Theo báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Thành phố hiện có 13 chợ và trung tâm thương mại, 6.561 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó lĩnh vực ngành y tế quản lý là 840 cơ sở; lĩnh vực công thương là 2.264 cơ sở; tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc ngành nông nghiệp quản lý 3.457 cơ sở.
UBND Thành phố và các ngành thành viên BCĐ liên ngành ATTP Thành phố đã ban hành 60 văn bản chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Công tác tuyên truyền được quan tâm chú trọng; duy trì thường xuyên công khai thông tin, số điện thoại đường dây nóng của thành phố và các xã phường để tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin phản ánh của người dân. Các cơ quan, đơn vị, khối Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trị - xã hội trên địa bàn đã triển khai đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP Thành phố. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm của người dân và toàn xã hội; thúc đẩy xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, vì sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP Thành phố và các xã, phường đã kiểm tra tại 1.522 cơ sở và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 78 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 1,2 tỷ đồng; tiêu huỷ số hàng hoá trị giá trên 2,2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu; không thực hiện ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, không lưu mẫu thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hạn...
Công tác phối hợp chặt chẽ, duy trì thường xuyên giữa Phòng Y tế (Cơ quan thường trực BCĐ liên ngành ATTP Thành phố) và các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND xã, phường trong công tác kiểm tra đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tại hội nghị, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, xã phường đã tập trung đánh giá kết quả đạt được; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong những tháng cuối năm.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thu Hương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên ngành trong triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các ngành, đơn vị, xã phường nâng cao vai trò, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, tham mưu cho Ban chỉ đạo ATTP Thành phố triển khai thực hiện kịp thời. Nêu cao vai trò trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị được phân công nhiệm vụ; tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh; ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền an toàn thực phẩm; các hộ kinh doanh sản xuất phải kí cam kết đảm bảo ATTP…
Phát huy hiệu quả công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị liên ngành, MTTQ và các đoàn thể với ngành chuyên môn, phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm; quan tâm công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kĩ năng về ATTP; đảm bảo nguồn lực, kinh phí vật tư phục vụ công tác giám sát, kiểm tra ATTP, kịp thời phát hiện vấn đề về an toàn thực phẩm. Quan tâm công tác hậu kiểm sau cấp phép về ATTP; tăng cường giải pháp trong đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học, cơ sở giáo dục…Qua đó giữ vững địa bàn an toàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.