Trao quyền lợi nhiều hơn cho bệnh nhân bảo hiểm y tế

21/09/2014 23:31
Trước kia, khi chuyển viện, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khá vất vả bởi những thủ tục và quy trình phức tạp, nhất là với những bệnh viện cùng tuyến. Thậm chí còn xảy ra tình trạng, bệnh viện cố giữ bệnh nhân ở lại để đảm bảo quỹ BHYT không vượt mức trần mà Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Sở Y tế thống nhất đề ra. Điều này khiến nhiều bệnh nhân bức xúc.

Quy trình chuyển viện phức tạp này được thể hiện rõ nét ở địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Theo quy định của Bộ Y tế: Bệnh viện tuyến III chuyển bệnh nhân lên tuyến II, bệnh viện tuyến II chuyển lên tuyến I. Các cơ sở y tế chỉ chuyển tuyến khi bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt. Còn để cơ sở khám, chữa bệnh chuyển người bệnh đến một cơ sở khác cùng tuyến thì bệnh đó phải không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ điều kiện chẩn đoán và điều trị. Trong khi đó, cả Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy nằm ở địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đều là bệnh hạng II, phân tuyến kỹ thuật như nhau. Do vậy, bệnh nhân muốn được chuyển từ Bệnh viện Cẩm Phả hay Đa khoa khu vực Cẩm Phả về Bệnh viện Đa khoa tỉnh hay Bệnh viện Bãi Cháy khá khó khăn về thủ tục.

Để khắc phục những bất cập này, tạo sự phù hợp với mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân có thẻ BHYT, từ năm 2013, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã họp bàn, thống nhất quy định: Người tham gia BHYT có quyền lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu ở tuyến xã, tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh đóng trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi cư trú, công tác. Còn với người tham gia BHYT cư trú hoặc công tác tại khu vực giáp ranh giữa các xã, phường, thị trấn trong cùng huyện hoặc khu vực giáp ranh với huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh thì có thể lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở y tế đóng trên địa bàn của địa phương giáp ranh cùng huyện hoặc không cùng huyện, thị xã, thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đã thống nhất phương án chuyển tuyến với bệnh nhân BHYT. Các trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT ban đầu thực hiện chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh đóng trên cùng địa bàn của trạm hoặc các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh (Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh...). Với trạm y tế, bộ phận y tế của các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, ngoài áp dụng chuyển tuyến giống các trạm y tế của tỉnh còn có thể chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế trực thuộc bộ, ngành (theo quy định chuyển tuyến riêng của các bộ, ngành) hoặc chuyển bệnh nhân trực tiếp đến bệnh viện đa khoa hạng II, bệnh viện chuyên khoa đóng trên địa bàn toàn tỉnh.

Riêng với TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, nơi có 4 bệnh viện cùng là bệnh viện hạng II, các trạm y tế trên địa bàn có thể chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân có BHYT trực tiếp đến 1 trong 4 cơ sở này hoặc các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh để điều trị. Nhờ vậy, đến nay đã có nhiều bệnh nhân ở hai địa phương trên lựa chọn được bệnh viện phù hợp với nguyện vọng của mình và họ cảm thấy rất hài lòng.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế: “Hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 78%. Quy trình chuyển viện mà Sở Y tế đang áp dụng cho các đơn vị y tế trên địa bàn nhằm tạo động lực thi đua giữa các đơn vị y tế, giúp các đơn vị phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, uy tín để thu hút bệnh nhân. Việc trao quyền lợi nhiều hơn cho bệnh nhân có BHYT còn nhằm thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh”.

Theo BQN 

Trung tâm TT và VH
Loading...