Từ đầu năm đến nay, TP Móng Cái chưa xuất hiện ca bệnh liên quan đến bệnh dại trên người. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh và thời tiết giao mùa, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu UBND các xã, phường rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng thôn, khu; hướng dẫn, yêu cầu chủ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm để tiêm phòng vắc xin dại đạt 100% tổng đàn chó, mèo nuôi thuộc diện tiêm tại địa phương, hoàn thành trước ngày 15/3/2024; thường xuyên rà soát tiêm phòng vắc xin dại bổ sung cho chó, mèo nuôi mới, đến tuổi tiêm phòng.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền để chủ nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không được thả rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ theo quy định; tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại để nâng cao nhân thức cho người dân và cộng đồng chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền, phổ biến cách xử lý ban đầu vết thương bị chó, mèo nghi dại cắn và hướng dẫn người dân đến điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.
Khi phát hiện chó, mèo nghi mắc bệnh dại, các trường hợp bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cắn thông tin kịp thời về Trung tâm Y tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan để tư vấn hướng dẫn điều trị dự phòng, lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại, điều tra, xác định yếu tố dịch tễ và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Nhằm chủ động kiểm soát, phòng chống bệnh dại, UBND Thành phố cũng yêu cầu Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Thành phố phối hợp với các xã, phường trong việc tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn. Hướng dẫn thực hiện các quy định, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát bệnh dại trên động vật tại địa bàn, nhằm phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế thấp nhất lây nhiễm sang vật nuôi khác và lây nhiễm bệnh dại sang người; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chủ động, tích cực phối hợp với các xã, phường và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn.
Trung tâm Y tế Thành phố tăng cường công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách xử lý khi bị động vật nghi dại cắn; thực hiện khám, tư vấn, vận động tất cả các trường hợp người dân bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn đến khám và chỉ định tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại.
Chủ động đảm bảo nguồn vắc xin và huyết thanh kháng dại để tiêm phòng cho người dân khi có yêu cầu. Tuyệt đối không để tình trạng người dân có nhu cầu không được tiêm vắc xin phòng dại, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cần thiết để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân nghi mắc bệnh dại. Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi dại trên người gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh để sàng lọc. Tăng cường thực hiện và chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường thực hiện giám sát dựa vào sự kiện (EBS). Bên cạnh đó thực hiện công tác thu thập thông tin, báo cáo các ca bệnh nghi Dại đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và cách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
UBND Thành phố cũng giao Phòng Y tế Thành phố chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng dịch vụ đảm bảo sẵn sàng vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại để phục vụ cho người dân; duy trì hoạt động phòng tiêm trong những ngày nghỉ; thực hiện đảm bảo an toàn tiêm chủng. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó mèo, cắn trên địa bàn.
Theo các số liệu thông kê, hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 59.000 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người, chủ yếu ở Châu Á (59,6%) và Châu Phi (36,4%). Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2023, cả nước đã ghi nhận trên 80 ca tử vong do dại. Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại. Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn…
Do đó, tích cực phòng chống bệnh dại sẽ là cách bảo vệ sức khỏe, tính mạng tốt nhất cho mỗi cá nhân và người thân trong gia đình, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xã hội./.