Cơn bão Yagi (bão số 3) đi qua đã để lại những thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng về con người, tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân nhiều địa phương các tỉnh thành miền Bắc. Hàng nghìn hộ gia đình rơi vào cảnh mất nhà cửa, thiệt hại về lúa, hoa màu, cơ sở nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm.
Tại Quảng Ninh, cơn bão số 3 đã làm toàn tỉnh mất điện, mạng viễn thông trên diện rộng; đã có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương, cây đổ, tàu phương tiện thủy bị chìm; trên 102.000 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng...Tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 23.700 tỷ đồng.
Là một trong những địa phương không có thiệt hại, thương vong về người sau bão số 3, TP Móng Cái khẩn trương, nhanh chóng kêu gọi nhân dân chung tay tập trung, khắc phục khó khăn, cùng vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống. Đồng thời, nhân dân trên địa bàn Thành phố đã chung sức, quyên góp tiền mặt, hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm gửi tới đồng bào vùng gặp bão, lũ nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Theo thống kê, tổng số tiền chuyển về Ủy ban MTTQVN thành phố Móng Cái trong ngày 16/9 là 1.079.755.000 đồng và ngày 17/9 là 809.475.364 đồng; nâng tổng số tiền của các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ từ 12/9 đến hết 17/9 là 3.434.241.304 đồng (trên 3,4 tỉ đồng). Trong đó có một số đơn vị tiêu biểu như: Công ty TNHH KHKT Ngân Long, Ban QL Chợ, Ban QLCK Quốc tế Móng Cái, Công an Thành phố; cán bộ, nhân dân các phường Ka Long, Hải Hòa, Hòa Lạc, Trần Phú, Trà Cổ, Ninh Dương, xã Hải Xuân, CLB Golf Móng Cái, Công ty TNHH Công ty Tôi...cùng nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn thành phố.
Đồng chí Phạm Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân cho biết: “Mặc dù là xã ven đô, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhưng qua các đợt phát động, cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân xã Hải Xuân đã kêu gọi, huy động kinh phí, chung tay đóng góp hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai với số tiền là 298 triệu đồng.”
Bà Ngô Thị Nga, Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng thôn 13, xã Hải Xuân chia sẻ: “Nhân dân thôn chúng tôi đã đồng lòng, quyết tâm với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, quyên góp số tiền 22,6 triệu đồng; trong đó có sự đóng góp của các cháu thiếu niên nhi đồng và các gia đình trong thôn. Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và cần tiếp tục được lan tỏa tới cộng đồng.”
Với tinh thần tự nguyện, lan tỏa sẻ chia, kết nối yêu thương, các cơ quan, đơn vị, xã phường, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân từ thành thị, nông thôn đến miền núi, hải đảo đã cùng cả nước hướng về các địa phương gặp bão, lũ; trong đó có những học sinh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số TP Móng Cái.
Cô Nguyễn Thị Ngọc, Hiệu trưởng trường TH&THCS Bắc Sơn cho biết: Tuy rằng nhà trường có tỉ lệ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,7% (322/340 học sinh toàn trường), song phát huy truyền thống dân tộc “Tương thân tương ái”, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đã huy động, đóng góp được số tiền gần 15 triệu đồng qua hai đợt phát động.
Em Choỏng Thị Hạnh, học sinh lớp 9 trường TH&THCS Bắc Sơn tâm sự: “Qua các phương tiện truyền thông và nhà trường thông tin, chúng em được biết nhiều nơi gặp hậu quả nặng nề sau cơn bão số 3. Chúng em muốn chia sẻ một chút đối với các bạn vùng cao bị lũ lụt. Tuy số tiền không lớn nhưng chúng em mong được góp chút sức nhỏ cổ vũ động viên các bạn vùng gặp thiên tai vượt qua khó khăn, tiếp tục được đến trường đi học, vững niềm tin vào cuộc sống để có một tương lai tốt đẹp hơn.”
Đặc biệt trong dịp Trung thu năm nay, trước tình hình nhiều nơi trong tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, các trường học, xã, phường trên địa bàn thành phố Móng Cái không tổ chức chương trình “Đêm hội Trăng rằm”. Các hoạt động Tết Trung thu được tổ chức quy mô nhỏ, phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, không phô trương, lãng phí nhằm chia sẻ những mất mát, thiệt hại đối với các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Những tình cảm của người dân TP Móng Cái sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa để mỗi hành động nhỏ vun đắp giá trị lớn, tiếp thêm động lực để người dân vùng bị thiệt hại vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống; thể hiện tinh thần đoàn kết trong nhân dân, góp phần thúc đẩy nhanh việc khôi phục phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố và các địa phương trong cả nước sau ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ./.