Từ đầu năm đến nay, TP Móng Cái chưa xuất hiện ca bệnh liên quan đến bệnh dại trên người. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh và thời tiết giao mùa, UBND Thành phố đã tăng cường chỉ đạo, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật. Tại tất cả các thôn, khu thực hiện hướng dẫn, yêu cầu chủ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Thú y các xã phường tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo nuôi và thường xuyên rà soát tiêm phòng vắc xin dại bổ sung cho chó, mèo nuôi mới, đến tuổi tiêm phòng. Đến ngày 11/3, đã tiêm được 2972 liều/ 5400 liều vac xin theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 55%. Hiện các xã đang thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vac xin dại, trong đó, ngoài thời gian tiêm phòng đợt chính sẽ tổ chức tiêm phòng bổ sung thường xuyên cho số chó mới nuôi đồng thời khuyến khích các chủ nuôi tiêm phòng cho mèo, cán bộ thú y cũng bố trí thời gian tiêm phòng cho chó/mèo tận nhà/ ngoài giờ hành chính khi các chủ nuôi có yêu cầu để đảm bảo tiêm vac xin đạt mức cao nhất. Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm 100% trước 15/3/2024.
Cùng với đó, thành phố liên tục tăng cường thông tin, tuyên truyền để chủ nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không được thả rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ theo quy định; tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại để nâng cao nhân thức cho người dân và cộng đồng chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền, phổ biến cách xử lý ban đầu vết thương bị chó, mèo nghi dại cắn và hướng dẫn người dân đến điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.
Tăng cường kiểm tra, giám sát bệnh dại trên động vật tại địa bàn, nhằm phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế thấp nhất lây nhiễm sang vật nuôi khác và lây nhiễm bệnh dại sang người; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chủ động, tích cực phối hợp với các xã, phường và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn.