Thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực
Kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao, giữ vững đà tăng trưởng GRDP 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch Covid-19 gây ra, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2023 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao nhất), năm 2023 tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 56.600 tỷ đồng, vượt 7% so với dự toán trung ương giao và 4% dự toán tỉnh giao, tăng 4% so vớ cùng kỳ năm trước (CK). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 121 lần năm 1986, gấp 334 lần năm 1991, gấp 58 lần năm 2000, gấp 7,5 lần năm 2010, gấp 2,8 lần năm 2015, gấp 1,5 lần năm 2020.
Những nỗ lực đổi mới trong 61 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư của tỉnh liên tục được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Kết quả thu hút đầu tư liên tiếp đạt những con số kỷ lục, năm 2023 đạt 5 tỷ USD; trong đó thu hút FDI cao nhất từ trước đến nay,đạt hơn 3,1 tỷ USD.
Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, với 05 thành phố, 01 thị xã trực thuộc tỉnh. Tỉnh quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn, như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, cao tốc Hạ Long - Móng Cái… đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.
Quảng Ninh tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu của giai đoạn 2020-2025. GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, gấp đôi bình quân cả nước, cao nhất khu vực phía Bắc, gấp 3,9 lần năm 2010, gấp 1,4 lần năm 2020. Tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh gấp 1,4 lần so với trung ương về tiêu chí thu nhập. Tỉnh hoàn thành xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Càng gian khó càng tỏa sáng
Nhiều thành quả của tỉnh từ khi thành lập đến nay đã được khẳng định, nhất là trong 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Bên cạnh đó, tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phát sinh những vấn đề vượt ngoài dự báo, gần đây nhất là thiệt hại nặng nề của bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn tỉnh, khoảng gần 25.000 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước.
Với tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm rất cao, sự chủ động, quyết liệt, nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tập trung cao nhất, với tinh thần khẩn trương nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách thần tốc, hiệu quả, nhanh chóng tập trung khắc phục hậu quả của bão. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có mặt tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh để chỉ đạo, tập trung cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, triển khai kịp thời các chính sách cấp bách hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp…, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở. Tỉnh dành nguồn lực 1.000 tỷ đồng thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động SXKD sau bão số 3 (Nghị quyết số 266/NQ-HĐND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh). Cụ thể: Hỗ trợ về nhà ở, nâng mức bảo trợ xã hội, miễn học phí cho học sinh, hỗ trợ trục vớt tàu, thuyền bị chìm do bão số 3.
Tỉnh nhanh chóng thành lập các tổ công tác để khôi phục, tái thiết nền kinh tế; xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục, hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời báo cáo đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3.
Dù thiệt hại do bão số 3 là vô cùng lớn, trong thiên tai, bão lũ, tình thế cấp bách, khó khăn, nhưng tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã được khơi dậy mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã tiếp nhận từ 2.482 tập thể, cá nhân đăng ký ủng hộ 89,92 tỷ đồng (86,8 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật quy ra tiền trên 3 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", Quảng Ninh đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số. Năm 2024 tỉnh quyết tâm giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, thu NSNN không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 3 tỷ USD.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Sơn: "Công tác giảm nghèo được đặc biệt chú trọng"
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; công tác xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực thực hiện. Cuối năm 2022, tỉnh hoàn thành chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh giảm 239/246 hộ nghèo, bằng 97,15% kế hoạch; giảm 1.812/3.063 hộ cận nghèo, bằng 151% kế hoạch năm. Với vai trò là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu giúp việc và tổ chức thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Sở tiếp tục tham mưu thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; triển khai các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão số 3 vừa qua; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh”…
Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy Trần Thanh Luận: "Y tế của tỉnh có quy mô, tầm vóc hiện đại"
Hiện hầu hết các cơ sở y tế của tỉnh được đầu tư đồng bộ, có quy mô, tầm vóc hiện đại, khang trang về cơ sở vật chất, đủ điều kiện phát triển chuyên sâu về chuyên môn kỹ thuật, làm chủ được nhiều kỹ thuật mới. Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển, mở rộng sự bao phủ, vươn tới tất cả các địa bàn để mọi người dân có điều kiện tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng... Tôi mong rằng tỉnh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống y tế của tỉnh, đặc biệt là xây dựng các cơ sở y tế chuyên sâu, đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) Nguyễn Văn Hồng: "Nông thôn mới góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền"
Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm người dân nông thôn, vùng cao trong tỉnh, nổi bật là chương trình xây dựng NTM. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, riêng có, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chung sức của người dân, hiện nay diện mạo các vùng nông thôn của tỉnh thay đổi rõ rệt, trở thành vùng quê đáng sống. Đường giao thông được bê tông hóa; nhà kiên cố, cao tầng mọc lên san sát; hoạt động thương mại, dịch vụ, ngành nghề ngày một phát triển; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hi vọng rằng tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đời sống nhân dân vùng nông thôn, giảm sự chênh lệch vùng miền.
Cô giáo Diệp Thanh Hoa, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long): "Tỉnh luôn coi giáo dục là ngành mũi nhọn, đặc biệt miễn học phí cho học sinh"
Những năm qua tỉnh rất quan tâm đến ngành giáo dục, coi giáo dục là ngành mũi nhọn. Tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục từ bậc mầm non đến đại học, tạo động lực cho thi đua học tốt, dạy tốt, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Đặc biệt khi thiên tai, dịch bệnh, tỉnh đã có chính sách miễn học phí cho học sinh. Trong 2 năm học liên tiếp ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non. Năm học 2024-2025 do thiệt hại bão Yagi, tỉnh thực hiện miễn học phí cho gần 244.000 học sinh các cấp học, ước tính khoảng 167 tỷ đồng. Tôi mong muốn tỉnh tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở vùng khó khăn; hỗ trợ học phí cho học sinh; có chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên, nhất là giáo viên vùng cao.
Chị Trần Thị Phấu, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên): Tỉnh đặc biệt quan tâm đến người DTTS
Những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng DTTS. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách đặc thù cho DTTS; từ đó kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con ngày được nâng lên. Để tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững, chúng tôi mong muốn tỉnh tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, mô hình phù hợp với đặc thù của bà con vùng cao; đa dạng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc, hải đảo để người dân có công việc ổn định, nâng cao thu nhập.