Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh trong tình hình mới

Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội

Đại hội XIII của Đảng đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong 5 năm (2021-2025); xác định phương hướng, mục tiêu của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực, ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người. Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đều xây dựng đề án, nghị quyết riêng, nhằm đưa việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, coi đó là tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh năm 2022 tạo sân chơi giao lưu văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, ý nghĩa giữa các địa phương của tỉnh.

Từ đây, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến. Một số địa phương đã và đang triển khai xây dựng những thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Tiêu biểu như mô hình bản Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long), bản văn hóa dân tộc Tày xã Lục Hồn, dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động (huyện Bình Liêu)... 

Tỉnh đã tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi của nhân dân. Cùng với việc xây dựng và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô hiện đại, thu hút các sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực như Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi..., hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tiếp tục được quan tâm xây dựng. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp gần 600 nhà văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn, khu.

Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Bộ môn bóng chuyền hơi được đông đảo nhân dân yêu thích tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX. Ảnh: Tạ Quân

Cùng với đó, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng chuyển biến tích cực. Đặc trưng của con người Quảng Ninh từng bước được định hình rõ nét.

Những mục tiêu mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Thông qua đó dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.

Ông Lê Đức Chắn (TX Quảng Yên) - người sở hữu và truyền dạy tri thức dân gian về nghề đóng thuyền vỏ gỗ buồm cánh dơi chạy ngược nước, ngược gió, vừa qua đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Ảnh: Phạm Học

Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã và đang tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội tại các địa phương.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cho biết: Nghị quyết số 06-NQ/TU tiếp tục là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển KT-XH của Bình Liêu. Huyện đã bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư cho phát triển văn hóa, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa của cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Từ đây, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa vừa tạo nguồn lực để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn huyện.

Ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán (huyện Bình Liêu) được duy trì tổ chức thường niên, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cảnh quan, văn hóa, con người Quảng Ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, triển lãm của quốc gia, quốc tế.

Quảng Ninh tập trung hoàn thiện sớm và đưa vào triển khai thực hiện các đề án như: Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Đề án xây dựng Bộ Tiêu chí người Quảng Ninh; Đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030... Từ đây, tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, du lịch góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Đoàn rước Đức Ông trong Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2022.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ, tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa gắn với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Qua đó, góp phần thực hiện tiêu chí nâng cấp đô thị, nông thôn thông minh, phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, văn minh, giàu bản sắc thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

baoquangninh.com.vn
Tweet