Trung ương chỉ đạo giảm biên chế sao bộ máy vẫn "phình" ra?

23/02/2017 08:25
Dù có Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhưng số người vẫn tăng. Một nguyên nhân được chỉ ra là do tâm lý ngại va chạm nên thực hiện chưa nghiêm.

 

Vấn đề này được chỉ ra tại Hội thảo cải cách hành chính tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước-khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện, diễn ra ngày 22/2, do Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội thảo (Ảnh: Quốc hội)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội thảo (Ảnh: Quốc hội)

Tình trạng “có vào không có ra”

Phát biểu tại hội nghị, đề cập vấn đề bộ máy biên chế, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng “nhìn chung tâm lý chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm khá phổ biến”.

Dẫn quy định về cấp Vụ, ông Sơn lưu ý, việc định chuẩn không chặt chẽ, nhận thức không đúng đắn dẫn đến hiện trạng số đơn vị cấp vụ thuộc Bộ có sự biến động, thay đổi nhiều và nhanh. Điều này dẫn tình trạng phình Bộ máy, tăng biên chế, tạo sự thiếu ổn định về tổ chức bộ máy hành chính.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao.

Điều đó cho thấy dù có Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhưng số người vẫn tăng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tâm lý ngại va chạm nên các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc về quản lý biên chế và tinh giản biên chế.

Ngoài ra, nhiều cấp ủy tổ chức người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa có giải pháp đồng bộ, phù hợp đủ mạnh để thực hiện, việc bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”…

Ông Thái Quang Toản - Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cũng thông tin, đến ngày 22/2/2017 đã có 20 Bộ gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định, trong đó chủ yếu đều đề xuất tăng biên chế và đội ngũ. Hiện nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế, không thực hiện đúng quy định 1 năm phải 2 kỳ gửi báo cáo lên cho Bộ Nội vụ trong giải quyết tinh giản biên chế.

Đáng chú ý, theo ông Thái Quang Toản, tinh giản trên thực tế chủ yếu là cán bộ chỉ còn 2-3 năm công tác nữa là nghỉ hưu nên họ tự xin nghỉ, số này chiếm 85% số tinh giản biên chế, biểu hiện “nhầm” đối tượng tinh giản.

TS Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ thì cho rằng, các tiêu chí đánh giá kết quả tổ chức bộ máy hành chính cho thấy công tác đánh giá cán bộ còn yếu, nhất là đánh giá cán bộ công chức vào dịp cuối năm dẫn đến “trên 99% cán bộ công chức là ngon lành hết”.

Cơ cấu lại Bộ đa ngành một cách quyết liệt

Đề cập tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở nước ta, PGS.TS Lê Minh Thông – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp lại các Bộ thành các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các Bộ.

PGS.TS Lê Minh Thông: Phải cơ cấu lại Bộ đa ngành một cách quyết liệt
PGS.TS Lê Minh Thông: Phải cơ cấu lại Bộ đa ngành một cách quyết liệt

Việc hình thành các Bộ đa ngành chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung như: văn phòng, tổ chức cán bộ, thanh tra, pháp chế, thi đua khen thưởng, kế hoạch tài chính. Hiện cơ cấu bên trong các Bộ lại đang có xu hướng phình to hơn và theo đó là tăng thêm biên chế hành chính.

Ông Lê Minh Thông cho rằng, về mặt nhận thức cần xác định rõ mục tiêu của việc tổ chức Bộ đa ngành không phải là giảm bớt đầu mối của Chính phủ mà phải là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân của bộ máy hành chính Nhà nước.

Cùng với đó phải nghiên cứu căn bản và sắp xếp, tái cấu trúc lại chức năng nhiệm vụ của các Bộ đa ngành một cách quyết liệt, trong đó yêu cầu cơ bản vẫn là năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thẳng thắn đặt vấn đề: Bộ máy tăng nhưng không biết trách nhiệm thuộc về ai, trong quá trình xây dựng Luật vẫn “đưa bộ máy cán bộ” khiến biên chế “phình” ra.

VOV.VN
Loading...