Xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái phát triển theo hướng đa ngành

23/02/2021 10:30
Trước yêu cầu phát triển mới và để phù hợp hơn với thực tiễn của Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để tỉnh Quảng Ninh lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 trên cơ sở bám sát Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 18/9/2015. Trong đó mục tiêu hướng đến là xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững và là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...

Lãnh đạo Bộ Xây dựng và tỉnh Quảng Ninh khảo sát quá trình lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.

TP Móng Cái có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, logistics. Qua 5 năm triển khai công tác xây dựng, thu hút đầu tư theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội, với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã đạt được những kết quả khả quan.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư chiến lược (Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, Ecoland, Amata, Bến Thành Holdings...) đã đến nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án quy mô lớn, đột phá. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để TP Móng Cái được công nhận là đô thị loại II vào năm 2018.

Xét thấy với tốc độ phát triển nhanh, mạnh của KKT cửa khẩu Móng Cái như hiện nay thì Đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ không còn phù hợp, đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, lâu dài. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để tỉnh Quảng Ninh lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.

Hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng cạn ICD Móng Cái.

Bám sát những định hướng phát triển của Thủ tướng Chính phủ đã được phê duyệt tại Quyết định số 1744/QĐ-TTg ngày 4/12/2019, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã trình Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Theo đó, phạm vi quy hoạch sẽ bao gồm 17 xã, phường của TP Móng Cái và 11 xã, thị trấn của huyện Hải Hà, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 107.000ha.

Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững và là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đô thị hiện đại gắn với xây dựng Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp Hải Yên; là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế có tính chất du lịch biển đảo, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới, thể thao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; đảm bảo quốc phòng - an ninh, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Một góc của KKT cửa khẩu Móng Cái hiện nay.

Theo đó, sẽ định hướng phát triển KKT cửa khẩu Móng Cái gồm 6 khu, mỗi khu có một chức năng, nhiệm vụ riêng biệt. Khu A (Đô thị Móng Cái) có diện tích đất tự nhiên khoảng 15.480ha, dân số 230.000 người, là khu đô thị hiện trạng cải tạo mở rộng, trung tâm thương mại cửa khẩu, hợp tác kinh tế, trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ công nghiệp, cảng biển; Khu B (Khu vực Hải Hà) có diện tích đất tự nhiên khoảng 12.128ha, dân số khoảng 145.000 người, là khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà, đô thị dịch vụ công nghiệp, công nghệ cao; Khu C (Khu đô thị dịch vụ tích hợp) có diện tích đất tự nhiên khoảng 5.300ha, dân số  51.000 người, là trung tâm hành chính, dịch vụ công cộng tích hợp, khu công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và đô thị mới; Khu D (Khu vực du lịch biển đảo) có diện tích đất tự nhiên khoảng 4.610ha, dân số khoảng 23.000 người, là khu du lịch biển đảo sinh thái cao cấp Vĩnh Trung - Vĩnh Thực; Khu E (Khu dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn) có diện tích đất tự nhiên khoảng 23.320ha, dân số khoảng 21.000 người, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Khu F (Khu phát triển mở rộng) có diện tích đất tự nhiên khoảng 33.755ha, dân số khoảng 50.000 người, khu vực phía Nam đường cao tốc, hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và các dịch vụ logistics, nông nghiệp sinh thái.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái được Quảng Ninh thực hiện song song với nghiên cứu Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã cập nhật, bổ sung các nội dung phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025; cập nhật các định hướng phát triển của tỉnh và quốc gia đối với luồng dịch chuyển kinh tế thương mại toàn cầu, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án, làm cơ sở pháp lý để quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KKT cửa khẩu Móng Cái.

Mạnh Trường

baoquangninh.com.vn
Loading...