UBND tỉnh Quảng Ninh: Dấu ấn một nhiệm kỳ

16/06/2021 11:07
Với tinh thần đoàn kết luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, trong nhiệm kỳ hoạt động 2016-2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã để lại nhiều dấu ấn tạo thế và lực để Quảng Ninh trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tham mưu, xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành tổng số 219 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết chuyên đề tập trung cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực. Nội dung các nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng nguồn lực của tỉnh.

Nhiều nghị quyết chuyên đề có chất lượng tốt, thiết thực, tạo bước đột phá phát triển, giải quyết những vấn đề bức xúc mà đông đảo cử tri, nhân dân, doanh nghiệp quan tâm, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh đã đề ra.

Hoạt động của UBND tỉnh nhiệm kỳ qua tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn, bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa phương thức phát triển. Trong đó, đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; tái cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; bám sát, quản lý và triển khai thực hiện nghiêm túc 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh; kiên trì định hướng không gian phát triển của tỉnh: “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với 2 mũi đột phá là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; lấy khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây.

Từ những định hướng, tầm nhìn đó đã tạo ra những đột phá lớn, đảm bảo kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định qua từng năm. Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đạt 10,8%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 220.298 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2015. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 49,2% (năm 2015) lên 51,8% (năm 2020). Thu ngân sách nhà nước 5 năm (2015-2020) đạt trên 212.200 tỷ đồng, tăng 29% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó thu nội địa đạt trên 155.000 tỷ đồng, tăng 88% so với giai đoạn 2011-2015, thu xuất nhập khẩu đạt trên 57.200 tỷ đồng, vượt trên 43% so với chỉ tiêu Trung ương giao.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh là đã định hướng, phát triển ngành dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch và mở rộng không gian du lịch từ khu vực Bãi Cháy (TP Hạ Long), phát triển du lịch tại các địa bàn có tiềm năng là Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.

Đặc biệt, trước những chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tham mưu, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Từ đó đã tạo ra hạ tầng du lịch đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc. Có thể kể đến như: Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh…

Trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo ra hướng phát triển bền vững hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng, tăng dần sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu như năm 2015, tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng trong GRDP của tỉnh là 21,3% thì đến năm 2020 giảm xuống còn 19,2%, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân giai đoạn 2015-2020 là 17%/năm, cao hơn 7% so với giai đoạn 2011-2015, chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế, với điểm nhấn là các khu công nghiệp có các nhà đầu tư lớn (Tập đoàn TCL, Foxconn, Thành Công, Texhong…), có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh, sản xuất sợi, dệt kim và trang phục.

Với tầm nhìn, định hướng chiến lược và trước thời cơ, vận hội, thách thức mới đan xen, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, chưa được kiểm soát triệt để, UBND tỉnh đang thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá và từng bước đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, một mặt để ngăn chặn, phòng chống dịch COVID-19 lây lan, mặt khác đảm bảo địa bàn an toàn, mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh trong năm 2021 và giai đoạn 2020-2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Trong đó, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từng bước phát triển kinh tế số theo hướng phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; phát triển doanh nghiệp với mục tiêu hướng mạnh vào khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế.

Với những kết quả rất đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Quảng Ninh sẽ là động lực, đào đà để Quảng Ninh tiếp tục phát triển bứt phá, bền vững trong thời gian tới./.

dangcongsan.vn
Loading...