Năm 2022, Bộ chỉ số DDCI được khảo sát, đánh giá, bổ sung 3 nội dung quan trọng là: Cập nhật, điều chỉnh bộ chỉ số để tương thích với những điểm mới trong bộ chỉ số PCI cấp tỉnh; bổ sung khảo sát những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; bổ sung khảo sát về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của khối sở, ngành và khối địa phương.
Bộ Chỉ số DDCI đánh giá 8 chỉ số thành phần, với 58 chỉ tiêu (tăng 1 chỉ tiêu so với năm 2021) đối với khối sở, ban, ngành; đánh giá 9 chỉ số, 76 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2021) đối với khối địa phương. Phương pháp khảo sát được triển khai gần như hoàn toàn trực tuyến, thay thế cho phương pháp khảo sát qua đường bưu điện như những năm trước đây.
Kết quả DDCI Quảng Ninh 2022 dựa trên sự tổng hợp ý kiến của 1.707 doanh nghiệp, trong đó 610 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương; 1.097 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành. Tỷ lệ hồi đáp của các doanh nghiệp đạt 28,5% trên tổng số 6.000 doanh nghiệp.
Ở khối địa phương, TP Móng Cái là địa phương dẫn đầu với 70,35 điểm. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là TP Hạ Long và huyện Bình Liêu với mức điểm lần lượt là 70,08 và 69,90 điểm. Huyện Hải Hà đứng thứ 4 với 68,45 điểm và TP Cẩm Phả xếp thứ 5 với 67,13 điểm. Đây là nhóm 5 địa phương đạt điểm rất tốt.
Trong đó, TP Móng Cái là địa phương luôn đứng ở tốp đầu trong các năm gần đây; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao ở hai nhóm chỉ tiêu về Tiếp cận, minh bạch thông tin, chuyển đổi số và Chỉ số thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.
Chỉ số DDCI được tỉnh Quảng Ninh xác định là một công cụ quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua 8 năm triển khai, từ năm 2015 đến năm 2022, Bộ Chỉ số DDCI đã cung cấp những thông tin quan trọng từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp; giúp thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các sở, ban, ngành và giữa các địa phương trong việc cải thiện năng lực điều hành, qua đó góp phần tiếp tục giữ vị trí quán quân về cải cách hành chính và môi trường kinh doanh.