Về Lễ hội Đình Trà Cổ - Về miền di sản

19/07/2020 22:36
Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của TP Móng Cái đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1974. Năm 2019, Lễ hội Đình Trà Cổ đã vinh dự được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chứng nhận Lễ  hội đình Trà Cổ là danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ (TP Móng Cái).

Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn. Tương truyền, vào đầu thế kỷ XVI, có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được khó khăn nơi đây nên đã quay về, còn 6 gia đình ở lại lập nghiệp. Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ XVI. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến gốc gác tổ tiên của mình.

Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức hàng năm vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch. Theo các cụ già trong làng kể lại, trước kia lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động và nghi thức. Trước khi mở hội, vào ngày 25-5 âm lịch, làng lại cắt cử các bô lão, trai tráng đại diện đi trên một đoàn thuyền rước bài vị tiên công từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn, sau đó quay về Trà Cổ. Nghi lễ này tượng trưng cho con đường ra lập nghiệp ở Trà Cổ của tiền nhân xưa. Ngày nay, nghi lễ trên đã lược bỏ do việc tổ chức đi lại vừa tốn kém, vừa vất vả, sóng gió nguy hiểm. Tuy nhiên, tục thi “Ông Voi” - nghi lễ chính của lễ hội, thì vẫn duy trì thường niên.

Thầy tế làm lễ xin rước kiệu tại lễ hội đình Trà Cổ năm 2019. Ảnh tư liệu

Đã thành thông lệ truyền thống, lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức theo 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các lễ mục dục, lễ rước cây đèn thần và thi Ông Voi. Đến ngày 1/6 là thực hiện các nghi lễ: lễ thỉnh sinh, lễ rước kiệu ngênh thần. Phần hội gồm các chương trình văn nghệ hát nhà tơ và ban tổ chức  một số trò chơi như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo...

Theo lệ xưa được duy trì đến nay, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai đám phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Những người được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào, vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc cai đám thì sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra… Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là “Ông Voi”, được coi như linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi.

Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”. “Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau. Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”.

Sáng 1-6 âm lịch chính hội, làng tổ chức đám rước thần. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đi đầu đám rước sẽ là phường bát âm, đội kèn đồng của xứ đạo Tràng Vĩ. Đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết thành hoàng rồi quay trở lại đình. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua v.v.. thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khoẻ, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Các nghi lễ tế thần được tiếp diễn trong các ngày hội còn lại.

Lễ rước kiệu nghênh thần. Ảnh tư liệu

Lễ hội đình Trà Cổ cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đình Trà Cổ. Về với Lễ hội đình Trà Cổ du khách sẽ đắm mình trong một miền di sản nơi địa đầu Đông Bắc Tổ Quốc./.

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...