Theo đó, Phòng Y tế Thành phố chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống dịch SXH và đề xuất nhu cầu vật tư, kinh phí trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt. Theo dõi, cập nhật sát tình hình bệnh trên địa bàn; kịp thời tham mưu giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, an toàn; Phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH tại trên địa bàn Thành phố Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở hành nghề Dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tăng cường tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh về các biện pháp phòng chống SXH; Kịp thời cung cấp thông tin cho Trạm Y tế trên địa bàn, Trung tâm Y tế Thành phố khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ người mắc SXH để kịp thời xử lý ổ dịch tránh lây lan dịch; Vận động người dân thực hiện khám và chữa bệnh tại cơ sở Y tế, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Đối với Trung tâm Y tế Thành phố phối hợp với Phòng Y tế tham mưu cho Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH trên địa bàn; Chỉ đạo và thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh SXH tại 100% các điểm có ca bệnh dương tính. Thực hiện khoanh vùng xử lý dịch theo đúng hướng dẫn tại quyết định số 3711/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Thực hiện lấy mẫu 100% các ca bệnh nặng gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường tích cực giám sát phát hiện ca bệnh nghi ngờ, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy tại 100% ổ dịch trên địa bàn, đồng thời giám sát thường xuyên tại các khu vực ổ dịch nhằm phát hiện sớm các ca mắc mới; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các xã, phường thực hiện truyền thông về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng bọ gậy trong công tác phòng chống SXH. Khuyến cáo người dân không tự điều trị tại nhà nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH; Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cần thiết để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc SXH. Hạn chế tối đa tình trạng chuyển nặng và tử vong do SXH, báo cáo ca bệnh, diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn kịp thời đúng quy định, đặc biệt theo dõi sát và cập nhật thông tin diễn biến các ca bệnh nặng điều trị tại Trung tâm Y tế, thực hiện và hướng dẫn thực hiện cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm quản lý ca bệnh theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế đúng quy định.
Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị ngành Y tế trên địa bàn triển khai các hoạt động truyền thông trên các hạ tầng truyền thông (báo điện tử, phát thanh, truyền hình, Cổng Thông tin điện tử Thành phố, trang mạng xã hội..), sử dụng đa dạng các hình thức, thể loại báo chí để thông tin tuyên truyền với thời lượng, tần suất và nội dung, khung giờ phù hợp để người dân biết và nâng cao ý thức phòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH.
Đồng thời, UBND các xã, phường căn cứ tình hình mắc SXH tại địa phương với phương châm phòng và kiểm soát chủ động công tác phòng chống dịch SXH, khẩn trương triển khai chiến dịch “diệt lăng quăng bọ gậy, vệ sinh môi trường” trên toàn địa bàn ít nhất 01 lần/01 tuần tới tất cả các thôn, khu phố nhằm loại bỏ hoàn toàn nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH để kiểm soát mật độ muỗi và cắt đứt đường lây truyền của bệnh; Bố trí nhân lực hỗ trợ lực lượng Y tế trong việc triển khai các đợt diệt loăng quăng bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động trên địa bàn quản lý; Chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông phòng, chống SXH một cách tích cực, sâu rộng để người dân tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình; Bảo đảm các nguồn lực (nhân lực, kinh phí, đủ vật tư, hoá chất, phương tiện…) đáp ứng công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn nhằm thực hiện tốt việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân./.