Đồng chí Đặng Duy Quân – Chủ tịch Hội DN CCB TP Móng Cái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trí Lực cho biết: Nghị quyết số 41-NQ/TW chú trọng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi yêu cầu “Có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ...”.
Trên tinh thần đó, với sự mạnh mẽ, tinh thần “thép” của những người lính, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP Móng Cái nói riêng thời gian qua đã luôn nỗ lực, chủ động sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm xây dựng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng lớn mạnh.
Theo ông Quân, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường thương mại ngày càng gay gắt, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi các doanh nghiệp không những cần có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh với hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, hiện nay phần lớn doanh nghiệp của TP Móng Cái vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và siêu nhỏ, tiềm lực còn hạn chế nên việc đầu tư cho khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và sử dụng lao đông chân tay đang chiếm phần lớn trong doanh nghiệp sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.
Cùng với đó, doanh nghiệp CCB TP Móng Cái vẫn còn tâm lý “ngại” chuyển đổi số, với lý do vấn đề tài chính và sự am hiểu công nghệ. Trong khi đó, những nền tảng chuyển đổi số do cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ, qua đó ảnh hưởng đến lợi ích tiềm năng và cân nhắc của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.
Muốn thúc đẩy nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp.
Do đó, có thể nói hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp Cựu chiến binh TP Móng Cái hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đều tham gia thị trường “mở”, hội nhập quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị bài bản, không đủ khả năng cạnh tranh, không trụ được thì sẽ bị đánh bật ra khỏi thị trường. Chỉ có đổi mới công nghệ mới nâng cao được năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Từ vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp, doanh nhân CCB có thể đứng vững và phát triển, Ông Đặng Duy Quân đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, đó là: doanh nghiệp cần chủ động rà soát, đánh giá xem mình đang đứng ở vị trí nào về ứng dụng khoa học công nghệ, có lạc hậu hay không? Nếu đầu tư đổi mới KHCN thì chiếm bao nhiêu % doanh thu của doanh nghiệp và sẽ tăng bao nhiêu % năng suất? Phải xác định đang gặp khó khăn nhất ở khâu nào để có các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KHCN.
Cùng với đó, các doanh nghiệp CCB cần xây dựng được các mục tiêu và có phương án, chính sách rõ ràng để thúc đẩy nâng cao năng suất ở chính cơ sở sản xuất của mình. Tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt hơn nữa để đổi mới công nghệ trong quy trình sản xuất. Cách tiếp cận đổi mới công nghệ cần toàn diện, đồng bộ hơn; không chỉ là vấn đề đổi mới công cụ, máy móc, thiết bị, mà cần chú trọng yếu tố thông tin, tổ chức điều hành, quản lý và yếu tố con người. Khi phối hợp đồng bộ các yếu tố trên thì chắc chắn sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ; chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển.
Các doanh nghiệp mong muốn chính quyền là cầu nối khuyến khích sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, tuyển dụng những lao động có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản trong các nhà trường, cơ sở dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành. Nguồn nhân lực chất lượng cao này không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà có các kỹ năng mềm và hiểu biết về các công nghệ hiện đại, đóng góp nhiều ý tưởng mới cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cuối cùng, Ông Quân chia sẻ: các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng các mục tiêu, chính sách, thể chế rõ ràng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ mới tiên tiến, hiện đại, phù hợp với loại hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Trong đường hướng hoạt động của HHDN Móng Cái, Chủ tịch HHDN Móng Cái Đặng Duy Quân kêu gọi các DN, Hộ kinh doanh và các cơ sở sản xuất của Hội cựu chiến binh TP Móng Cái ưu tiên dành nguồn lực, vật lực, quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để vững tay chèo, chèo lái con thuyền doanh nghiệp “vượt sóng”, vươn xa.