Thành phố Móng Cái phục hồi lễ tế đàn Xã Tắc

Ước vọng phồn vinh nơi đất thiêng địa đầu

12/03/2018 14:21
Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, cạnh kề ngã ba sông biên giới Việt Trung, đền Xã Tắc, phường Ka Long, TP Móng Cái được UBND Tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Với giá lịch sử như “cột mốc nơi biên ải”, khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, khẳng định những nét đặc trưng riêng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam, đền Xã Tắc đã trở thành một điểm đến tâm linh đối với hàng ngàn nhân dân và du khách thập phương khi đặt chân tới vùng đất địa đầu Đông Bắc. Năm 2018, TP Móng Cái đã quyết định phục dựng lại lễ tế và đàn Xã Tắc nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ tế đàn Xã Tắc và di tích lịch sử văn hóa đền Xã Tắc. Điều này thể hiện ước vọng phồn vinh của nhân dân nơi đất thiêng địa đầu.

 

Đền Xã Tắc trước kia có tên là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương” (tức là nơi lập đàn để tế long thần thổ địa của bản thôn) tọa lạc tại khu 3, phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần để thờ thần Xã Tắc – Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Tại đây còn phối thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, Cao Sơn Đại Vương, Long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này. Năm 2005, đền Xã Tắc được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Tương truyền, xưa kia, Đền Xã Tắc được xây dựng tại mép sông Thác Mang với quy mô khá lớn gồm ba gian nhà, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương. Đầu thế kỷ XX, trong một lần bão lớn, Đền bị sạt lở và được nhân dân di chuyển vào trong khu vực Xoáy nguồn với quy mô nhỏ hơn trước. Do vậy, trước đây Đền còn có tên khác là Miếu Xoáy Nguồn.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, ngôi Đền đã nhiều lần được trùng tu, nhưng lớn nhất là năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879), có ông họ Bùi, là Phủ Chánh Đường cùng nhân dân góp công, góp tiền trùng tu lại đền. Đến năm 1989, khi quan hệ hai nước Việt – Trung được lập lại, cửa khẩu được lưu thông, các thương nhân nơi đây thường đến đền để cầu lộc, thấy ngôi đền nhỏ mà linh thiêng nên họ đã đóng góp tiền, công sức tu sửa lại đền, lập tượng thờ Xã Tắc Đại vương, Ngọc Hoa Công chúa, Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Ngôi đền thiêng nơi địa đầu Tổ Quốc 

Với giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh đặc biệt của ngôi đền, từ cuối năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo đền Xã Tắc với mục tiêu: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của khu di tích, đồng thời tạo cảnh quan khu vực, hình thành điểm du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của TP Móng Cái.

Đền Xã Tắc ngày nay được xây dựng theo hướng Nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2. Ngôi đền chính có diện tích 308 m2, được xây dựng theo kiểu chữ “công”. Trong đó: tòa tiền đường gồm ba gian hai chái, hai gian chung đường và ba gian hậu cung. Đền được xây hai tầng tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ truyền thống, tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài.

Những văn bia lưu giữ tại Đền 

Nhân dân góp công, góp sức trùng tu, tôn tạo ngôi đền 

Tương truyền, tại nơi này từng là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh linh thiêng của cư dân Móng Cái và các vùng lân cận. Ngoài những ngày cúng rằm và mồng một hàng tháng, tại đền còn diễn ra 5 ngày lễ chính là ngày 16/1, 2/5, 16/8, 16/12, 18/12 (ÂL). Trong những ngày này, người dân trong khu vực được chia thành 5 tổ. Trong một năm, mỗi tổ được phân công lo một lễ chính. Ngày 16/1 là ngày lễ cầu an. Trong ngày này, con lợn được đem ra giết thịt, lòng lợn được nấu thành một vạc cháo to, thịt được luộc lên làm lễ cúng Xã Tắc Đại Vương. Ngoài ra, người dân trong tổ còn làm thuyền giấy, sắm nhiều hoa quả, vàng mã, rượu, bánh… cúng trong suốt một ngày sau đó mang thuyền thả xuống sông cầu bình an, cầu tài, cầu lộc. Còn cháo và thịt được chia cho 5 tổ. Nghi lễ này kéo dài và tồn tại suốt nhiều thế kỷ.

Với người dân sống trên địa bàn, đền Xã Tắc từ lâu đã trở thành một chốn linh thiêng để họ gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng rất đỗi đời thường của mình. Đặc biệt, các nghi lễ truyền thống tại đền đều được người dân bản địa mong muốn phục dựng để góp phần lưu truyền, giáo dục cháu con và các thế hệ mai sau.

Cụ Trịnh Tiến Xoan, một người dân gốc làng Ninh Dương cũ cho biết: tôi sinh ra và lớn lên ở làng Ninh Dương cũ. Tôi cũng như người dân gốc ở đây đều biết đến đền Xã Tắc. Xưa kia, hàng tháng, hàng năm nơi này đều tổ chức các lễ và lễ tế. Nay được biết Thành phố đang phục dựng lại lễ tế, người dân chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng, chúng tôi rất chờ đợi lễ được phục dựng khang trang, bài bản, đúng tục lệ…

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, để Đền Xã Tắc luôn là một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá và trở về nguồn cội, bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử, năm 2018, TP Móng Cái đã quyết định phục dựng lại lễ tế và đàn Xã Tắc nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ tế đàn Xã Tắc và di tích lịch sử văn hóa đền Xã Tắc. Điều này thể hiện ước vọng phồn vinh, tâm nguyện mong cầu quốc thái dân an, giang sơn vững bền, đời đời phát triển của nhân dân nơi đất thiêng địa đầu. Đồng thời, đây cũng là sản phẩm du lịch văn hóa góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm du lịch thành phố Móng Cái và thiết thực hưởng ứng năm du lịch quốc gia Hạ Long, Quảng Ninh 2018.

Theo đó, từ 14h00’ ngày 16/3/2018 đến 22h00’ ngày 17/3/2018 (Tức 29/1 đến  ngày 01/2/2 âm lịch năm Mậu Tuất), lễ tế Xã Tắc tại TP Móng Cái sẽ được cử hành. Các phần lễ bao gồm: Lễ Cấp thủy (lấy nước) tại Khu vực ngã ba Soáy nguồn – sông Ka Long; Lễ Mộc dục tại đền Xã Tắc; Lễ Nghinh Thần (Rước thần Xã - thần Tắc du hương); Tế tại đàn và nghi lễ Tống thần. Bên cạnh phần lễ là phần múa hát nhà tơ mừng thần, viết thư pháp  và các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập niêu, cờ người, thi chọi chim, chọi gà... Chương trình có quy mô tổ chức cấp thành phố với dự kiến trên 1.000 người tham gia. Hiện địa phương đang tích cực chuẩn bị các nội dung với quyết tâm bảo tồn tối đa các giá trị gốc của lễ tế và có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Ông Lê Ngọc Lưu- Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, Quảng Ninh cho hay: Lễ tế đàn Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc nhân văn, một nghi lễ nông nghiệp lúa nước của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh nói chung, nhân dân các dân tộc thuộc thành phố Móng Cái nói riêng cần được gìn giữ và duy trì. Bảo tồn đàn Xã Tắc và phục hồi lễ tế đàn Xã Tắc là gìn giữ giá trị nhân văn của dân tộc, đồng thời nó cũng đóng góp một giá trị văn hóa độc đáo vào trong cuộc sống tinh thần của người Việt Nam nói chung, Móng Cái- tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Việc tổ chức phục hồi Lễ tế đàn Xã Tắc cũng sẽ góp phần phục hồi môi trường diễn xướng để các hình thức diễn xướng dân gian truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đền Xã Tắc- một “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc thành phố Móng Cái. Việc tổ chức phục hồi lễ tế đàn Xã Tắc được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các nghi thức truyền thống trên nguyên tắc bảo tồn tối đa các giá trị gốc của lễ tế và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; có sự kết nối hài hòa với các lễ hội đầu xuân trên địa bàn thành phố được TP Móng Cái Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng năm du lịch quốc gia Hạ Long Quảng Ninh 2018.

Mỗi năm, ngôi đền thiêng nơi địa đầu Tổ Quốc đã đón hàng chục ngàn lượt du khách và nhân dân tới tham quan, vãn cảnh. Uy nghi giữa đất trời Đông Bắc lồng lộng cạnh kề ngã ba sông biên giới "nơi một tiếng gà gáy cả hai nước đều nghe", đền Xã Tắc linh thiêng đã vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một vùng đất để trở thành nơi thờ thần của non sông gấm vóc Việt Nam.

Ngày nay, với việc phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với các yếu tố phát triển đương đại qua việc phục hồi lễ tế đàn Xã Tắc, nhân dân địa phương sẽ có dịp chiêm bái, hưởng thụ văn hóa tín ngưỡng tâm linh của dân tộc; từ đó thêm hiểu biết và chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.

Thu Hằng
Trung tâm TT&VH
Loading...