KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11/2005-23/11/2024):

TP Móng Cái: Gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

22/11/2024 14:36
Móng Cái là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, được vun đắp qua quá trình hàng trăm năm lịch sử đã hình thành nên những giá trị, chuẩn mực, đặc trưng riêng về văn hóa và con người Móng Cái. Cùng với đó, sự phát triển về kinh tế, xã hội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần cho người dân. Với nhiều giải pháp, TP Móng Cái đã và đang gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

 

Đền Xã Tắc thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 2 năm 2005 về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.       

Để góp phần gìn giữ truyền thống lịch sử văn hóa vốn có trong tổng thể nền văn hóa của dân tộc, những năm qua TP Móng Cái đã nỗ lực, trách nhiệm với nhiều giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Với quan điểm con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hoá, vừa là sản phẩm văn hoá, vì thế việc phát triển văn hoá phải gắn với việc phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong những năm qua thành phố Móng Cái đã huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức cùng xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa. Vai trò của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa ngày càng được coi trọng, sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ngày đông đảo, đặc biệt trong việc tổ chức các sinh hoạt văn nghệ, tập luyện thể thao quần chúng và công tác truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền từng bước được thu hẹp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng, công nhận các di sản văn hóa được quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, Thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ninh lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với 4 di sản, trong đó 3 di sản đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Hát nhà tơ - Hát múa cửa đình, lễ hội đình Trà Cổ và lễ hội đình Vạn Ninh; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt 1 di tích, cấp Quốc gia 2 di tích và cấp tỉnh 8 di tích.

TP Móng Cái - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm

Công tác bảo tồn các di sản văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, các nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là văn hoá phi vật thể thuộc các loại hình tiếng nói, trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian... được quan tâm thực hiện gắn với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Hầu hết nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố như Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ được bảo tồn và gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang giá trị văn hóa tốt đẹp cùng với bản sắc riêng của mình. Đến nay, thành phố đã thực hiện việc kiểm kê, phân loại đối với trên 20 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, trang phục trống, nghề thủ công truyền thống...của các dân tộc thiểu số. 

Ngày 29/12/2023, thành phố đã ban hành kế hoạch số 365/KH-UBND về việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn. Qua đó giúp tăng thêm sinh kế, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, giảm nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào hoạt động bảo tồn các tài nguyên tự nhiên, giá trị văn hóa địa phương, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của thành phố Móng Cái.

Nét văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, gìn giữ, lưu truyền

Việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống được quan tâm thực hiện gắn với xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa của địa phương, trong đó, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn học truyền thống là nguồn tài nguyên có tính cạnh tranh cao, có khả năng thu hút và đưa vào phục vụ khách du lịch. 

Các câu lạc bộ còn tổ chức việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn; từng bước cho các em có điều kiện tiếp cận, nắm bắt và thực hành tốt các loại hình dân ca của dân tộc mình; công tác tôn vinh tài năng, đóng góp của đội ngũ nghệ nhân được quan tâm thực hiện: trong giai đoạn 2014 – 2023. Đã hoàn thiện hồ sơ và đề nghị Chủ tịch nước ra quyết định công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 10 cá nhân. Hàng năm, Thành phố phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh trao quà Tết của UBND tỉnh đến các Nghệ nhân ưu tú trên địa bàn.

Các lễ hội truyền thống không ngừng được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng tổ chức. Nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn riêng của mảnh đất địa đầu của Tổ quốc như hội thi ông Voi, nghi lễ nghênh thần trên biển, các trò chơi dân gian nhiều vùng miền được phục dựng và duy trì hàng năm. Việc truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được thường xuyên quan tâm đẩy mạnh, gắn với việc tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn. 

Hoạt động văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc Quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được quan tâm thực hiện. Đến nay, đã thực hiện bảo tồn và từng bước phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; 100% thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa thôn); hoàn thành xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao ở 9/9 xã; trên 80% số thôn có đội (câu lạc bộ) văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Lễ hội đình Dân Tiến (xã Hải Tiến) được phục dựng, duy trì

Giữa lòng thành phố đang trên đà phát triển, việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm nên bề dày lịch sử Thành phố trong thời kỳ hội nhập. 

Việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện từ Thành phố đến các cơ sở. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, xã hội cũng được quan tâm; đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của thư viện Thành phố; hệ thống truyền thanh cơ sở được đầu tư, nâng cấp đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trên địa bàn. Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được triển khai bằng nhiều hình thức, bước đầu đã huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đầu tư, quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể  thao. 

Để triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa giai đoạn 2022 - 2027, thành phố Móng Cái tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó thành phố tiếp tục duy trì việc tổ chức các lễ hội gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng; phấn đấu xây dựng các điểm du lịch tâm linh trở thành thế mạnh trong cơ cấu ngành du lịch của Thành phố nơi biên cương…

 

Hải Ninh
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...