấy tôi lấy tư cách là một phật tử, một cử tri, tôi hoàn toàn phản đối quan điểm thu phí tham quan cũng như đi lễ Yên Tử.
Nên chăng, việc nhìn về góc độ xã hội, hoàn toàn người sắp sửa ban hành quyết định này phải xem xét một cách rộng rãi, kể cả từ các căn cứ theo văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như những ý kiến khách quan trong toàn thể xã hội. Phải làm sao để thấu tình đạt lý thì khi ban hành văn bản mới có hiệu lực thi hành. Còn không thì hoàn toàn gây lên bức xúc xã hội và để lại những hệ lụy xấu.
PV: Trở lại câu hỏi với Đại đức Thích Đạo Hiển, trước khi TP Uông Bí đề xuất thu phí vãn cảnh Yên Tử, Ban trị sự Phật giáo tỉnh đã có ý kiến bằng văn bản đối với các cấp chính quyền không? Và, việc lấy ý kiến của các phật tử về việc này như thế nào?
Đại đức Thích Đạo Hiển: Chúng tôi - ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chưa nhận được văn bản nào về việc lấy ý kiến của GHPGVN tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.
Chúng tôi được mời dự một cuộc Hội nghị gọi là hội nghị lấy ý kiến đóng góp về việc thu phí tham quan vãn cảnh Khu di tích Danh thắng Yên Tử. Nhưng UBND TP Uông Bí chỉ mời chúng tôi đến với tư cách là chứng kiến. Tại Hội nghị, không có đại diện phật giáo tại địa phương, cũng không có đại diện các tăng ni, trụ trì các chùa trên địa bàn.
Vì vậy, tôi thấy Hội nghị ấy không đúng tinh thần dân chủ. Đúng ra, chúng ta phải tổ chức một cuộc điều tra xã hội học, lấy phiếu thăm dò ý kiến nhân dân. Và chúng tôi cam đoan 99% nhân dân đi đến Yên Tử là vì tín ngưỡng tôn giáo, lễ phật chứ không phải tham quan vãng cảnh và du lịch. Hai việc này hoàn toàn khác nhau.
PV: Như Đại đức Thích Đạo Hiển vừa nêu về quy trình để đưa ra đề xuất thu phí của TP Uông Bí, luật sư có đánh giá như thế nào về quy trình ban hành văn bản này?
Luật sư Hoàng Văn Hướng: Quan điểm của tôi, đây là một văn bản quy phạm pháp luật chưa đạt yêu cầu. Rõ ràng, cần lắm là các cơ quan đã xem xét ban hành văn bản này phải khẩn trương thực hiện theo đúng các quy trình về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mà đây, quan điểm của tôi rõ ràng là có một vấn đề quan trọng nhất, chúng ta hiểu là nền hành chính đều đang đặt mục tiêu là nền hành chính vì dân. Mà nền hành chính vì dân mà hiện nay dân không được ý kiến thì tôi hoàn toàn không đồng ý.
Chúng ta phải hiểu rằng, bản chất của pháp luật hiện nay trong hiến pháp năm 2013 chúng ta đề cao những vấn đề quyền con người. Tôi cho đây là vấn đề quyền con người nên thiết nghĩ, văn bản này ban hành thu phí trước hết là tạm dừng lại để lấy ý kiến rộng rãi, khi "thấu tình đạt lý" thì quan điểm đó ban hành cũng chưa muộn.
PV: Thưa luật sư, dự thảo của tỉnh Quảng Ninh có tên "Thu phí tham quan vãng cảnh danh thắng Yên Tử" có đúng tiêu chí không ạ?
Luật sư Hoàng Văn Hướng: Ở trong dự thảo này, chỉ có UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra xem xét thu phí tham quan vãn cảnh Yên Tử thì hoàn toàn không thể chấp nhận được. Vì Danh thắng này nó bao bọc toàn thể trong hệ thống quần thể của chùa, chúng ta không thể tách ra được. Mà đã đến Yên Tử, mục đích chính tôi nghĩ là đi lễ chùa. Nên chăng, cái này hoàn toàn là cái cớ đưa ra để vấn đề thu phí được hợp lý, đây là mục đích không khách quan.
Để trả lời cho câu hỏi này, là tôi hoàn toàn phản đối. Nên chăng, cách nhìn của những người chuẩn bị ban hành ra văn bản này, những người đang đứng trong nội dung tham mưu cho những người có thẩm quyền phải xem xét lại về mặt nội dung, hình thức và trong cả văn phong của hệ thống văn bản này. Lúc đó tôi nghĩ rằng nó đảm bảo được tính khoa học về vấn đề luật pháp.
Vâng, xin được cảm ơn các vị khách mời!
XÃ HỘI:
Dự án nạo vét sông Móng Cái, tận thu sản phẩm: Chọn “công nghệ” cũ, giấu nhẹm ý kiến trái chiều (Lao động 8/12)
Như báo Lao Động đã đưa tin, việc nạo vét, tận thu sản phẩm trên sông Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, do Cty CP Xây dựng và Thương mại Linh Long (Cty Linh Long) thực hiện theo họp đồng với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đã bị đình chỉ do những sai sót, bất cập trong quá trình khai thác. Trả lời báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – cho biết địa phương đang chờ đợi câu trả lời từ Bộ GTVT về việc dừng dự án hoặc giao lại cho địa phương quản lý.
Theo hợp đồng, Cty Linh Long tiến hành nạo vét khoảng 13,7km luồng sông Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tận thu các sản phẩm từ khu vực cầu Hòa Bình đến Mũi Ngọc. Theo hợp đồng, khối lượng mà Cty Linh Long nạo vét là gần 2,5 triệu m3, bề rộng luồng là khoảng 50m, cao độ đáy luồng thiết kế khoảng -4,7m.
Tuy nhiên, sau khi đã nạo vét được khoảng 800m thì bị yêu cầu tạm dừng cty này áp dụng Thông tư 37 về nạo vét luồng đường thủy, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, ban hành ngày 24.10.2013, thay vì phải áp dụng thông tư mới nhất của Bộ GTVT – Thông tư 69, cùng về nội dung trên nhưng có nhiều điểm siết chặt quản lý hơn.
Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh, trước khi tiếp tục nạo vét, nhà đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục theo Thông tin 69. Trong đó, phải công khai kế hoạch, tiến độ, phạm vi, phương pháp, công nghệ nạo vét, cũng như chi tiết phương án tận thu, đổ thải… để người dân và các cơ quan chức năng giám sát.
Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – qua quá trình giám sát đã phát hiện có hiện tượng hút lọc lấy cát ngay trên sông, còn rác thì vứt bỏ lại tại chỗ, trong khi lẽ ra phải nạo vét, hút đem đi nơi khác để xử lý.
Không những vậy, trong đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai dự án cũng có vấn đề. Đoạn sông nằm trong dự án liên quan tới 6 phường. Khi nhà đầu tư lấy ý kiến của người dân thì có 5 khu dân cư của 5 phường đồng ý, chỉ có phường Bình Ngọc, đơn vị tổ chức lấy phiếu (130 phiếu) thì tất cả đều không đồng ý.
“Tuy nhiên, khi công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chỉ báo cáo lên Bộ GTVT chỉ có 5 phường. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét trách nhiệm vấn đề này, vì sao lại giấu nhẹm đi 130 phiếu không đồng ý của người dân Bình Ngọc” – ông Thành cho biết.
Cùng với việc tạm dừng nạo vét, tận thu sản phẩm, ngày 5.9.2016, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có văn bản giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo việc xây dựng văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT để chấm dứt hoặc giao lại cho địa phương quản lý, giám sát dự án.
Theo đánh giá, sông Móng Cái có trữ lượng cát, sỏi, đá…khá lớn, nhưng lại rất nhạy cảm đối với mạch nước ngầm của thành phố nếu không có phương án khai thác hợp lý. Trong đó, nếu nạo vét quá mức, khi thủy triều thấp, nước sông sẽ trôi tuột ra biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm của thành phố.
Đặc biệt, nếu phá thác Hàn – có nhiệm vụ quan trọng làm giảm tốc độ dòng chảy khi thủy triều lên - xuống, nhằm vừa giữ nước cho phía thượng lưu, đồng thời hạn chế nước biển xâm mặn – sông Móng Cái sẽ trơ đáy nhiều đoạn.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, trong báo cáo kiến nghị cử tri, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT trả lời đề nghị của Quảng Ninh về việc dừng hoặc giao dự án cho tỉnh quản lý, giám sát.
Hạ Long – Quảng Ninh: Xây dựng chung cư “đe dọa” tính mạng học sinh (Thương hiệu và Công luận 8/12)
“Nguy hiểm luôn rình rập chúng cháu!” - Đó là nỗi lo của các em học sinh Trường THCS Kim Đồng (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) khi ngày ngày phải “nín thở” đi qua con đường duy nhất mới có thể đến với ngôi trường của mình.
Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THCS Kim Đồng (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) về việc mất an toàn khi con em của họ phải đi qua nơi đang xây dựng công trình mới có thể đến nơi học tập. Điều đáng chú ý hơn cả là con đường đó, các em chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ.
Theo tìm hiểu của PV, đề án cải tạo, xây mới chung cư xuống cấp là chủ trương của tỉnh Quảng Ninh nói chung và quyết tâm của TP. Hạ Long nói riêng. Tháng 7/2016, TP. Hạ Long đã di dời toàn bộ người dân ra khỏi khu chung cư lô 4, 5 thuộc phường Trần Hưng Đạo (TP. Hạ Long). Theo đó, Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm - Hà Nội (LIDECO) đồng ý nhận dự án xây dựng lại chung cư 5 tầng - Trần Hưng Đạo trên cơ sở nền đất cũ. Sau khi xây xong, LIDECO được hưởng một số tầng để kinh doanh; số còn lại trả về thành phố để phục vụ công tác tái định cư tại chỗ cho các hộ dân, theo tỷ lệ: 1 m2 được đổi thành 1,2 m2. Cụ thể, cứ 10 m2 ở chung cư cũ thì được trả 12 m2 ở chung cư mới; phần diện tích thừa ở chung cư mới sẽ được áp giá quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Qua tìm hiểu của PV, trước kia, lối đi lên trường THCS Kim Đồng nằm giữa và là ranh giới giữa hai khu chung cư lô 4, 5 Trần Hưng Đạo. Thế nhưng, khi tháo dỡ và triển khai khai, dự án này đã “vô tình” cản trở “đường đi lối lại” của giáo viên, học sinh khi đi lên trường. (!?)
“Công trình thi công, đã lấn chiếm đường đi tới Trường THCS KIM ĐỒNG của nhà thầu xây dựng tại khu vực khu chung cư 5 tầng phố mới, phường Trần Hưng Đạo. Ngày nào cũng đưa đón cháu đi học, tôi cũng như các bậc phụ huynh ở đây rất bức xúc, bởi điều này làm mất an toàn cho các cháu khi tới trường. Chúng ta sẽ không lường trước được điều gì sẽ xảy ra với các cháu đang ở tuổi này!”, anh Trần Tuấn, một phụ huynh học sinh bức xúc.
Theo quan sát của PV, tại công trường đang thi công, xe tải lớn nhỏ ra vào liên tục, có rất nhiều máy móc đồ sộ, vật liệu ngổn ngang, mà điều đáng nói hơn cả là các em học sinh phải đi qua những khu vực nguy hiểm này mới có thế tới trường học. Việc này, ít nhiều làm ảnh hưởng tới sự an toàn của các em học sinh.
“Chúng tôi rất lo lắng, khi công trường thi công lấn chiếm cả đường đi của học sinh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với giáo viên trong trường, nhưng các cô đều cười trừ cho qua. Nghe nói, hôm trước còn có xe tải trôi từ trên xuống, nhưng đâm phải xe máy nên dừng lại, chứ không vào lúc tan tầm như vậy, không biết điều gì sẽ xảy ra!”, chị Nguyễn Minh Thủy chia sẻ.
Hàng ngày, các em học sinh tới trường luôn phải đi qua khu vực đang thi công dự án. Có hôm, xe đổ bê tông nằm chềnh ềnh cản trở hết cả lối đi, các em buộc phải len lỏi qua những chiếc chân trụ của xe trộn bê tông mới có thể đi được. Điều đáng ngạc nhiên là giữa công trường thi công và lối đi dành cho học sinh không có rào chắn hay che phủ gì cả? Cùng với đó, bụi từ đất đá, xi măng còn làm môi trường quanh đây ô nhiễm nặng.
“Chúng cháu rất lo sợ khi phải đi qua đây, máy móc, vật liệu đồ sộ phát ra tiếng động lớn như kiểu sắp đổ vào người mình vậy. Bố mẹ cháu nói khu vực đó rất nguy hiểm nên cháu thường đi rất nhanh qua đây!”, cháu Nguyễn Hà Minh, học sinh khối 6, Trường THCS Kim Đồng chia sẻ.
Lạ thay, không hiểu vì lý do gì mà chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cũng như Ban giám hiệu nhà trường lại để việc này diễn ra một cách ngang nhiên như vậy? Không biết họ có nhận thấy vấn đề này đe dọa tính mạng của chính họ, cũng như những em học sinh của họ hay không?
PV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!
Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân vụ đổ cột điện đường dây 500kV (TTXVN 8/12)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến chất lượng thi công móng cột điện bị đổ trên đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa (vị trí cột 199), xử lý hoặc đề xuất các hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Công việc trên được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xét báo cáo của Bộ Công Thương về kết luận nguyên nhân sự cố đổ cột đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa tại vị trí 199 và 200 (sự cố vào ngày 22/4 vừa qua).
Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ Xây dựng tổ chức lập tiêu chuẩn quốc gia về bulông neo và thực hiện các thủ tục thẩm định, công bố tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo tổ chức kiểm tra, kiểm định chất lượng bêtông các vị trí móng cột khác trên đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa, nhất là các vị trí móng cột do đơn vị thi công móng cột điện bị đổ thực hiện; đồng thời chỉ đạo kiểm tra thiết kế cấu tạo của bulông neo chân cột điện, bảo đảm an toàn chịu lực công trình.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường chỉ đạo kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành đối với các công trình đường dây truyền tải và phân phối.
Quảng Ninh: Trao trả tài sản cho khách nước ngoài sau một ngày bị mất (Gia đình và xã hội 8/12)
Lãnh đạo phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho hay, vào khoảng 18 giờ ngày 7/12, ông Nguyễn Mai Nam (SN 1970), trú tại tổ 1, khu 6, phường Hà Tu (TP Hạ Long), hiện là cán bộ Công ty cổ phần Hóa chất mỏ Quảng Ninh, có nhặt được một túi xách ở khu vực Cầu Chéo, phường Hà Lầm. Bên trong túi xách có hộ chiếu, tiền và một số giấy tờ quan trọng khác của người nước ngoài. Thấy vậy, ông Nam đã mang chiếc túi xách trên giao nộp cho phòng Quản lý xuất nhập cảnh để trả cho người bị mất.
Tiếp nhận tài sản, lãnh đạo đơn vị đã tiến hành kiểm tra thông tin khai báo tạm trú tại các cơ sở lưu trú có người nước ngoài đi du lịch theo nhóm. Đồng thời, kiểm soát thủ tục xuất, nhập cảnh của người nước ngoài trên địa bàn.
Sau một ngày tìm kiếm, cơ quan chức năng đã xác định số tài sản trên của du khách Yilmaz Ihsan Burak, quốc tịch Đức và tiến hành trao trả.
PHÁP LUẬT:
Xôn xao thông tin nữ cán bộ ngân hàng ôm hơn 400 tỷ đồng bỏ trốn (Vietnamnet.vn 8/12; Dân việt 8/12)
Mấy ngày nay, dư luận tỉnh Quảng Ninh xôn xao thông tin một nữ cán bộ ngân hàng, vợ của một cán bộ CSGT thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), ôm hơn 400 tỷ đồng bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo thông tin tìm hiểu , mấy ngày qua, nhiều chủ nợ đã đến ngôi nhà của vị nữ cán bộ ngân hàng này tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) để đòi nợ.
Thông tin từ những người đến đòi nợ, vị cán bộ ngân hàng này tên là V.P.T., công tác tại Ngân hàng V., phòng giao dịch phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Trong một thời gian dài, nữ cán bộ ngân hàng này đã huy động hàng trăm tỷ đồng dùng vào việc riêng rồi bỏ trốn.
Trong số các chủ nợ đáng chú ý có gia đình cho biết bị mất số tiền lên đến vài chục tỷ đồng.
Sáng nay 8/12, một cán bộ phòng giao dịch Ngân hàng V. xác nhận, bà V.P.T. từng là cán bộ của bộ phận chăm sóc khách hàng tại phòng giao dịch nhưng từ ngày 3/12, bà này đã nộp đơn xin nghỉ việc và được ngân hàng chấp thuận.
Theo nhiều nguồn tin, bà T. huy động vay hơn 400 trăm tỷ đồng của người dân với danh nghĩa cá nhân chứ không liên quan gì đến ngân hàng nơi bà này từng làm việc.
Thông tin từ cơ quan chức năng TP Hạ Long, cơ quan chức năng đã nhận được những thông tin tố cáo trên và đã cử cán bộ đến ngân hàng để tiến hàng xác minh. Tuy nhiên đến nay bà T. đã không có mặt tại địa phương.
Nhập lậu cả cây thông Noel (Hải quan 8/12)
Theo tin từ bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngày 7-12, tại huyện Đầm Hà, Đội Quản lý thị trường số 12 kiểm tra xe ô tô mang BKS: 38B - 01004 do ông Nguyễn Anh Tuấn là lái xe (chủ hàng) trú tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An phát hiện trên xe vận chuyển: 3 cây thông Noel cao 1,8m; 120 cái quần tất nữ; 15 bộ thể thao nam; 276 đôi tất sợi nam; 159 cái áo ngực nữ; 1.080 quần lót nữ; 38 thùng gạch men các loại...
Đội Quản lý thị trường số 12 đã ra quyết định phạt tiền 7,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Anh Tuấn, đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm.
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 14 (Đội Cơ động chống hàng giả) kiểm tra xe ô tô mang BKS 34C-111.38 do ông Nguyễn Văn Lương là lái xe - chủ hàng, trú tại Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh phát hiện trên xe vận chuyển 300kg chân gà đông lạnh, 800kg thịt mỡ bò đông lạnh.
Đội Quản lý thị trường số 14 báo cáo Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh ra quyết định phạt tiền 20 triệu đồng, tịch thu, tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm.