Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ TP Móng Cái đã ban hành Chương trình hành động số 33-Ctr/TU thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 25/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về “thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 25/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW),Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Móng Cái xây dựng Chương trình hành động thực hiện với mục đích, yêu cầu là: tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ Thành phố đến cơ sở trong việc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 25/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lộ trình phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương nhằm đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Đề cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình hành động gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; giảm nghèo bền vững), Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019, Quyết định số 409-QĐ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, theo từng giai đoạn; Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Thành ủy Móng Cái thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về nông nghiệp.
Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, xã, phường trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra.
Quan điểm trong chương trình hành động là huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội động lực có sức lan tỏa, là “vốn mồi” để kích hoạt thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu qủa cơ chế "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triên nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, lan tỏa khát vọng đổi mới và phát triển Thành phố; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và quốc tế; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bàn sắc dân tộc gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn gắn với cơ cấu lại lao động, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực chất và bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho Nhân dân.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Từ quan điểm trên, chương trình hướng tới mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, tư duy cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển mạnh sản xuất nhỏ lẻ sang vùng sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa. Gắn nông nghiệp - nông dân - nông thôn Móng Cái với phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm. Nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn gắn với chiến lược “ba con, hai cây, một điểm đến”, ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch, công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, được thụ hưởng các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ tiệm cận với đô thị. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, hướng tới xây dựng đô thị loại I; môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bàn sắc văn hóa các dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 đến 3,0%/năm; giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt bình quân trên 4%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân trên 10%/năm.
Đến năm 2030, 100% số xã đạt chuẩn NTM và xã NTM nâng cao; 50% trở lên số xã đạt xã NTM kiểu mẫu; các xã NTM kiểu mẫu của Thành phố dẫn đầu khu vực miền đông và toàn tỉnh về phát triển sản phẩm chủ lực, chuyển đổi số trong nông thôn; 04 xã Hải Xuân, Hải Đông, Hải Tiến, Vạn Ninh lên phường; hạ tầng đầu tư đồng bộ kết nối với các khu trung tâm Thành phố.
Đến năm 2030, tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dựng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn, tối thiểu 80 lít/người/ngày đạt trên 85%.
Gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với đô thị hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, chất lượng đời sống Nhân dân,
Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn 300 lao động/năm.
Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn: Đến năm 2025 tăng ít nhất 02 lần so với năm 2020; đến năm 2030, tăng ít nhất gấp 03 lần so với năm 2020. Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 96% trở lên.
Đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 41%, sau năm 2025 ổn định từ mức 41% trở lên và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%.
Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, BCH Đảng bộ thành phố đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh gắn với đô thị hoá; Triển khai thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Tạo đột phá trong ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đôi khí hậu, phòng, chống thiên tai; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn.
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, nâng cao vị thế, vị trí, vai trò của Nông nghiệp Móng Cái trong thành tựu phát triển chung.