Vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất

11/12/2024 04:01

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề phải được triển khai đồng bộ, từ đồng ruộng cho tới bàn ăn. Bên cạnh việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trên thị trường, thì việc trồng trọt, chăn nuôi, cũng phải được đảm bảo các quy trình về ATTP. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng như những người sản xuất trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn tới việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất an toàn.

Rau an toàn trồng trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ tại Green Việt Long, phường Cộng Hoà, TX Quảng Yên.

Toàn tỉnh hiện có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành nông nghiệp quản lý 28.350 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản (cấp tỉnh quản lý 1.614 cơ sở, cấp huyện, xã quản lý là 26.421 cơ sở). Phần lớn các cơ sở sản xuất này đều theo quy mô nhỏ lẻ, nông hộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước những yêu cầu ngày càng cao hơn của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình, quy chuẩn đảm bảo ATTP, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những cơ sở sản xuất theo quy mô trang trại, hợp tác xã, với các tiêu chí về ATTP luôn được đặc biệt chú trọng.

Như tại thương hiệu rau an toàn Green Việt Long, thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, tới thời điểm hiện tại, công ty vẫn đang duy trì diện tích 39ha rau an toàn tại phường Cộng Hoà, TX Quảng Yên, bao gồm một phần diện tích trồng mẫu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong khu vực trên cơ sở kiểm soát quy trình và chất lượng rau củ quả. Hiện, đơn vị cũng đang cung cấp cho các siêu thị, khách sạn nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp và bếp ăn trường học.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Giám đốc Green Việt Long, cho biết: Không chỉ đảm bảo các quy trình VietGAP, chúng tôi cũng đang dần chuyển dịch sang xu hướng trồng rau hữu cơ, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Tại đây, chúng tôi luôn kiểm soát gắt gao tới từng khâu, từng bước trong quá trình trồng rau, từ xử lý đất, gieo hạt, tới chăm sóc. Chúng tôi sử dụng chế phẩm từ đạm cá, dịch trùn quế để cung cấp chất dinh dưỡng cho đất và cho rau. Trong trường hợp nếu có sâu bệnh thì chúng tôi cũng xử lý bằng các loại chế phẩm như tỏi ớt, quế, xuyến chi…

Mô hình nuôi gia cầm trong chuồng lạnh tại TX Quảng Yên.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trong những năm qua, việc xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn sinh học ngày càng được người chăn nuôi quan tâm và mạnh dạn đầu tư triển khai. Trên thực tế, các quy trình chăn nuôi này không chỉ đảm bảo vật nuôi được phòng chống các dịch bệnh tốt hơn, mà còn giúp đóng góp quan trọng trong việc hạn chế lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi - một trong những nguyên nhân dẫn tới tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm thịt.

Ông Đồng Quang Cường, chủ trang trại nuôi vịt tại xã Cẩm La, TX Quảng Yên chia sẻ: Chúng tôi đã đầu tư mô hình nuôi vịt trong chuồng lạnh công nghệ cao hơn 5 tỷ đồng, tự động 100%. Để đảm bảo ATTP trong chăn nuôi, chúng tôi nhập hoàn toàn con giống rõ nguồn gốc xuất xứ. Nước ăn của vịt được khử khuẩn, còn thức ăn thì chỉ lựa chọn loại của các thương hiệu lớn.

Hiện, toàn tỉnh đang có 60 vùng trồng được cấp mã số; trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận tới 59 loại sản phẩm.

Cơ sở chế biến hàu theo tiêu chuẩn HACPP tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.

Sở NN&PTNT tiếp tục duy trì hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại địa chỉ http://qn.check.net.vn. Lũy kế đến nay, đã cấp được 1.332 tài khoản và 2.489 mã Qr-Code cho sản phẩm nông sản, thủy sản; trong đó, đã thực hiện cấp 1.280 mã Qr-Code cho 1.280/1.576 sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến bao gói sẵn tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Thời gian tới, để việc truy xuất hàng hóa được thực hiện đồng bộ, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động truy xuất nguồn gốc; rà soát, thống kê các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 80% sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR-Code truy xuất được nguồn gốc; 100% cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 10% cơ sở thuộc diện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa phương tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã QR-Code cho các sản phẩm; xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương, phấn đấu đến năm 2030, sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

baoquangninh.vn
baoquangninh.vn
Loading...