Là lễ hội đầu tiên trong năm trên địa bàn TP Móng Cái với ước mong cầu cho “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công với đất nước, Lễ hội Đình Vạn Ninh được tổ chức thường niên vào 2 ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch. Năm Giáp Thìn 2024, lễ hội Đình Vạn Ninh ghi dấu mốc quan trọng khi chính thức tổ chức lễ công bố quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong không khí những ngày đầu xuân năm mới, cùng tìm về vùng đất cổ Vạn Ninh, nghe câu hát nhà tơ để lắng nghe thanh âm nguồn cội, hướng ánh nhìn sâu lắng về nơi ghi dấu ấn đậm nét của cha ông ta khi xưa trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước và từng là thương cảng tiền tiêu trong hệ thống bến bãi trải dài từ Yên Hưng đến tận vùng địa đầu Đông Bắc.
Vạn Ninh nằm ở phía Nam của thành phố Móng Cái và cách khu vực trung tâm khoảng 10 km. Tương truyền, Vạn Ninh xưa còn có tên gọi là làng Bần, làng Đồng Chùa. Tuy là một làng ven biển nhưng Vạn Ninh không phải là vùng đất mới được bồi đắp mà là một vùng đất cổ. Từ thời Lý – Trần, Vạn Ninh đã là nơi tập trung đông đúc các thuyền buôn của nước ngoài. Để tiện cho việc thu thuế và quản lý thuyền bè nước ngoài ra vào nội địa, nhà Lý đã chính thức cho mở thương cảng Vân Đồn và tạo dựng các ''vùng đệm'' cho thương cảng quan trọng này. Từ đó, Vạn Ninh đã trở thành cảng tiền tiêu trong hệ thống bến bãi trải dài từ Yên Hưng đến tận vùng địa đầu Đông Bắc…
Trong quá trình hình thành và phát triển, mảnh đất Vạn Ninh còn là nơi ghi dấu ấn đậm nét của cha ông ta khi xưa trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước.
Theo lịch sử, trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, Tướng quân Lý Thường Kiệt đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thuỷ quân. Người Vạn Ninh tự hào và để tưởng nhớ công lao ông, sau này, nhân dân xã Vạn Ninh đã xây dựng đình và tôn thờ Lý Thường Kiệt làm thành hoàng làng và phối thờ cùng các vị thành hoàng khác ở trong đình.
Trải qua các thời kì nối tiếp, cho đến nay, trong đình Vạn Ninh còn là nơi thờ tự của 7 vị thần là Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Giác Hải, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, vua Trần Nhân Tông, tướng quân Phạm Ngũ Lão, tướng quân Yết Kiêu và vua Lê Thái Tổ. Các vị thần này đều có sắc phong, sắc của vua Tự Đức cho Lý Thường Kiệt, Không Lộ thiền sư, Giác Hải thiền sư và Trần Hưng Đạo hiện được giữ tại đình, số còn lại được lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Hiện, đình còn có hai ban thờ ở hai hồi của nhà tiền tế, ban phía đông thờ cụ tổ của hai họ Bùi, họ Nguyễn - hai họ đứng ra xây đình đầu tiên; ban phía tây thờ cụ tổ của các dòng họ sau này tham gia xây dựng đình.
Đình Vạn Ninh có diện tích gần 200m2, có bố cục hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, chung quanh diềm mái trang trí dải cánh sen đã cách điệu. Hệ thống vì kèo của đình được thiết kế theo kiểu giá chiêng chồng rường, được chạm trổ, ghép mộng chắc chắn. Đình có 32 cây cột gỗ được kê trên đá tảng, trong đó có 12 cây cột cái có đường kính 45cm, 20 cây cột quân có đường kính 35cm. Công trình hiện nay được phục dựng khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Đình Vạn Ninh đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2011.
Cùng với những di tích vật thể được bảo tồn, vùng đất ven biển này còn là nơi lưu giữ giá trị di sản phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Tiêu biểu nhất phải kể đến là hội đình Vạn Ninh - một lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch. Đây là một lễ hội mang nhiều nét đặc sắc vùng miền nên thu hút rất đông nhân dân và du khách tham gia. Lễ hội gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ luôn diễn ra trang trọng, linh đình với các nội dung: Lễ cáo yết, Lễ rước Thần, Lễ nghênh Thần, Lễ an vị, Lễ nhập tịch, Lễ cúng Thần, Lễ tế Thần và Lễ tống (tiễn) Thần. Phần hội thường được tổ chức sôi nổi và cuốn hút với hát nhà tơ, các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ … Đặc biệt nhất trong lễ hội đình Vạn Ninh phải kể đến một lối hát dân gian rất nổi tiếng mà người dân thường gọi là hát nhà tơ – hát cửa đình, hát chầu thần hay hát chúc thần. Loại hình nghệ thuật này được coi là phần hồn của lễ hội, là “đặc sản” văn hóa chỉ có ở vùng đất ven biển Đông Bắc này. Hát cửa đình gắn liền với tục thờ thành hoàng làng của người Việt. Với nhiều nét đặc sắc, hát nhà tơ – hát cửa đình đã trở thành tài nguyên văn hoá phi vật thể mang tính nguồn cội, là niềm tự hào không chỉ riêng của người Vạn Ninh mà còn của cả tỉnh Quảng Ninh, của cả một dải đất ven biển Đông Bắc Tổ quốc.
Năm 2023, Đảng ủy, chính quyền xã Vạn Ninh cũng đã huy động xã hội hóa kinh phí để tiếp tục tu sửa một số hạng mục công trình phụ trợ, góp phần tạo cảnh quan khang trang hơn nơi ngôi Đình thiêng.
Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3424/QĐ-BVHTTDL ghi danh: Lễ hội đình Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này là mốc son to lớn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội đình Vạn Ninh, để di sản tiếp tục được tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Như vậy, Móng Cái có trên 40 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ; Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình và Lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh.
Tháng Giêng này, lễ hội Đình Vạn Ninh ghi dấu mốc quan trọng khi chính thức tổ chức lễ công bố quyết định, trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Lễ hội Đình Vạn Ninh năm 2024. Không chỉ là lưu giữ được công sức và nét đẹp văn hóa truyền thống của các thế hệ trước mà còn tạo tiền đề để các thế hệ sau phát triển và tái tạo. Từ đó, xây dựng và phát triển giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở cập nhật nền văn hóa hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn không bị mất đi bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói riêng từ nơi vùng biển tiền tiêu Đông Bắc đất nước.
(Trong bài có sử dụng tư liệu ảnh của Xã Vạn Ninh).