Thực hiện lời dạy của Bác đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản. Mới đây, tại Hồ Tràng Vinh, thôn 6 xã Hải Tiến, TP Móng Cái tổ chức Lễ thả giống thủy sản nhân kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2025). Ngay sau buổi lễ, các đại biểu cùng với Nhân dân và các cháu học sinh đã thả 80 nghìn con giống thủy sản là cá nước ngọt tại hồ Tràng Vinh. Việc thả con giống thủy sản nhằm tái tạo, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Với tinh thần vì mục tiêu chung về tái tạo nguồn lợi thủy sản của Nhân dân và toàn xã hội nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong nuôi trồng, khai thác gắn với bảo vệ, giữ gìn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đưa ngành thuỷ sản Thành phố tiếp tục phát triển vững chắc trong thời gian tới. Cũng trong dịp này, xã Bắc Sơn cũng đã tổ chức thả 2.000 cá Rô phi giống xuống hồ Phình Hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại địa bàn xã Bắc Sơn.
Đây là hoạt động được phát động và tổ chức thường niên hàng năm của Thành phố nhằm tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản đối với sự nghiệp phát triển bền vững ngành Thủy sản, gắn với giữ vững chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc và động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất, vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển ngành thủy sản của thành phố trong thời gian tới.
Được biết, Thành phố Móng Cái có trên 50 km bờ biển, trên 19,9 nghìn ha biển và đất bãi triều và hơn 2.700 ha ao đầm nuôi trồng thủy sản là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản. Để phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua Thành phố đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản. Do đó, tình hình phát triển kinh tế thủy sản luôn ổn định và có bước phát triển rõ rệt. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi, dịch vụ hậu cần phục vụ cho sản xuất ngày càng phát triển cả về quy mô, công nghệ và chất lượng. Hàng năm, TP đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, sản lượng thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2024, ngành thủy sản của Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng sản lượng thủy sản đạt 25996,4 tấn đạt 129,29 % Kế hoạch; đạt 102,3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị thủy sản đạt trên 1.200 tỷ đồng chiếm 67 % cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của Thành phố. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, TP đã tăng cường công tác quản lý, xử lý các vi phạm về khai thác thủy sản, năm 2024 các đơn vị chức năng đã bắt giữ, xử lý xử lý 21 vụ vi phạm/ 21 đối tượng/ 21 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 415,75 triệu đồng. Những kết quả đạt được đã đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của Thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản còn một số tồn tại, hạn chế đó là việc cụ thể hóa chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm về lĩnh vực phát triển kinh tế thủy sản của một số xã, phường, đơn vị chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Một số vùng nuôi cơ sở hạ tầng chưa đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng điều kiện về nuôi công nghiệp, tiêu chuẩn an toàn, bền vững dẫn đến hiệu quả trong sản xuất chưa cao, ý thức cộng đồng của người nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế; việc chấp hành các quy định về luật đất đai của người dân thực hiện chưa tốt, vẫn còn tình trạng tự ý lẫn chiếm mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép,...Trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn việc sử dụng ngư cụ hủy diệt (kích điện, lồng bát quái, lặn, lưới săm) để khai thác thủy sản gây ảnh hưởng, tận diệt nguồn lợi thủy sản; ý thức người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Công tác quản lý đất bãi triều, mặt nước nuôi trồng thủy sản còn yếu kém; liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chưa chặt chẽ. Chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý là cửa ngõ thương mại với thị trường Trung Quốc, tài nguyên khu vực biển và nguồn lợi thủy sản.
Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh: Để tiếp tục khai thác lợi thế kinh tế thủy sản gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh - quốc phòng, biên giới biển đảo, các Cấp ủy - chính quyền, các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể và các Nhân dân cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu đó là: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiệm túc Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định 26/ND-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Thủy sản; Chỉ thị 04/CT-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định các nghề cấm khai thác thủy sản. Quyết định số 3818/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh về quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác trong vùng sá sùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh,…; Chương trình hành động của BTV Thành ủy; Kế hoạch của UBND thành phố Móng Cái về thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) gắn với quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Móng Cái và các văn bản chỉ đạo có liên quan về bảo vệ và phát triển thủy sản. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản cả về nuôi trồng và khai thác. Quan tâm thu hút các nhà đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thủy sản mới theo hướng hiện đại, chế biến sâu, gắn với chương trình OCOP của Thành phố. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng hiện đại, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng nuôi thâm canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất. Xây dựng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp phụ trợ và liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai không để tình trạng người dân tự ý lấn chiếm mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản; tăng cường quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt tận diệt để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đối với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp tục có những đóng góp bằng nguồn giống thủy sản tự sản xuất để thả về tự nhiên nhằm chung tay góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đề nghị các hộ ngư dân tiếp tục khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển để khai thác thủy sản, đồng thời chấp hành và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, nhất là không sử dụng các công cụ khai thác mang tính hủy diệt....
Với tinh thần của toàn dân, toàn xã hội phải nâng cao ý thúc trách nhiệm trong nuôi trồng, khai thác gắn với bảo vệ, giữ gìn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần đưa ngành thuỷ sản Thành phố tiếp tục phát triển vững chắc. Đồng thời, thiết thực chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2025)./.