KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11/2005-23/11/2021):

TP Móng Cái: Gìn giữ và phát huy di sản văn hóa

23/11/2021 08:05
Là vùng đất miền biên viễn nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, TP Móng Cái từ thuở xa xưa đến nay vẫn mang trong mình những nét giá trị văn hóa độc đáo, tiềm ẩn. Những năm qua, TP Móng Cái luôn nỗ lực, trách nhiệm để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ấy giữa lòng thành phố trẻ đang trên đà phát triển, hiện đại.

 

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 2 năm 2005 về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.       

Đền Xã Tắc thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái

Phục dựng lễ hội Đền Xã Tắc (Ảnh Phạm Long)

Phát huy tinh thần đó, những năm qua, TP Móng Cái luôn nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thành phố Móng Cái hiện đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 15 nghệ nhân dân gian được đề xuất công nhận, trong đó có 7 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; trên 40 di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tiếng nói chữ viết, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống….được kiểm kê, lưu giữ tư liệu.

Bên cạnh đó, thành phố Móng Cái đã thực hiện việc kiểm kê và đưa 59 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh vào danh mục của tỉnh, trong đó có 4 di tích đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia; 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 7 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là điểm du lịch.

Có thể thấy, hệ thống di sản văn hoá trên địa bàn TP. Móng Cái đa dạng, phong phú cả về thể loại và giá trị. Những di sản đó đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đa dạng, truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Do vậy, công tác tôn tạo di tích cũng được Thành phố quan tâm triển khai với trên 50 lượt di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2001-2021, tập trung chủ yếu vào các di tích đã được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh đã bị xuống cấp; các di tích thuộc loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, miếu...Các di tích sau khi được tu bổ đã ngày càng phát huy giá trị, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và đáp ứng nhu cầu văn hoá, tâm linh của nhân dân. Nhiều di tích tiềm năng được địa phương phát huy giá trị, ngày càng lan tỏa, trở thành sản phẩm du lịch văn hoá thu hút đông đảo du khách, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Biểu tượng di tích nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của thành phố Móng Cái

Hiện nay, công tác bảo tồn gắn với phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh các nghệ nhân có công gìn giữ, lưu truyền các di sản vẫn tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Các lễ hội truyền thống không ngừng được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng tổ chức. Việc truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được thường xuyên quan tâm đẩy mạnh, gắn với việc tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn. Hiện thành phố Móng Cái đã có 8 câu lạc bộ văn nghệ dân gian với trên 200 thành viên hoạt động sôi nổi, qua đó góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa trong thời nay.

Những giá trị từ các di sản văn hóa ấy nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc đã và đang được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân Móng Cái, như ngầm khẳng định: “Văn hóa Việt ở đâu, lãnh thổ biên cương dân tộc Việt ở đó”. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này không chỉ góp phần giữ gìn kho tàng di sản văn hoá truyền thống của Việt Nam, của Móng Cái, mà còn là “Cột mốc văn hóa” trường tồn, bền vững, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay và mai sau./.

 

Hải Ninh
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...