TP Móng Cái triển khai công tác ứng phó với diễn biến của bão số 2

10/08/2022 14:15
Sáng 10/8, UBND Thành phố tổ chức họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với diễn biến của bão số 2 (MULAN). Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Phó trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự Thành phố chủ trì. Các xã phường dự họp qua hệ thống trực tuyến.

 

Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Phó trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự Thành phố chủ trì cuộc họp

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 04 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km) trên giờ, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20.3 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8- 9 (62-88km/ giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 80km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/ giờ), giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17.5 độ vĩ Bắc; từ kinh tuyến 106,5 đến 113,5 độ Kinh Đông, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc của Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/ giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây bão số 2: Từ tối và đêm nay (10/8), vùng biển và ven biển tỉnh Quảng Ninh gió mạnh dần lên cấp 4-5, giật 6- 7, sau mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 7-8. Toàn tỉnh có mưa rào và dông, chiều tối và đêm nay có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; trong mưa đông cần đề phòng có gió mạnh và sét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Đề phòng mưa lớn kết hợp triệu cường gây ngập úng ở vùng trũng và kể cả các khu vực ven biển.

Trước tình hình, diễn biến của bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS Thành phố đã ban hành Công văn số 2654/BCH ngày 09/8/2022 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 2 (MULAN). Tại cuộc họp, các phòng ban, đơn vị, xã phường liên quan đã báo cáo kết quả triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2. 

Phòng ban, đơn vị, xã phường báo cáo công tác ứng phó với diễn biến của bão số 2

Để chủ động ứng phó với bão số 2 (MULAN), đồng chí Đỗ Văn Tuấn, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Phó trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS Thành phố đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, phường quán triệt thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 23/CĐ-QG và Công điện số 24/CĐ-QG của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT - UBQG ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Văn bản số 46/BCH ngày 09/8/2022 của Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh Quảng Ninh, của Thành phố.

Các xã phường phải là chủ lực trong công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 2. Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; rà soát, giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu thuyền xa bờ, các lồng bè, chòi, hộ nuôi trồng thủy hải sản, thông báo kêu gọi các phương tiện chủ động vào nơi tránh trú an toàn, đưa người từ các khu nuôi trồng lên bờ trước 15h cùng ngày. 

Các xã phường dự họp trực tuyến

Bí thư, Chủ tịch UBND các xã phường chịu trách nhiệm nếu để sót trường hợp chưa di chuyển về nơi tránh trú an toàn; rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, để có biện pháp khơi thông, gia cố, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại khi cơn bão đổ bộ; rà soát nhà tạm, nhà yếu, nhân khẩu trên địa bàn, có phương án di dân khi có sự cố do bão gây ra; rà soát các phương tiện trang thiết bị phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn. 

Các xã, phường, đơn vị liên quan phân công lịch trực ban cụ thể, nghiêm túc 24/24 giờ để thường xuyên cập nhật thông tin trên địa bàn. Các đồn Biên phòng dọc tuyến sông biên giới phối hợp với xã phường rà soát lại các phương tiện còn neo đậu trên sông, thường xuyên nắm chắc tình hình lũ trên sông và yêu cầu các phương tiện trên sông về nơi neo đậu an toàn. 

Giao Phòng quản lý đô thị, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố, rà soát các dự án, công trình đang xây dựng, chỉ đạo kiểm tra lán trại công trình đảm bảo an toàn, có biện pháp đảm bảo khi có mưa lũ, đề phòng sạt lở xảy ra.

Ban Chỉ huy quân sự Thành phố và đơn vị, lực lượng chức năng có phương án cụ thể khi có mưa bão; Công ty TNHH MTV thủy lợi Miền Đông, UBND xã phường được giao quản lý các hồ đập trên địa bàn, phải kiểm tra hệ thống van, tràn xả lũ, hệ thống kênh, tràn….đảm bảo vận hành tốt, triển khai ngay phương án điều tiết, xả lũ phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng ngập lụt lân cận; quan tâm, chủ động triển khai cắt tỉa cây xanh trước khi mưa bão; Ban Quản lý du lịch QG Trà Cổ quản lý chặt chẽ khách du lịch, nhân dân xuống khu vực biển…Các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS Thành phố bám sát địa bàn, phối hợp với các xã phường chủ động triển khai các nội dung chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Thành phố để kịp thời ứng phó với bão…./

 

Hải Ninh
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Móng Cái
Loading...